Những cuộc chiến không lối thoát và sự bế tắc toàn cầu

Trong một thời gian dài, cộng đồng quốc tế nói chung từng tin tưởng rằng trật tự thế giới đã định hình và việc Hiến chương Liên hợp quốc được củng cố trong suốt gần 8 thập kỷ sẽ ngăn chặn hoặc sớm chấm dứt chiến tranh ngay khi nó bắt đầu. Nhưng giờ đây, một sự thật đáng buồn là thế giới đang bất lực và bế tắc trước các cuộc xung đột và các điểm nóng địa chính trị trên thế giới!

2024 - Năm của đối đầu và bế tắc

Năm 2024 cũng như hai năm 2023 và 2022 tiếp tục chứng kiến chiến tranh, xung đột và bất ổn chính trị ngày càng gia tăng. Sự chia rẽ và phân cực ngày càng mạnh giữa các bên đã khiến thế giới gần như không còn tìm được tiếng nói chung trong việc giải quyết các mâu thuẫn. Không còn những cuộc đàm phán cho các cuộc khủng hoảng, một sự bế tắc thực sự đã bao trùm trên toàn cầu trong suốt 12 tháng qua.

Nền móng hòa bình đang lung lay

Suốt gần một thế kỷ qua, văn bản được xem là nền tảng vững chắc và quan trọng nhất của thế giới là Hiến chương Liên hợp quốc. Nói một cách dễ hiểu thì đây là hiến pháp của thế giới. Hiến chương được ký kết trong Hội nghị Liên hợp quốc về Tổ chức Quốc tế tại San Francisco, California (Mỹ) sau Thế chiến II vào ngày 26/06/1945 bởi 50 nước thành viên đầu tiên và được phê chuẩn bởi 5 thành viên sáng lập là Trung Quốc, Liên Xô, Pháp, Vương quốc Anh và Mỹ. Hiện, gần như toàn bộ các quốc gia trên thế giới đều đã thông qua Hiến chương Liên hợp quốc.

 Đã từ rất lâu các nhà lãnh đạo thế giới của “phương Tây” và “phương Đông” không ngồi cùng nhau như khi ký Nghị định thư Minsk hồi năm 2014. Ảnh: Wiki

Đã từ rất lâu các nhà lãnh đạo thế giới của “phương Tây” và “phương Đông” không ngồi cùng nhau như khi ký Nghị định thư Minsk hồi năm 2014. Ảnh: Wiki

Hiến chương Liên hợp quốc là một văn bản dài gồm nhiều chương, song mục đích cơ bản của nó, cũng giống như chính Liên hợp quốc, là nhằm “duy trì hòa bình và an ninh quốc tế; phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng và tự quyết của các dân tộc và áp dụng những biện pháp phù hợp khác để củng cố hòa bình thế giới”.

Tại Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an với vai trò là cơ quan chính trị quan trọng nhất, là tổ chức chịu trách nhiệm chính về việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Những nghị quyết của Hội đồng Bảo an được thông qua mà phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc thì bắt buộc các nước thành viên phải thi hành.

Ngoài ra, chương VII của Hiến chương Liên hợp quốc cũng nêu rõ quyền hạn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong việc duy trì hòa bình. Nó cho phép Hội đồng “xác định sự tồn tại của bất kỳ mối đe dọa nào đối với hòa bình, vi phạm hòa bình hoặc hành vi xâm lược” và thực hiện hành động quân sự hoặc phi quân sự để “khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế”.

Như vậy, thế giới rõ ràng đã có một hiến pháp rất rõ ràng, để đảm bảo an ninh và hòa bình cho bất cứ thành viên nào tại Liên hợp quốc. Vậy thì tại sao khi thế giới đã bước qua 1/4 thời gian của thế kỷ 21, các cuộc chiến tranh lại bất ngờ bùng phát dữ dội và đang không cho thấy lối thoát?

