Cuộc đua săn lịch ngân hàng để 'hốt bạc' trong năm mới
Dịp cuối năm, nhiều người Hàn Quốc săn tìm loại lịch giấy của các ngân hàng tặng miễn phí cho khách vì tin giúp đem lại may mắn về tiền bạc.
Ông Park Heung-seok, ngoài 70 tuổi, từng điều hành một doanh nghiệp nhỏ, dặn các con giúp mình thu thập những tờ lịch năm 2025 của các ngân hàng phát hành miễn phí. Nhiều tuần nay, ông tự mình tìm kiếm nhưng không được.
Cứ vào thời điểm cuối năm, ông Park lại tìm loại lịch này vì có niềm tin rằng sử dụng đồ của một nơi có tiền "chảy vào" như ngân hàng sẽ mang lại may mắn trong năm đó.
"Tôi hoàn toàn tin rằng niềm tin của mình là có lý, vì tôi đã đặt lịch ngân hàng ở văn phòng trong nhiều thập kỷ và duy trì được hoạt động kinh doanh cho đến khi tự nguyện đóng cửa gần đây", ông nói với The Korea Times.
Khi được hỏi tại sao không tự kiếm được loại lịch này, Park suy đoán có lẽ ông không nằm trong danh sách khách hàng được đánh giá cao nhất, trong bối cảnh các ngân hàng in ít lịch hơn và chỉ phát tặng một số khách được chọn trước.
Trường hợp của ông Park cho thấy sự mất cân bằng cung cầu của tờ lịch ngân hàng miễn phí, khi một số khách hàng vẫn ưa chuộng loại lịch này dù chúng ngày càng khan hiếm trong thời đại kỹ thuật số.
"Khách hàng thích được tặng lịch thường là người lớn tuổi, thị lực yếu nên xem ngày tháng trên giấy thoải mái hơn so với xem trên điện thoại", một nhân viên quan hệ công chúng tại Ngân hàng KB Kookmin cho biết, đề cập đến loại lịch treo tường in chữ, số cỡ lớn, có nhiều khoảng trống có thể tận dụng làm ghi chú.
Nhân viên này còn cho biết những quan niệm mê tín liên quan đến tiền bạc, ví dụ như của ông Park, là nguyên nhân khiến nhiều khách có nhu cầu dùng lịch của ngân hàng.
“Không chỉ những khách hàng lớn tuổi mới tìm kiếm loại lịch này. Ngay cả những khách hàng am hiểu công nghệ ở độ tuổi 20 hoặc 30 cũng muốn có chúng vì họ muốn nhờ đến mọi khả năng có thể để giúp làm giàu".
Nhiều khách hàng còn tìm đến lịch do các công ty tài chính phát hành, ví dụ như những công ty môi giới hay công ty quản lý tài sản hoặc các tập đoàn có lợi nhuận cao trong các lĩnh vực phi tài chính.
Việc cầu lớn hơn cung còn dẫn đến tình trạng bán lại lịch trên thị trường đồ cũ. Trên nền tảng chợ trời trực tuyến Joonggonara, một cuốn lịch của Ngân hàng KB Kookmin được rao bán với giá 5.000 won (3,5 USD), một cuốn lịch của Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc được rao bán với giá 10.000 won (7,12 USD).
Các nguồn tin trong ngành cho biết nhiều ngân hàng đang in ít lịch lại để phù hợp với các giá trị về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp, theo đuổi các chiến dịch tiếp thị thân thiện với môi trường.
Chi phí sản xuất lịch cũng khiến các ngân hàng giảm đơn đặt hàng in. Theo đó, chi phí sản xuất đã tăng 100 triệu won (71.200 USD) trong những năm gần đây do chi phí nguyên liệu thô và nhân công tăng cao, ngay cả khi các ngân hàng giảm tổng số lượng lịch còn từ 30.000 đến 40.000 mỗi năm.
Trong khi đó, một số ngân hàng thương mại lại đang tận dụng sự phổ biến của lịch phi điện tử để tăng cường hoạt động marketing. Ví dụ, Ngân hàng Hana vừa giới thiệu một loại lịch có hình dạng móc chìa khóa, tự gọi là “lịch nhỏ nhất thế giới”. Sản phẩm này lấy cảm hứng từ năm con Rắn 2025. Ngân hàng KB Kookmin cũng tặng sổ nhật ký cho một số lượng khách hàng giới hạn thông qua hình thức xổ số.