Những chuông đồng của Phật giáo đã được công nhận bảo vật quốc gia

NSGN - Chuông và mõ là hai nhạc khí không thể thiếu được ở trong mỗi ngôi chùa ở miền Bắc. Mỗi khi Tăng, Ni tụng xong một thời kinh, hoặc Phật tử lễ Phật lạy xong ba lạy thì thường thỉnh ba tiếng chuông. Mỗi dịp hành lễ trọng trong chùa thường gióng ba hồi chuông trống thượng đường.

Chuông là nhạc cụ mang theo linh khí được tin sùng từ cổ xưa, xếp đứng đầu trong “bát âm” (tám thứ nhạc cụ của dân tộc) sử dụng trong nghi lễ truyền thống. Chất kim loại luyện qua lửa mà thành chuông, âm thanh vang xa. Chuông đồng thường được đánh bằng chùy gỗ. “Gỗ lao vào đồng mà như không lao, người cầm dùi chuông phóng tay mà như giữ, chuông động mà không lắc, tiếng kêu phát ra từ bên trong tiếng rung”. Không phải duy nhạc cổ coi trọng, chuông còn được dùng để thức tỉnh lòng mê muội, giác ngộ điều ứng nghiệm; chuông đứng đầu trong tứ khí của nhà Phật.

Trong số 67 cổ vật, hiện vật của Phật giáo đã được Chính phủ công nhận “bảo vật quốc gia”, tính đến thời điểm tháng 6-2023, có 6 quả chuông đồng.

Chuông chùa Bình Lâm

Chuông chùa Bình Lâm

Chuông chùa Bình Lâm

Chùa Bình Lâm thuộc địa phận thôn Mường Nam, xã Phú Linh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, hiện là một ngôi nhà nhỏ, rất sơ sài. Nơi đây người dân đã phát hiện được một số gốm nung thời Trần như đầu rồng, mô hình tháp... và một quả chuông đồng lớn được đúc vào năm Ất Mùi - Hưng Long 4 (1295), đời vua Trần Anh Tông. Chuông là một khối trụ khuôn vòm liền khối bằng đồng có đường kính miệng 59cm, chiều cao 101cm (quai chuông cao 17cm, thân cao 84 cm) nặng 193kg. Quai chuông là hai hình rồng đấu lưng vào nhau, 2 chân quắp, đầu rồng nhe răng dữ tợn, miệng há rộng ngậm một hòn ngọc. Trên đỉnh quai chuông đúc hình nậm rượu. Miệng chuông hơi loe, được trang trí bởi những cánh sen nối tiếp nhau, đường viền xung quanh có 12 cánh sen nhỏ; hoa văn trang trí có hình cánh sen là một đặc trưng của phong cách trang trí thời Lý - Trần. Vành miệng chuông cũng được trang trí bằng 45 cánh sen to xen lẫn cánh sen nhỏ. Thân chuông có 6 núm gõ được, bố trí thành 2 tầng. Tầng thứ nhất có 2 núm cách đều 35cm, tầng thứ 2 có 4 núm mỗi núm cách đều nhau 13cm. Thân chuông có 3 chữ Hán lớn “Phụng Tam bảo”. Trên 4 ô lớn ở thân chuông có khắc văn bản chữ Hán gồm một bài ký và bài minh. Bài ký trên thân chuông bằng chữ Hán gồm 309 chữ, nội dung được dịch như sau: “Nước Đại Việt, Châu Thượng Bà Động ở giáp giới phía Bắc trường Phú Linh. Vua thứ 5 nhà Trần kể theo các bậc hoàng đế anh minh cao quý, lập họ Nguyễn ở Cổ Nhất từng có công làm đức sáng hơn người. Vậy bảo rõ cho được vâng nhận các mỹ tự: thọ kiên kiên trinh trinh phúc. Nay để báo đáp, kẻ nối sau là thủ lĩnh Nguyễn Anh vợ là Nguyễn Thị Ninh cùng các ông già bà cả, thiện nam tín nữ, chứng minh đại Sa-môn sư, chịu gánh việc khó, phát tâm đúc một quả chuông lớn vào giờ Ngọ ngày Rằm tháng Ba năm Ất Mùi ở mái hiên Tiểu Thượng Niên, viện Đại Bi trong thành; Để lưu giữ mãi mãi ở chùa Bình Lâm, tiện cho việc cúng dường Tam bảo”.