Căn bệnh “chiến tranh” đang lan rộng

Thật khó để lý giải cho câu hỏi lớn trên, song có một điều chắc chắn mà chúng ta phải thừa nhận là hòa bình thế giới đã thực sự bị xâm hại, ngày càng nghiêm trọng và đang hoàn toàn bế tắc. Giống như một căn bệnh hay mọi điều tồi tệ khác, khi không được ngăn chặn và xử lý, chiến tranh sẽ lây lan, sẽ nghiêm trọng hơn và đến một lúc nào đó sẽ hoàn toàn mất kiểm soát.

Nền hòa bình cơ bản của thế giới rõ ràng đã không còn tồn tại trong gần 3 năm qua, kể từ khi xung đột Nga và Ukraine bùng phát để trở thành cuộc chiến tranh lớn nhất tại châu Âu kể từ Thế chiến II và hệ lụy của nó thì không khó để nhận ra, thật đau thương - với cả người dân Ukraine, Nga và thế giới nói chung.

 Chiến sự ở Ukraine đã kéo dài gần 3 năm mà các bên gần như không hề có sự đàm phán hòa bình đáng kể nào. Ảnh: RS

Chiến sự ở Ukraine đã kéo dài gần 3 năm mà các bên gần như không hề có sự đàm phán hòa bình đáng kể nào. Ảnh: RS

Tuy nhiên, điều đáng nói là gần như không hề có một sự đàm phán hòa giải nào giữa các bên trong cuộc chiến này. Những gì được gọi là đàm phán ngoại giao đáng kể nhất chỉ xuất hiện hời hợt trong những ngày đầu. Đó là khi các phái đoàn của hai nước tham gia các cuộc đàm phán ở Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ, song nhanh chóng đổ bể. Dù căn nguyên thế nào, sự dai dẳng và bế tắc của cuộc chiến Ukraine rõ ràng là một thất bại của cộng đồng thế giới nói chung, Liên hợp quốc nói riêng trong việc xử lý các cuộc khủng hoảng, các điểm nóng trên toàn cầu.

Thực ra, xung đột giữa Nga và Ukraine không phải chỉ bắt đầu xảy ra vào ngày 24/2/2024, mà đã diễn ra ít nhất hơn một thập kỷ trước đó, khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và hậu thuẫn các nhóm ly khai ở phía đông Ukraine vào năm 2014. Tuy nhiên, rất nhanh sau đó, cuối năm 2014, cộng đồng quốc tế và khu vực đã nhanh chóng đàm phán để xoa dịu và giúp cuộc xung đột không lan rộng bằng Nghị định thư Minsk; được ký kết bởi các nhà lãnh đạo khi đó là Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande, cũng như các đại diện của các lực lượng ly khai ở vùng Donbas.

Nghị định thư Minsk không giúp dập tắt hoàn toàn cuộc xung đột, song điều quan trọng là đã đóng băng được xung đột và khiến “căn bệnh” không bùng phát ra. Hơn nữa, đó là lúc người ta vẫn thấy các nhà lãnh đạo thế giới, gồm cả “phương Tây” lẫn “phương Đông” có thể cùng ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết một mâu thuẫn của thế giới - điều đã không hề xảy ra trong suốt gần 3 năm qua trong cuộc chiến Nga và Ukraine.

Một thế giới không còn khả năng đàm phán

Không chỉ cuộc chiến lớn và phức tạp giữa Nga và Ukraine, thế giới còn đang bế tắc trong việc giải quyết ngay cả cuộc xung đột giữa Israel và nhóm chiến binh Hamas của Palestine ở Trung Đông. Cuộc chiến tưởng như sẽ diễn ra chóng vánh và có thể sớm đi đến kết thúc trên bàn đàm phán này hiện đã bước sang năm thứ hai (từ ngày 7/10/2023), đã gây ra quá nhiều cái chết vô tội cho dân thường, cuộc khủng hoảng nhân đạo mà tưởng như người ta chỉ thấy trong thời Trung cổ hoặc thời Phát xít, khi người dân Palestine bị tàn sát ở Gaza mà không hề có lối thoát.

 Cuộc chiến Israel - Hamas ở Gaza không chỉ đánh sập hàng trăm nghìn ngôi nhà, mà cả niềm tin vào hòa bình và công lý của thế giới. Ảnh: GI

Cuộc chiến Israel - Hamas ở Gaza không chỉ đánh sập hàng trăm nghìn ngôi nhà, mà cả niềm tin vào hòa bình và công lý của thế giới. Ảnh: GI

Hàng chục vòng đàm phán để giải thoát con tin, ngừng bắn và tìm ra giải pháp chấm dứt chiến tranh với sự tham gia của các quốc gia hàng đầu trong khu vực như Ai Cập, Ả Rập Xê Út, Qatar… cho đến Mỹ và những nước phương Tây có tiếng nói với Israel, và rồi cả Liên hợp quốc, đều đi sớm vào ngõ cụt, bởi các bên không thể thống nhất được ngay cả một vấn đề nhỏ.

Kết quả là khi người dân ở Palestine, Lebanon, Iran, Yemen, Syria cũng như cả Israel ở Trung Đông vẫn đang thiệt mạng từng ngày và mong mỏi từng ngày chiến tranh sẽ kết thúc, thì cả thế giới cũng chỉ có thể thở dài tiếc thương cho họ.

Các tổ chức, các lãnh đạo Liên hợp quốc cũng chỉ có thể thốt lên những lời oán trách trong bất lực. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu vào đầu tháng 9/2024 rằng: “Sự đau khổ ở Gaza là điều tồi tệ nhất mà tôi từng chứng kiến”. Trong khi đó, Louise Wateridge, phát ngôn viên của cơ quan Liên hợp quốc về người tị nạn Palestine (UNRWA), phải thốt lên: “Chỉ cái chết là điều chắc chắn với người dân Gaza”. Không một tổ chức quan trọng nào trên thế giới không lên tiếng yêu cầu các bên chấm dứt cuộc chiến giữa Israel với Gaza, cũng như Lebanon hay cả Iran, từ WHO, UNICEF, PAO... cho tới Tòa án Công lý Quốc tế, song tất cả đều rơi vào vô vọng.

Lưu ý, các cuộc chiến giữa Israel và Gaza, Lebanon… không phải đến bây giờ mới xuất hiện. Israel từng đưa quân vào Gaza hồi cuối năm 2008, song chỉ đến tháng 2 năm 2009, một lệnh ngừng bắn đã được ký kết với sự tham gia hòa giải của cộng đồng quốc tế. Giữa Hezbollah và Israel cũng từng xung đột toàn diện vào ngày 12/7/2006, nhưng sớm đạt được thỏa thuận ngừng bắn do Liên hợp quốc làm trung gian vào sáng ngày 14/8/2006, trước khi chính thức kết thúc vào ngày 8 tháng 9 năm 2006. Nhưng giờ thì các cuộc chiến đó lại kéo dài và nghiêm trọng một cách đáng sợ.

Quá nhiều sự bế tắc trên toàn cầu

Sự bế tắc toàn cầu trong việc hòa giải các cuộc xung đột hiện nay cũng được thấy rõ ở nhiều nơi khác trên thế giới. Ở châu Á, cuộc nội chiến Myanmar hiện đã bước sang năm thứ tư và ngày càng nghiêm trọng, kể từ khi chính quyền của bà San Suu Kyi bị lật đổ vào năm 2021.

Trong khi đó, cách Myanmar và Trung Đông không xa, tình hình Bán đảo Triều Tiên cũng đang trở nên vô cùng nguy hiểm. Suốt những năm qua, chưa hề có một cuộc đàm phán có ý nghĩa nào được các bên thực hiện để bình ổn mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, thay vào đó chỉ là những lời công kích nhau, những đợt thử vũ khí và tập trận giữa các bên.

