Những 'dấu ấn' khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên năm 2024
Thời gian qua, hoạt động sáng tạo khởi nghiệp của học sinh, sinh viên (HSSV) đã trở thành chương trình có ý nghĩa to lớn, tạo sân chơi trí tuệ để khẳng định, tôn vinh sức sáng tạo, thành quả của HSSV, góp phần tạo giá trị cho cộng đồng, xã hội. Năm 2024, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) đã tạo được những 'dấu ấn' nổi bật về hoạt động khởi nghiệp trong HSSV.
![Dự án “Tận dụng bã mía làm men vi sinh trong nuôi ốc bươu đen và kinh doanh các sản phẩm chế biến từ ốc, góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn” của Trường THPT Giao Thủy (Giao Thủy) đoạt giải Nhất tại Ngày hội khởi nghiệp và cuộc thi “Học sinh phổ thông với ý tưởng khởi nghiệp” tỉnh Nam Định lần thứ 2.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_17_441_51493221/930c3a071649ff17a658.jpg)
Dự án “Tận dụng bã mía làm men vi sinh trong nuôi ốc bươu đen và kinh doanh các sản phẩm chế biến từ ốc, góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn” của Trường THPT Giao Thủy (Giao Thủy) đoạt giải Nhất tại Ngày hội khởi nghiệp và cuộc thi “Học sinh phổ thông với ý tưởng khởi nghiệp” tỉnh Nam Định lần thứ 2.
Thực hiện Đề án “Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025” theo Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua ngành GD và ĐT đã chủ trì, phối hợp với các trường đại học, các doanh nghiệp, một số sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động: Tư vấn về kỳ thi tuyển sinh, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh khối các trường THPT để các em chọn trường phù hợp lực học và cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi ra trường; tổ chức hội thảo, tập huấn kiến thức về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho cán bộ, giáo viên, HSSV các trường THPT, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Tại nhiều cơ sở giáo dục (CSGD) đã tổ chức các hoạt động khởi nghiệp dưới các hình thức phong phú, đa dạng như lồng ghép vào chương trình môn học, các hoạt động giáo dục ngoại khóa, hình thành các loại hình câu lạc bộ, tổ chức các hoạt động khoa học...
Cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thành Nam năm 2024” được phát động từ tháng 7/2024, đã thu hút 72 ý tưởng, dự án sáng tạo từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đăng ký dự thi. Trong số đó, Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định có 2 dự án tham gia, gồm: Dự án “Bộ sản phẩm rối nước phục vụ các hoạt động giáo dục, biểu diễn nghệ thuật trong nhà trường” - sản phẩm mang tính thực tiễn cao, là sự kết hợp độc đáo giữa nghệ thuật múa rối nước truyền thống vào giáo dục hiện đại, được thiết kế để phục vụ các CSGD mầm non và tiểu học. Bộ sản phẩm gồm các con rối, mô hình sân khấu thu nhỏ, kịch bản biểu diễn và âm thanh đi kèm, tất cả được sản xuất thủ công từ nguyên liệu tái chế thân thiện với môi trường. Mỗi bộ rối không chỉ là giáo cụ trực quan hấp dẫn, hỗ trợ tích cực cho giáo viên trong đổi mới phương pháp dạy học, mà còn là cầu nối giúp lan tỏa giá trị văn hóa, nghệ thuật dân gian độc đáo của Việt Nam. Dự án “Bộ học liệu cho trẻ làm quen với Tiếng Anh - English and Fun” với mục tiêu hỗ trợ trẻ mầm non và tiểu học tiếp cận tiếng Anh thông qua phương pháp học kết hợp chơi, dự án mang đến bộ học liệu sáng tạo gồm flashcard minh họa, giáo cụ trực quan, phiếu bài tập và các hoạt động STEAM. Tại vòng chung kết, nhóm thực hiện dự án đã xuất sắc giành 3 giải thưởng quan trọng: giải Ba - giải thưởng chính thức của cuộc thi, trị giá 24 triệu đồng, khẳng định giá trị nổi bật của dự án trong việc kết hợp giáo dục và văn hóa truyền thống; giải “Đồng hành về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong truyền thông và công nghệ MARTECH” do Làng công nghệ MARKETING TECHFEST quốc gia tặng, trị giá 60 triệu đồng, nhấn mạnh việc áp dụng công nghệ hiện đại để truyền thông và phát triển sản phẩm; giải “Bình chọn Dự án được yêu thích nhất”, nhờ sự sáng tạo và tính gần gũi của sản phẩm. Hai dự án của Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định không chỉ minh chứng cho tinh thần sáng tạo, nhiệt huyết của giảng viên và sinh viên mà còn mang lại những giá trị bền vững trong giáo dục và văn hóa. Trong đó, dự án “Bộ sản phẩm Rối nước” đã mở ra một hướng đi mới trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân gian Việt Nam, đồng thời tạo nên công cụ giáo dục trực quan hữu ích, còn dự án “English and Fun” góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về giáo dục ngoại ngữ sớm, khơi gợi niềm hứng thú học tập của trẻ.
Một hoạt động khởi nghiệp ghi “dấu ấn” nữa là Sở GD và ĐT đã phối hợp với các sở, ngành chức năng tổ chức Ngày hội khởi nghiệp và cuộc thi “Học sinh phổ thông với ý tưởng khởi nghiệp” tỉnh Nam Định lần thứ 2 vào cuối tháng 12/2024. Ngày hội thu hút 55 dự án xuất sắc thuộc 6 lĩnh vực: Chuyển đổi số, công nghệ giáo dục, giải trí, truyền thông; Công nghiệp, chế tạo sản phẩm; Giáo dục, du lịch, dịch vụ, thời trang, tài chính; Kinh doanh tạo tác động xã hội; Môi trường, nông, lâm, ngư nghiệp; Y tế, chăm sóc sức khỏe, công nghệ làm đẹp. của 213 học sinh thuộc 49 đơn vị (8 Phòng GD và ĐT huyện, thành phố và 41 trường THPT) tham gia. Đây là các dự án, ý tưởng sáng tạo được lựa chọn từ hàng trăm dự án qua các vòng thi: vòng cơ sở, vòng bán kết cấp tỉnh, vòng khán giả bình chọn. Ngày hội Khởi nghiệp và Cuộc thi “Học sinh phổ thông với ý tưởng khởi nghiệp” tỉnh Nam Định lần này đã kế thừa giá trị của lần đầu tổ chức và tạo được những dấu ấn ý nghĩa. Các dự án tham gia đều là các dự án tiềm năng được các đơn vị đầu tư về thời gian nghiên cứu, mẫu mã sản phẩm, một số đơn vị còn kết nối được nhiều nguồn lực trong quá trình thực hiện dự án. Các đơn vị đã thể hiện được tính ưu việt của dự án; giới thiệu trên các kênh truyền thông đã thu hút được sự quan tâm của nhiều khán giả - đây cũng là một trong những yêu cầu của một dự án khởi nghiệp.
Các dự án khởi nghiệp đều có tính thiết thực và tính khả thi cao, có sự nghiên cứu khá rõ về nhu cầu thị trường, các đối tượng khách hàng, thể hiện được tư duy sáng tạo khởi nghiệp. Mặc dù tập trung cao vào ý tưởng có tính độc đáo và khả năng thu lợi nhuận cao nhưng các dự án cũng không quên đánh giá vai trò, tác động đến cộng đồng và sự phát triển bền vững của xã hội, mang tính tích cực, tính nhân văn, tiêu biểu như các Dự án: “Chế tạo gương thông minh (smart mirror) từ rác thải điện tử” của Trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định); “Thiết bị y tế thông minh đa chức năng” của Trường THPT Mỹ Lộc (thành phố Nam Định); “Băng gô cá nhân tự hủy từ chất liệu cây chuối” của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong... Đặc biệt, nhiều dự án đi sâu vào khai thác các sản phẩm, tiềm năng của các địa phương, qua đó thúc đẩy sự phát triển của địa phương, tiêu biểu như: “Tận dụng bã mía làm men vi sinh trong nuôi ốc bươu đen và kinh doanh các sản phẩm chế biến từ ốc, góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn” của Trường THPT Giao Thủy (Giao Thủy); “Chế biến và sản xuất Mắm chua làng biển” của Phòng GD và ĐT huyện Nghĩa Hưng; “Mô hình huyện Hải Hậu - Hỗ trợ dạy học và du lịch” của Phòng GD và ĐT huyện Hải Hậu... Ban tổ chức đã trao 5 giải Nhất, 10 giải Nhì, 19 giải Ba cho các dự án xuất sắc nhất.
Trong khuôn khổ Ngày hội còn diễn ra nhiều hoạt động mang ý nghĩa thiết thực như: tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh; trưng bày các sản phẩm khởi nghiệp tại các gian hàng... Đặc biệt, một trong những điểm mới, cũng là điểm nhấn của chương trình là diễn đàn truyền cảm hứng với chủ đề: “Khởi nghiệp trong giáo dục phổ thông: Khởi nguồn từ tầm nhìn”. Diễn đàn có sự tham gia của các chuyên gia, nhà giáo dục, nhà khoa học như: Chủ tịch Hiệp hội khởi nghiệp quốc gia; lãnh đạo Trường Đại học Phenikaa; Viện Quản trị và Thương mại Điện tử, Công ty cổ phần Công nghệ Zsolution, Công ty cổ phần Công nghệ giáo dục NovaEdu, Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp... Tại đây, những chia sẻ của các diễn giả đã mang đến những góc nhìn sắc bén, giàu tính thực tiễn về sự đổi mới trong quản trị nhà trường, sự cần thiết của việc kết nối giữa nhà trường - đại học - doanh nghiệp, cũng như các giải pháp về việc tổ chức hoạt động hướng nghiệp và khởi nghiệp trong giáo dục phổ thông. Sự đồng hành này sẽ được tiếp tục trong những chặng đường tiếp theo cùng các nhà trường, góp phần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong ngành GD và ĐT tỉnh. Em Đinh Thu Phương, lớp 10A1, Trường THPT Tống Văn Trân (Ý Yên) cho biết: “Các hoạt động này đã mang đến cho em và các bạn trong nhóm những trải nghiệm quý giá về hành trình học hỏi, sáng tạo, thể hiện ước mơ, xây dựng ý tưởng khởi nghiệp và có thêm niềm tin biến ước mơ thành hiện thực”.
Kết quả đánh giá các dự án tại các cuộc thi khởi nghiệp đã khẳng định thành công bước đầu của ngành GD và ĐT tỉnh và các CSGD trong phong trào khởi nghiệp. Đây sẽ là động lực để các nhà trường tiếp tục nuôi dưỡng các ý tưởng sáng tạo, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, giáo dục và xã hội của tỉnh. Qua các cuộc thi khởi nghiệp, các nhà trường cũng có thêm cơ hội để học sinh trải nghiệm các hoạt động khám phá năng lực, sở trường bản thân - yếu tố cốt lõi để tiếp tục các bước tiếp theo của quá trình định hướng nghề nghiệp. Qua đó, các nhà trường có thể kết nối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong nhà trường; tăng cường huy động nguồn lực xã hội cho các hoạt động nghiên cứu, khởi nghiệp; tiếp tục tạo phong trào, sân chơi, môi trường để khích lệ, ươm mầm và nuôi dưỡng cho các ý tưởng khởi nghiệp của học sinh; hỗ trợ kinh nghiệm triển khai các hoạt động kết nối các nguồn lực phát triển khởi nghiệp; truyền cảm hứng khởi nghiệp trong HSSV, đảm bảo "học đi đôi với hành".