Những chuyển động tích cực trong quan hệ giữa hai 'đầu tàu' EU
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa kết thúc chuyến thăm Đức kéo dài 3 ngày. Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia Pháp đến Đức sau 24 năm.
Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy mối quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng, đồng thời củng cố sự đoàn kết trong Liên minh châu Âu (EU) trước những thách thức hiện nay.
Theo The Straits Times, trong chuyến thăm này, Tổng thống Macron đã đến thăm các thành phố: Berlin, Dresden và Muenster. Ông Macron và các nhà lãnh đạo Đức đã thảo luận về mối quan hệ hợp tác giữa hai nước, cũng như các chính sách của EU trong bối cảnh khối này đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, bao gồm xung đột tại Ukraine, kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.
Điểm đáng chú ý nhất trong chuyến thăm của ông Macron là cuộc họp liên chính phủ Pháp-Đức vào ngày 28-5 tại Meseberg, ngoại ô Berlin. Tại đây, hai chính phủ đã trao đổi để tìm kiếm những giải pháp chung cho hai vấn đề quan trọng là năng lực quốc phòng và khả năng cạnh tranh của EU. Hai bên cũng cố gắng đạt được nhận thức chung về việc thiết lập chương trình nghị sự của khối trong 5 năm tới, trước khi EU bước vào cuộc bầu cử nghị viện căng thẳng.
Pháp và Đức - hai nền kinh tế lớn nhất EU-từ lâu đã được coi là động lực của hội nhập châu Âu, mặc dù giữa hai nước thường có những khác biệt về chính sách và một số vấn đề. Thời gian gần đây, những khác biệt liên quan đến chiến lược quốc phòng, xung đột tại Ukraine, quan hệ với Nga và Trung Quốc, năng lượng hạt nhân cùng các vấn đề tài chính trong EU đã làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa hai cường quốc châu Âu.
Theo các nhà phân tích, có thời điểm, sự thất vọng của Paris đối với Berlin đã đi xa đến mức thực sự có nguy cơ làm suy yếu liên minh Pháp - Đức, mối quan hệ song phương quan trọng nhất của EU. Tuy nhiên gần đây, Tổng thống Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đạt được thỏa hiệp trên nhiều lĩnh vực, từ cải cách tài chính đến trợ cấp thị trường, cho phép EU đạt được các thỏa thuận và thể hiện một mặt trận đoàn kết hơn.
Chia sẻ về điều này, Tiến sĩ Yann Wernert thuộc Viện nghiên cứu Jacques Delors ở Berlin cho biết: “Có những căng thẳng trong mối quan hệ giữa hai quốc gia, nhưng cái chính là họ đã giải quyết được một số thách thức, khó khăn”. Trong khi đó, Giám đốc điều hành khu vực châu Âu của tổ chức nghiên cứu Eurasia Group Mujtaba Rahman nhận định, chuyến thăm của Tổng thống Macron là một nỗ lực ở cấp độ chính trị cao nhất để chứng minh rằng mối quan hệ Pháp - Đức đang tiến triển tích cực.
Tuy nhiên, theo ông Rahman, vẫn còn những khoảng trống cơ bản về các vấn đề lớn đang rình rập EU. Một trong những khoảng trống mà châu Âu phải đối mặt hiện nay là khả năng phòng thủ. Theo Financial Times (FT), những tính toán của NATO cho thấy châu Âu đang thiếu lực lượng phòng không cần thiết để bảo vệ sườn phía Đông của liên minh. Trong đợt đánh giá quốc phòng hồi năm ngoái, Chính phủ Anh cũng từng mô tả thách thức về bảo đảm an ninh trước các cuộc không kích đã trở nên nghiêm trọng nhất trong hơn 30 năm qua.
Hiện nay, các nhà lãnh đạo Pháp và Đức đang bàn thảo để bổ sung một hệ thống phòng không mới của lục địa già, bên cạnh Sáng kiến Lá chắn bầu trời châu Âu (ESSI). ESSI được Đức khởi xướng năm 2022, nhằm tạo ra hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không của châu Âu. Tuy nhiên, Pháp lập luận rằng ESSI phụ thuộc quá nhiều vào thiết bị và công nghệ ngoài châu Âu. Vì vậy, Paris muốn châu Âu tự lực trong bảo đảm phòng không châu lục, tránh phụ thuộc vào "chiếc ô" an ninh của Mỹ. Nhân chuyến thăm lần này, hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức đã thảo luận quan điểm về các vấn đề an ninh chung của châu Âu, trong đó có kế hoạch tăng cường hợp tác nhằm củng cố hệ thống phòng không của châu lục.
Dù không tránh khỏi những lúc “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, nhưng mối quan hệ đồng minh Pháp-Đức vẫn luôn duy trì được sức sống. Những chuyển động tích cực trong quan hệ giữa hai “đầu tàu” EU thời gian gần đây được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy các sáng kiến chính sách rộng lớn hơn, đưa con tàu EU tiến nhanh và xa hơn, giống như Phó thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế và Hành động khí hậu Đức Robert Habeck từng nói: Khi Pháp và Đức tìm thấy điểm chung, đó luôn là tin tốt cho toàn châu Âu.