Những công trình nghìn tỷ tạo sự đột phá tại Bình Dương
Ngày 7/5, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh đang chuẩn bị thực hiện các dự án trọng điểm, tạo đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, đồng thời phát huy giá trị văn hóa, lịch sử đặc biệt của địa phương.
Trong đó, Bình Dương chuẩn bị khởi công xây dựng đường Vành đai 4 TPHCM, khu công nghiệp (KCN) Cây Trường và KCN Bàu Bàng mở rộng, dự án Khu lưu niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.
Dự kiến trong tháng 5 này, Bình Dương sẽ tổ chức hợp long công trình cầu Bình Gởi vượt sông Sài Gòn kết nối TPHCM, khánh thành đường ĐT.746 và trao giấy chứng nhận đầu tư Khu công nghiệp cơ khí Đất Cuốc mở rộng.
Chi tiết các dự án sắp khởi công và dự án về đích
Dự án đường Vành đai 4 TPHCM đoạn cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn giai đoạn 1 thuộc địa phận tỉnh Bình Dương có tổng mức đầu tư hơn 11.743 tỷ đồng, được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) - hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Tuyến có chiều dài khoảng 47,95 km, giai đoạn 1 sẽ đầu tư đường cao tốc 4 làn xe đầy đủ, bao gồm làn dừng khẩn cấp liên tục, bề rộng nền đường 25,5m, vận tốc thiết kế 100km/h. Tổng diện tích nhu cầu sử dụng đất khoảng 291,46ha.

Vị trí dự án đường Vành đai 4 TPHCM điểm đầu đoạn đường hiện hữu NE2 giao với đường ĐT.748 - Bình Dương
KCN Cây Trường được quy hoạch trên diện tích khoảng 700 ha và KCN Bàu Bàng mở rộng 1.000 ha tại huyện Bàu Bàng, do Tổng công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp (Becamex IDC) làm chủ đầu tư. Dự kiến, trong năm 2025, chủ đầu tư dùng 2.800 tỷ đồng đầu tư xây dựng KCN Cây Trường và 3.500 tỷ đồng đầu tư dự án KCN Bàu Bàng mở rộng.

Khu công nghiệp Cây Trường và Bàu Bàng mở rộng được xây dựng tại huyện Bàu Bàng, thu hút đầu tư công nghiệp xanh, thân thiện môi trường
Việc xây dựng KCN Cây Trường có nhiều thuận lợi khi mặt bằng đã giải phóng xong. Đặc biệt, tuyến đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng với tổng cộng 10 làn xe, chạy qua KCN Cây Trường đã hoàn thành và dự kiến thông xe cuối năm 2024. KCN này định hướng thu hút đầu tư các ngành công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, thân thiện môi trường.
Công trình cầu Bình Gởi vượt sông Sài Gòn, một đầu ở xã An Sơn (TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương) và một đầu ở xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi, TPHCM). Cầu Bình Gởi thuộc gói thầu XL4 của dự án thành phần 5 đường Vành đai 3 TPHCM với tổng vốn đầu tư gần 600 tỷ đồng. Công trình được khởi công tháng 10/2023 với thời gian thi công dự kiến trong 900 ngày.

Công trình cầu Bình Gởi vượt sông Sài Gòn nối Bình Dương và TPHCM (Ảnh chụp tháng 1/2025)

Phối cảnh cầu Bình Gởi
Dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐT.746 đoạn từ ngã ba Tân Thành (huyện Bắc Tân Uyên) đến ngã ba Hội Nghĩa (TP.Tân Uyên). Đây là tuyến đường đi qua khu công nghiệp VSIP 3 mới hình thành, đồng thời kết nối đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng và đường Vành đai 4 TPHCM.
Dự án có chiều dài khoảng 11,4km, được thiết kế tốc độ 80 km/h cho các đoạn ngoài đô thị và 50-60 km/h cho đoạn trong đô thị. Chiều rộng nền đường 38 m bố trí cho 6 làn xe, dải phân cách giữa, dải an toàn và lề đường lát gạch vỉa hè cho đoạn qua đô thị, đoạn ngoài đô thị đắp kết cấu sỏi đỏ dày 25 cm. Vốn đầu tư đường này khoảng 3.000 tỷ đồng.

Công trình đường ĐT.746
KCN chuyên ngành cơ khí có diện tích 786 ha nằm trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên và TP.Tân Uyên do Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) làm chủ đầu tư với số vốn trên 26.000 tỷ đồng. KCN này giải quyết nguồn nguyên liệu tại chỗ, hạn chế phụ thuộc hàng hóa nhập khẩu và khi đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho khoảng 32.000 lao động.
Dự án Khu lưu niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc có tổng diện tích 3,6ha, bao gồm các hạng mục chính như Nhà thờ và nhà trưng bày, nhà dịch vụ và quản lý, khu vật phẩm tôn giáo và ẩm thực chay, cùng các công trình phụ trợ khác. Tổng kinh phí đầu tư dự kiến hơn 321 tỷ đồng. Khu lưu niệm không chỉ là điểm tham quan lịch sử mà còn trở thành một không gian sinh thái, mang đậm bản sắc văn hóa.

Chùa Hội Khánh, nơi cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc hoạt động truyền bá tư tưởng yêu nước, bốc thuốc chữa bệnh cho người dân
Khu lưu niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được xây dựng tại TP.Thủ Dầu Một, nơi cụ từng gắn bó trong giai đoạn 1923-1926. Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau khi rời quan trường đã đi qua nhiều địa phương để truyền bá tư tưởng yêu nước, trong đó có Thủ Dầu Một. Cụ từng sinh sống và làm việc tại chùa Hội Khánh, một ngôi chùa cổ có giá trị lịch sử quan trọng. Chùa Hội Khánh đã được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia.