Những đảng viên trẻ tiên phong ở Tây Nguyên - Kỳ cuối: Sức bật từ những 'hạt giống đỏ'

Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội và quốc phòng an ninh của Việt Nam. Vì vậy, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quyết định. Trong đó, việc tìm kiếm, bồi dưỡng những 'hạt giống đỏ' được xem là một chiến lược then chốt, nhất là trong môi trường giáo dục và các cấp bộ Đoàn.

Ươm mầm trên ghế nhà trường

Nhiều năm nay, tỉnh Lâm Đồng chú trọng trong việc tìm kiếm, phát triển những “hạt giống đỏ”, đặc biệt là ươm mầm trên ghế nhà trường. Một trong những chiến lược cụ thể là thành lập các “Tổ Tu dưỡng, rèn luyện Hạt giống đỏ” trong các cơ sở giáo dục. Các tổ chức Chi bộ Đảng trong trường học đóng vai trò quan trọng trong việc xác định và bồi dưỡng những học sinh có tiềm năng.

Sáng kiến “Xây dựng hình mẫu học sinh THPT Chu Văn An” là một ví dụ điển hình về phương pháp phát triển đảng viên từ học sinh, tập trung xây dựng những tấm gương điển hình tiên tiến trong đoàn viên học sinh. Từ năm 2019 đến nay, Chi bộ Trường THPT Chu Văn An (xã Hiệp An, huyện Đức Trọng) đã cử gần 20 học sinh tham gia lớp nhận thức về Đảng và đặc biệt kết nạp được 5 học sinh là đoàn viên xuất sắc đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Trường học ở Lâm Đồng tổ chức Lễ kết nạp Đảng cho học sinh

Trường học ở Lâm Đồng tổ chức Lễ kết nạp Đảng cho học sinh

Ông Phan Đức Thái, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lâm Đồng cho biết, nhiều năm qua, các đơn vị giáo dục trực thuộc sở đang áp dụng phương pháp có cấu trúc, tập trung vào việc phát triển đảng viên từ các học sinh THPT xuất sắc. Cùng với đó, các trường học thành lập các câu lạc bộ đội nhóm, học tập và phong trào để bồi dưỡng các em ngay từ đầu.

Theo ông Thái, mục tiêu tạo môi trường để các em học sinh vừa đạt kết quả tốt trong học tập, vừa tích cực tham gia các hoạt động phong trào. Những hoạt động này không chỉ giúp các em nâng cao kiến thức, kỹ năng mà còn định hướng lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, góp phần xây dựng đội ngũ đảng viên trẻ chất lượng trong tương lai. Từ đó, các chi bộ sẽ dễ dàng sàng lọc, lựa chọn được những hạt giống tiềm năng.

"Khi các em đáp ứng được cả hai tiêu chí về học tập và hoạt động phong trào, các em sẽ có cơ hội đứng vào hàng ngũ của Đảng, như đã đề cập. Trong những trường hợp các em chưa đủ 18 tuổi, Đảng ủy, Đảng bộ và nhà trường có trách nhiệm bồi dưỡng, phát triển và cử đi học lớp nhận thức về Đảng. Đồng thời, Chi bộ sẽ chuẩn bị hồ sơ giới thiệu cho các em vào Đảng khi đủ 18 tuổi", ông Thái cho biết thêm.

“Cấy hạt giống đỏ” ở vùng sâu, vùng xa

Nhiều năm qua, Tỉnh Đoàn Kon Tum chú trọng đến phát triển, bồi dưỡng “hạt giống đỏ” ở vùng sâu, vùng biên giới.

“Các cấp bộ Đoàn luôn tạo điều kiện cho thanh niên DTTS được rèn luyện, hình thành nhân cách, phát triển toàn diện, xứng đáng là chủ nhân tương lai của đất nước. Cùng với sự phát triển về mọi mặt, đặc biệt là cuộc cách mạng 4.0, vấn đề về bồi dưỡng thanh niên ngày càng được chú trọng quan tâm đổi mới cả về hình thức và nội dung”.

Anh Nguyễn Văn Mạnh - Bí thư Tỉnh Đoàn Kon Tum

Anh Nguyễn Văn Mạnh - Bí thư Tỉnh Đoàn Kon Tum chia sẻ, từ nhận thức Đoàn Thanh niên là đội dự bị tin cậy của Đảng, trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn rất chú trọng đến việc bồi dưỡng và phát triển tư duy các “hạt giống đỏ” ở vùng sâu, vùng biên giới. Các em đoàn viên thanh niên (ĐVTN) DTTS là đối tượng trọng tâm, thường xuyên và liên tục.

“Các cấp bộ Đoàn luôn tạo điều kiện cho thanh niên DTTS được rèn luyện, hình thành nhân cách, phát triển toàn diện, xứng đáng là chủ nhân tương lai của đất nước. Cùng với sự phát triển về mọi mặt, đặc biệt là cuộc cách mạng 4.0, vấn đề về bồi dưỡng thanh niên ngày càng được chú trọng quan tâm đổi mới cả về hình thức và nội dung”, anh Nguyễn Văn Mạnh chia sẻ.

Kế hoạch về việc thực hiện Đề án bồi dưỡng cán bộ Đoàn giai đoạn 2023-2027 của Tỉnh Đoàn Kon Tum tập trung bồi dưỡng, cập nhật kiến thức; nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp công tác từ đó nâng cao chất lượng đáp ứng nhu cầu công tác cho cán bộ Đoàn các cấp trong tình hình mới, nhất là đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt của Đoàn các cấp.

Đảng viên, đoàn viên Y Lim (bên trái) luôn đi đầu trong các hoạt động của thôn và phát triển kinh tế gia đình

Đảng viên, đoàn viên Y Lim (bên trái) luôn đi đầu trong các hoạt động của thôn và phát triển kinh tế gia đình

Ngoài ra, Tỉnh Đoàn cũng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường, đội tri thức trẻ tham gia giảng dạy các lớp tập huấn, nhằm nâng cao kiến thức, phát triển nguồn nhân lực thanh niên khởi nghiệp tại địa phương. Tổ chức các buổi tập huấn về khởi nghiệp, phát triển kinh tế nông nghiệp sẽ gắn với chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp vùng đồng bào DTTS.

“Qua việc triển khai các chương trình trên đã góp phần không nhỏ việc bồi dưỡng và phát triển tư duy các “hạt giống đỏ” ở vùng sâu, vùng biên giới. Giúp ĐVTN DTTS mạnh dạn dám nghĩ, dám làm trong quá trình khởi nghiệp, lập nghiệp. Chuyển biến nhận thức về việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm, bỏ dần các hủ tục lạc hậu, không trông chờ ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững”, anh Mạnh nói.

Từ tháng 1/2024 đến tháng 2/2025, 60 đơn vị sự nghiệp giáo dục thuộc Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng đã cử 770 người tham gia lớp nhận thức về Đảng, trong đó có 626 học sinh (63 học sinh DTTS). Các đơn vị này đã kết nạp 187 quần chúng ưu tú vào Đảng, trong đó có 82 học sinh (9 học sinh DTTS).

Bí thư Tỉnh Đoàn Kon Tum đưa ra dẫn chứng chỉ số lạc quan về kết quả ban đầu đạt được. Có 34.000 ĐVTN xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững; 248 hộ thanh niên đồng bào DTTS thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những hủ tục lạc hậu, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Có 227 hộ thanh niên đồng bào DTTS biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao...

Hơn thế, để đảm bảo nâng cao chất lượng “mầm giống đỏ”, Tỉnh Đoàn Kon Tum cũng chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng thông qua việc cử cán bộ đoàn tham gia các lớp đào tạo về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị. Kết quả cho thấy, từ năm 2010 đến nay đã có 1.872 lượt cán bộ đoàn cấp huyện được cử đi đào tạo chuyên môn, lý luận chính trị, tham gia các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ công tác thanh vận trong và ngoài tỉnh.

Thái Lâm

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhung-dang-vien-tre-tien-phong-o-tay-nguyen-ky-cuoi-suc-bat-tu-nhung-hat-giong-do-post1746049.tpo
Zalo