Theo văn tự, quả chuông này được đúc ở nơi khác vào năm 1295, rồi mới đưa đến chùa Bình Lâm, và văn bản trên chuông được khắc sau một năm. Đến ngày mùng 1 tháng 3 năm 1296, vị thiền tăng Mật Vân ở Lịch Sơn đã soạn bài minh được khắc ở quả chuông. Bài minh được dịch nghĩa: Xét ra trời cao đất rộng, bao la hỗn độn mà làm chúa tể, dung nạp hết thảy những cơ chưa ló; muôn vàn hiện tượng lặng lẽ theo nhau, không ngừng kết ở một chỗ nào, biểu hiện chỗ dùng mà thâu tóm vạn vật, viên thông cả pháp giới, chiếu sáng khắp mười phương vô tư làm thông tỏ những trở ngại lặng lẽ mà khế hợp, đập đá thổi lửa, do tìm bông lam trong lò; lớn, gióng chuông mà thức nhà nông, những kẻ được khai mở cõi lòng, cùng nhau bàn luận căn cốt của nguồn dòng; mở rộng ra là ở bốn ơn, nguyện cứu chúng sinh như biển sâu: bỗng chốc đốn ngộ thông tỏ, để đãi nấu mà lưu lại dấu vết để làm sáng sức vang hưởng của gốc thiêng; động khắp cả chín cõi xa xôi, một bánh xe chuyển vận cũng thấu; thoắt ẩn thoắt hiện khuấy động cái tính hư không; trăng lặn trời tà, đáng tiếc quang âm thấm thoát; nghiệm ra thể tính, bỗng nhiên bừng tỉnh, gặp cảnh nổi chìm, khí não phiền quét sạch, hung chuyển từ bi. Cốt sao làm rõ vết dấu dài lâu, họ tộc vốn là gót lân nhà Chu, đã được phong lãnh địa ở địa giới phía Bắc, theo đó mà cháu con thừa hưởng đến muôn đời không dứt, để nối tiếp mãi với trời đất, vậy nên mới làm bài văn này ghi lại.

Văn tự trên chuông chùa Bình Lâm cho thấy vương triều Trần đã sử dụng Phật giáo làm công cụ để củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trước những yêu cầu bảo vệ đất nước, chống giặc ngoại xâm. Chuông chùa Bình Lâm là quả chuông thời Trần hiếm hoi, duy nhất có ghi niên đại còn lại ở nước ta.

Chuông chùa Bình Lâm thời Trần ở Vị Xuyên tỉnh Hà Giang bằng chất liệu đồng đã được Chính phủ công nhận “bảo vật quốc gia” tại Quyết định số 2599/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký ngày 30 tháng 12 năm 2013, công nhận 37 bảo vật quốc gia Đợt 2.

Chuông chùa Vân Bản

Đến Bảo tàng Lịch sử quốc gia, ta được chiêm ngưỡng một hiện vật vô cùng quý giá, đó là chuông Vân Bản. Chuông được vớt từ dưới đáy biển Đồ Sơn (Hải Phòng) vào năm 1958, nhưng không thấy khắc ghi niên đại. Từ xa xưa, ở Đồ Sơn từng hiện hữu chùa Vân Bản, có tháp Tường Long là những thắng tích lừng danh trong lịch sử được vua Lý Thánh Tông cho xây dựng. Tuy nhiên, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, bảo tháp và ngôi chùa xưa đã trở thành phế tích. Chùa và tháp Tường Long chỉ mới được phục dựng lại trong thời gian gần đây. Từ xưa, người dân Đồ Sơn đã truyền tụng câu ca dao cổ hoài niệm về chùa tháp Tường Long xưa: “Lý gia truyền được mấy đời/ Chùa tan, tháp đổ, chuông rơi Nò Hầu”. Khi quả chuông mới được vớt lên từ dưới đáy biển Đồ Sơn, vị trí rất gần với nền chùa Vân Bản, người ta tin rằng, chuông Vân Bản chính là “chuông rơi Nò Hầu” trong câu ca dao xưa.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã xác định được quả chuông này có niên đại thế kỷ XIII, thời Trần. Hiện nay, hồng chung Vân Bản vẫn là quả chuông lâu đời thứ nhì ở nước ta, sau chuông Thanh Mai.