Tổng thư ký Antonio Guterres: Luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc đang bị xâm phạmTrong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc vào ngày 24/9 trước các lãnh đạo toàn cầu, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã chỉ trích mạnh mẽ việc các quốc gia và nhóm vũ trang trên thế giới ngày càng vi phạm luật quốc tế mà không bị trừng phạt. “Họ có thể chà đạp luật pháp quốc tế. Họ có thể vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc. Họ có thể xâm chiếm một quốc gia khác, gây lãng phí cho toàn bộ xã hội hoặc hoàn toàn coi thường phúc lợi của chính người dân của họ và như không có chuyện gì xảy ra”.“Người dân đang phải trả giá - số người chết ngày càng tăng, cuộc sống và cộng đồng đang tan vỡ”, ông Guterres nói thêm, đồng thời cho biết thêm rằng đây là thời điểm cần khôi phục lại một nền hòa bình công bằng dựa trên luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.

Cùng với căng thẳng đã lên đỉnh điểm giữa Nga và phương Tây, tình hình tại Bán đảo Triều Tiên khiến nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân đã trở nên hiện hữu. “Nhân loại đang ở trên lưỡi dao. Nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân đã đạt đến mức độ chưa từng thấy kể từ Chiến tranh Lạnh”, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu hồi đầu tháng 6 năm nay.

Ngay cả với những bất ổn hay những xung đột nội bộ, thì thế giới cũng tỏ ra bất lực trong việc giải quyết. Tại Haiti, các băng đảng vẫn đang làm loạn đất nước. Sau rất nhiều nỗ lực từ các bên tại Liên hợp quốc, cũng mới chỉ có vài trăm cảnh sát Kenya, quốc gia thực ra cũng đang có xung đột vũ trang, đến làm nhiệm vụ quốc tế giúp chính quyền Haiti trấn áp vấn nạn băng đảng (nhưng từng bị nợ lương tới 2 tháng!).

Trong khi đó, tại Sudan, cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa quân đội nước này và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) cũng đã bước sang năm thứ hai, đã khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa và hàng chục nghìn người thiệt mạng. Người ta cũng không hề thấy có một sự hòa giải nào đáng để hy vọng cho cuộc chiến này, từ Liên hợp quốc, các cường quốc cho đến những tổ chức trong khu vực châu Phi.

Hãy hành động trước khi quá muộn

Trong mọi quy mô của xã hội con người, mâu thuẫn và xung đột là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, điều đáng lo nhất là khi những mâu thuẫn đó không thể được giải quyết, hay có bất cứ một tổ chức hay cơ chế nào có thể đứng ra xử lý. Đó có thể nói là tình trạng “vô pháp”. Và khi tình trạng bất lực xảy ra ở quy mô quốc tế, thì mọi chuyện còn trở nên nguy hiểm và đáng sợ hơn rất nhiều.

Nền tảng hòa bình của thế giới rõ ràng đã bị lung lay, hiến pháp của thế giới, tức Hiến chương của Liên hợp quốc, đang bị xâm phạm. Chưa bao giờ, những lời cáo buộc như “vi phạm luật pháp quốc tế”, “vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc” và thậm chí “tội ác chống lại loài người” hay “tội ác duyệt chủng” lại được nhắc nhiều như trong năm 2024.

Thật khó để có một lý giải đủ thuyết phục và toàn diện cho sự bế tắc toàn cầu hiện tại. Nhưng một điều có thể thấy, sự chia rẽ đến mức không thể hòa giải trong chính Hội đồng Bảo an với 5 thành viên thường trực có quyền phủ quyết là Vương quốc Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc và Nga là không thể phủ nhận. Mà như đã nói, Hội đồng Bảo an lại chính là cơ quan quan trọng nhất để duy trì nền móng hòa bình của thế giới, bảo vệ tính toàn vẹn của Hiến chương Liên hợp quốc.

Nói cách khác, nền móng giúp đảm bảo cho sự ổn định và hòa bình thế giới đang lung lay và rạn nứt. Thế giới cần phải củng cố và hàn gắn lại nền móng đó dù bằng cách nào đi nữa. Nếu không, rất có thể những điều tồi tệ nhất với thế giới không phải vừa diễn ra trong năm 2024 hay những năm trước đó, mà sẽ đến trong tương lai không xa!

Hoàng Hải

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhung-cuoc-chien-khong-loi-thoat-va-su-be-tac-toan-cau-post327781.html
Zalo