Chuông Vân Bản có kích thước lớn, cao 125cm, đường kính miệng 80cm. Quai chuông trang trí hai con rồng đấu lưng vào nhau, nơi tiếp giáp ở vị trí cao nhất trang trí hình búp sen vảy cá chép bao phủ toàn bộ thân rồng. Thân chuông có nhiều đường gân ngang dọc tạo thành 8 ô - 4 ô trên hình thang đứng, 4 ô dưới hình chữ nhật. Trong hai ô trên có hai bài minh văn khắc chìm chữ Hán, 4 ô dưới để trơn. Chuông có 6 núm gõ, xung quanh mỗi núm có 16 núm tròn nhỏ tạo thành hình bông cúc. Phần vành miệng trang trí 52 cánh sen. Bài minh văn trên chuông tuy bị mờ mòn nhiều, nhưng vẫn còn có thể đọc được phần lớn số chữ. Theo ông Đỗ Đức Thọ (Viện Nghiên cứu Hán Nôm), minh văn Vân Bản hồng chung có đoạn: “…Khổ hạnh tăng Hướng Tâm, cư sĩ Đại Ác cộng khai sáng sơn lâm hạ động, Đông chí hải biên vi giới, Tây chí biên hải thạch đầu vi giới, bính chí Hoành Sơn vi giới, ・・・・・, Bắc chí Sao Lương thạch vi giới…” (ô vuông là những chữ mờ không đọc được). Đoạn văn trên mô tả vị trí của cái động dưới chân núi do nhà sư tu khổ hạnh hiệu Hướng Tâm và vị cư sĩ hiệu Đại Ác khai sơn. Vì là động núi xa nơi thôn cư nên trong đoạn mô tả trên đây chúng ta không thấy những địa danh làng xã hoặc một kiến trúc nào, chỉ biết động ấy: phía Đông ra đến bờ biển; phía Tây đến hòn đá (hiểu đại khái là một hòn đá lớn hoặc khá lớn) bên bờ biển; phía Bắc cũng đến một hòn đá gọi là hòn Sao Lương. Như vậy, ba phía Đông, Tây, Bắc đã được nói đến, nhưng còn một phía nữa là phía Nam chưa thấy nói đến. Trong khi đó, văn chuông sau khi đề cập các phía Đông, Tây thì có câu: “Bính chí Hoành Sơn vi giới…”. Điều này cho thấy người xưa đã kiêng húy chữ Nam mà đổi chữ này sang chữ Bính, nên mới thành ra “Bính chí Hoàng Sơn vi giới”, có nghĩa là phía Nam giáp núi Hoành Sơn, và Hoành Sơn ở đây nhiều khả năng chỉ là một quả núi nhỏ có đoạn nhô ngang ra biển ở Đồ Sơn.

Vậy triều đại nào có định lệ kỵ húy (đổi Nam thành Bính?). Theo ông Ngô Đức Thọ, nếu chuông Vân Bản được làm vào thời Lý thì người khắc chuông Vân Bản không có lý do gì buộc phải kiêng tránh chữ Nam. Ông Thọ đưa ra dẫn chứng chưa thấy văn bản nào thời Lý đổi chữ Nam thành Bính mà hết thảy những văn bia tìm thấy đều vẫn để nguyên chữ Nam. Chẳng hạn, bia chùa Báo Ân trên núi An Hoạch, dựng khoảng năm Hội Phong 9 (1100) có đoạn: “Tây Nam hữu sơn, cao nhi thả đại, danh An Hoạch” (Phía Tây Nam có ngọn núi vừa cao vừa lớn, gọi là An Hoạch). Bia chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh dựng năm Hội Tường Đại Khánh 9 (1118) có câu: “Bính Thân xuân nhị nguyệt, ngự giá Nam tuần” (Năm Bính Thân, mùa xuân tháng 2 vua ngự giá tuần du phía Nam). Bia chùa Linh Xứng núi Ngưỡng Sơn, làm năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ bảy (1126) có đoạn: “Lịch Nam Thạc chi Thanh Giang” (Qua sông Thanh Giang ở đất Nam Thạc). Bia chùa Diên Phúc niên đại năm Đại Định thứ sáu (1145) có đoạn “Nam trường mẫu điền” (Phía Nam ruộng đất trải dài). Trong khi đó, chỉ triều Trần mới quy định viết kiêng húy chữ Nam, lệnh này ban bố từ ngày 12-5-1299 vào đời vua Trần Anh Tông. Hiện tìm thấy trên rất nhiều văn tự thời Trần có hiện tượng đổi chữ Nam thành chữ Bính. Chẳng hạn, văn bia chùa Đại Bi Diên Thánh ở xã Lạc Đạo huyện Mỹ Văn (Hưng Yên), dựng ngày mồng Bảy thượng tuần tháng 10 năm Khai Thái thứ 4, đời vua Trần Minh Tông có liệt kê các thửa ruộng của nhà chùa. Qua mô tả nhiều thửa ruộng, thấy các từ Đông, Tây, Bắc đều hiện diện, nhưng không có một chữ Nam nào. Trong khi đó có đến 5 chữ Bính khắc rõ ràng, được đặt ở các vị trí có nghĩa chỉ phương Nam. Trên những cơ sở này, các nhà khoa học nước ta đã đi đến kết luận: chuông Vân Bản có niên đại thời Trần, được làm vào thế kỷ XIII.

Chuông chùa Vân Bản hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và được Chính phủ công nhận “bảo vật quốc gia” tại Quyết định số 2599/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký ngày 30 tháng 12 năm 2013, công nhận 37 bảo vật quốc gia Đợt 2.

Đại hồng chung chùa Thiên Mụ

Đại hồng chung chùa Thiên Mụ

Đại hồng chung chùa Thiên Mụ

Chùa Thiên Mụ được chúa Nguyễn Hoàng cho xây dựng vào năm 1601, tọa lạc bên bờ sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế 5km. Đến năm 1710, chúa Nguyễn Phúc Chu đã cho đúc quả đại hồng chung để cúng cho ngôi Quốc tự. Đại hồng chung cao 2,5m, đường kính miệng 1,4m được đặt trong khuôn viên chùa Thiên Mụ. Trên chuông có khắc ghi rõ đại hồng chung có trọng lượng 3.285 cân (1 cân xưa bằng 604,5gr ngày nay). Hoa văn, họa tiết được trang trí trên đại hồng chung rất phong phú, tinh xảo với trình độ mỹ thuật cao. Những nhóm chấm trình bày mỹ thuật, cành lá uốn tiếp theo những đợt sóng lượn. Các mô-típ long phụng rất linh động xen kẽ nhau, gồm bốn con rồng quẫy mình, bốn con phượng bay đuôi rất dài. Mỗi hình rồng phượng đúc nổi có chiều dài đến 0,3 m.

Trên thân chuông có tám chữ Thọ được khắc theo các lối khác nhau và nhiều chữ Hán cổ. Thân chuông chia làm bốn ô lớn, mỗi ô có khắc bốn đại tự, hai bên bốn đại tự có những hàng chữ nhỏ chân phương rất dễ đọc. Đáng chú ý là ô có khắc bốn chữ “Phật nhật tăng huy”; bên phải và bên trái bốn chữ này có khắc câu: “Đại Việt Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu, Tào Động thượng chánh tông tam thập đại; pháp danh Hưng Long chú tạo hồng chung; trọng tam thiên nhị bách bát thập ngũ cân, nhập vu ngự kiến Thiên Mụ thiền tự, vĩnh viễn cung phụng Tam bảo”; tiếp theo ô bên trái khắc bốn chữ “Pháp luân thường chuyển”, bên phải bốn chữ này khắc: “Duy nguyện phong điều vũ thuận, quốc thái dân an; pháp giới chúng sanh, đồng viên chủng trí”; bên trái khắc lạc khoản tạo chuông: “Vĩnh Thịnh lục niên, tuế thứ Canh Dần tứ nguyệt, Phật đản nhật kính tạo”. Bên dưới các ô này có bốn nụ chuông với hoa văn ngọn lửa xòe ra hai bên, rồi đến bát quái, bát bửu.

Đại hồng chung chùa Thiên Mụ (thành phố Huế) được Chính phủ công nhận “bảo vật quốc gia” tại Quyết định số 2599/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký ngày 30 tháng 12 năm 2013, công nhận 37 bảo vật quốc gia Đợt 2.

Chuông Thanh Mai

Chuông Thanh Mai

Chuông Thanh Mai, quả chuông cổ nhất Việt Nam

Quả chuông được các nhà khoa học xác định cổ nhất Việt Nam hiện còn đến ngày nay là chuông Thanh Mai, đúc năm Trinh Nguyên thứ 14, thời nước ta thuộc Đường (năm 798). Hiện ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia có lưu giữ một phiên bản của chuông Thanh Mai. Quả chuông gốc được lưu giữ bảo tồn tại Bảo tàng Hà Nội. Chuông Thanh Mai được phát hiện vào năm 1986 ở độ sâu 3,5m dưới lòng đất làng My Dương, huyện Thanh Oai, còn khá nguyên vẹn trong tư thế nằm nghiêng, miệng hơi ngửa lên. Thân chuông dày, chất liệu đồng rất tốt nên trải qua hơn 1.200 năm vẫn chưa bị hoen gỉ. Chuông không lớn, trọng lượng chỉ 36kg, được đúc rất khéo bằng khuôn đúc hai mang, chuông cao 60cm; quai chuông 8cm; thân cao 52cm; đường kính miệng chuông 39cm; đường kính đỉnh 28cm. Quai chuông kết cấu đơn giản, hình dáng đôi rồng đấu lưng vào nhau rất quen gặp trên chuông đồng truyền thống. Rồng quai chuông còn đơn giản, không có vảy, đầu to, miệng ngậm tỳ xuống đỉnh chuông. Đỉnh chuông trang trí hoa văn mây xoắn, xen kẽ 12 đồng tiền. Một gờ chỉ nối chạy suốt mép đỉnh chuông. Các đường chỉ đúc nổi trên thân chia chuông làm 4 ô trên và 4 ô dưới. Hai núm gõ hình tròn với nhiều cánh phụ xung quanh được đúc nổi trên thân chuông.

Bài minh văn chữ Hán khoảng 1.500 chữ không có tựa đề, cũng không chia thành từng phần như trên những chuông thường gặp mà liên tục khắc kín tám ô của thân chuông. Nét chữ mềm, khắc nông, hầu hết còn đọc được rõ. Đoạn văn mở đầu bài minh như sau: “Duy Trinh Nguyên thập tứ niên tuế thứ, Mậu Dần tam nguyệt, Tân Tỵ sóc tráp nhật Canh Tuất, Tùy hỷ xã ngũ thập tam nhân công tạo minh chung nhất khẩu, dung đồng cửu thập cân lưu thông cúng dường…”. Dịch nghĩa: “Vào ngày 20 tháng 3 năm Mậu Dần, niên hiệu Trinh Nguyên (niên hiệu vua Đức Tông nhà Đường của Trung Quốc trị vì từ năm 785 đến năm 810 dương lịch) thứ 14 (tức năm 798 dương lịch), 53 người trong hội Tùy hỷ (một tổ chức của Phật giáo) cùng đúc một quả chuông bằng đồng hết 90 cân lưu truyền cúng lễ”. Phần lớn bài minh chủ yếu liệt kê danh sách và chức tước của những người tham gia đúc chuông hoặc công đức vào việc đúc chuông, cả thảy 212 người được khắc lần lượt từ 4 ô trên xuống 4 ô dưới, gồm 78 vị quan chức, còn lại là những thiện tín nhà Phật.

Ngay dòng đầu tiên của bài minh văn trên chuông Thanh Mai đã ghi một niên đại tuyệt đối (năm Trinh Nguyên thứ 14), trước chuông Vân Bản (vốn là quả chuông từng được coi là cổ nhất Việt Nam trước khi phát hiện thấy chuông Thanh Mai) tới 5 thế kỷ, nên rất dễ gây sự nghi ngờ về thời điểm ra đời của quả chuông. Không ít nhà nghiên cứu đã đặt ra điều nghi vấn: có thực đây là niên đại chính xác của quả chuông, hay chỉ là một phiên bản giả của đời sau? Các nhà nghiên cứu lịch sử, khảo cổ đã dày công nghiên cứu mới đưa tới khẳng định: Đây là nhạc khí dùng trong nghi lễ Phật giáo và niên đại chính xác là năm 798.

Theo báo cáo khoa học của các nhà nghiên cứu Đinh Khắc Tuân, Nguyễn Thành Thược, Đặng Kim Ngọc: Hình dáng và phong cách chuông Thanh Mai có nhiều điểm tương tự như chuông Vân Bản, chuông Bình Lâm (thời Trần), tuy nhiên nghệ thuật đơn giản hơn nhiều. Rồng quai chuông Thanh Mai rất thô giản, đầu không tóc không bờm, thân không vảy không chân, gợi nhớ tới hình rồng khắc trên tấm bia đá cổ nhất Việt Nam (bia Trường Xuân, Thanh Hóa, niên đại 618), cùng một phong cách như vậy. Tất cả chuông đồng từ thời Trần đến thời Nguyễn đều có 4 núm gõ, riêng chuông Thanh Mai chỉ có 2 núm gõ. Khảo sát số đo trên những chuông đồng cổ, thấy rằng chuông đúc càng muộn thì tỷ lệ giữa chiều cao và đường kính miệng càng lớn. Sự thống nhất về tỷ lệ của các loại chuông trong từng thời kỳ đã phản ánh kỹ thuật đúc chuông của mỗi thời kỳ khác nhau. Chuông Thanh Mai có tỷ lệ giữa chiều cao và đường kính miệng là 1,5, và như vậy chuông Thanh Mai phải được đúc sớm hơn thời Trần. Thông qua nghiên cứu văn tự cho thấy, bài minh trên chuông Thanh Mai được khắc ngay sau khi đúc chuông, hoàn toàn không có hiện tượng khắc thêm hay khắc lại về sau. Trong văn bản ghi rất nhiều địa danh và chức tước phổ biến vào thời thuộc Đường, như Quý Châu, Tân Châu, Ái Châu…, Biệt Tướng, Triết Xung… Đặc biệt có địa danh chỉ tồn tại vào thời điểm đúc chuông, như Nghi Châu - địa danh này từ năm 883 đã bị đổi thành Liên Châu nên về sau tên Nghi Châu không còn tồn tại nữa. Rất nhiều cổ tự và tự dạng trong bài minh là những chữ chỉ được sử dụng ở thời kỳ này, tìm thấy trên bia Trường Xuân (Thanh Hóa) và một số văn bản kim thạch thời Đường ở Trung Quốc, mà về sau những mẫu tự này không được sử dụng nữa.

Những nghiên cứu của Đặng Kim Ngọc cũng cho thấy chuông Thanh Mai là sản phẩm đúc đồng của người Việt Nam. Trên bài minh có hai lần ghi trọng lượng của quả chuông là “Nam xứng cửu thập cân” tức 90 cân Nam, như vậy khẳng định trọng lượng được tính theo đơn vị đo khối lượng của người Nam, độc lập với đơn vị đo khối lượng của người phương Bắc (tức không phải cân Trung Quốc). Chuông được tìm thấy trong lòng đất ven đê sông Đáy, xung quanh không có dấu vết của sự chôn cất, chứng tỏ chuông bị nước cuốn trôi và bị phù sa vùi lấp.

Bài minh trên chuông cũng cho thấy đây là nhạc khí của Phật giáo. Trong văn bản nhắc tới một tổ chức Phật giáo thời bấy giờ: “Tùy hỷ xã”, tương tự như “Đạo tràng Pháp Hoa” ngày nay, cơ cấu của tổ chức này bao gồm xã chủ, xã phó, xã chúng, xã lục sự, xã chi khiển, xã khổng mục… Có 53 người trong “Tùy hỷ xã” đã tổ chức đúc chuông. Văn bản cũng ghi rõ nhiều người tham gia công đức việc đúc chuông là thiện tín nhà Phật. Chuông được đúc để “cúng dường”, đây là từ nhà Phật chỉ việc phụng thờ Tam bảo. Những chữ đài trong văn bản không dùng lối viết lên cao mà chỉ để cách một vài chữ, cách viết này biểu thị những chữ về Phật giáo như Phật pháp, chứng tỏ Phật giáo thời ấy đã rất thịnh hành ở nước ta.

Chuông Thanh Mai, chế tác bằng đồng niên đại năm 798, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội, được Chính phủ công nhận “bảo vật quốc gia” tại Quyết định số 53/QĐ-TTg, do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký ngày 14 tháng 1 năm 2015, công nhận 12 bảo vật quốc gia Đợt 3.

Chuông chùa Rối

Chuông chùa Rối

Chuông chùa Rối, nửa cuối thế kỷ XIV

Chuông chùa Rối được phát hiện năm 1989, tại chùa Rối, xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên; đúc bằng đồng từ thời Trần (Thế kỷ XIV), là hiện vật quý hiếm đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh.

Trên chuông có nhiều họa tiết, trang trí tinh xảo, mang đậm dấu ấn văn hóa thời Trần; thể hiện kỹ thuật đúc đồng đạt đến trình độ cao.

Theo Bảo tàng Hà Tĩnh, kích thước chuông cao 115cm (tính từ miệng chuông đến quai chuông), đường kính miệng 65cm, tỷ lệ giữa chiều cao và đường kính miệng 1,738. Quai được tạo thành theo hình dáng một con rồng trong tư thế khom lưng, bốn chân bậm bạp, mỗi chân 4 móng kiểu móng đại bàng quắp lấy đỉnh chuông. Rồng ở đây được tạo tác khá công phu, toàn thân tạo vảy, giữa mỗi vảy có chấm tròn, bố trí xen kẽ nhau theo kiểu vảy cá chép, lưng rồng có bờm thấp cao khác nhau trông khá sinh động. Đuôi rồng cụt, đầu rồng nhỏ so với thân, có những bờm ti ti. Đường nét thân rồng khum thành một vòng cung đều đặn chắc khỏe có thể treo trên giá chịu được trọng lượng hàng trăm ki-lô-gam của quả chuông.

Thân chuông hình khối trụ tròn liền khối bằng đồng, miệng to và nhỏ khum thon dần về phía đỉnh. Thân chuông được trang trí, chia thành hai phần được giới hạn bởi năm đường gờ nổi, đường gờ nổi chính giữa to, cao hơn cả. Phần trên cao 57cm chia thành bốn hình thang cân, đứng, bằng nhau. Những ô hình thang cân, cạnh dưới to, cạnh trên nhỏ, hai cạnh bên bằng nhau. Phần dưới cao 35cm, chia thành bốn ô hình chữ nhật nằm bằng nhau. Hình chữ nhật nằm được giới hạn thông qua năm đường gân nhỏ chạy dọc từ trên xuống dưới và chạy ngang bao quanh chuông. Trên đỉnh là ba đường gân chạy bao quanh với khoảng cách đều nhau tạo thành những đường tròn đồng tâm. Chuông có sáu núm thỉnh chuông, hình dáng giống nhau, kích thước bằng nhau: 10cm, hình tròn hoa sen với 13 cánh sen lớn, lật úp, đều nhau, 13 cánh sen nhỏ cũng lật úp đều nhau, cánh to, cánh nhỏ bố trí xen kẽ nhau. Trong số các núm đó, có 2 núm được bố trí ở vị trí gần dưới miệng chuông, trên các đường gờ nổi, nằm đối xứng nhau qua tâm chuông, chia đường tròn phía dưới chuông thành hai cung tròn bằng nhau. Ở đường tròn gờ nổi ở giữa chuông, bố trí bốn núm chuông ở khoảng cách đều nhau với hai cặp đối xứng nhau qua tâm chuông. Ở phần miệng chuông được trang trí cầu kỳ với 86 cánh hoa sen lật úp, viền cánh sen có hai đường gờ nổi, trong số đó có 43 cánh to, 43 cánh nhỏ nằm xen kẽ nhau bao quanh vành miệng chuông. Kích thước chuông cao 115cm (tính từ miệng chuông đến quai chuông), đường kính miệng 65cm, tỷ lệ giữa chiều cao và đường kính miệng 1,738.

Trên chuông chùa Rối có khắc bài thơ thất ngôn tứ tuyệt bằng chữ Hán của Hiệp Thạch Phạm Sư Mạnh. 33 chữ Hán được khắc phần lớn thể hành thư, một số chữ ở thể thảo thư như chữ Hải ở dòng đầu, chữ An ở dòng cuối. Một số chữ thiếu nét như chữ Nam, chữ Lý. Một số chữ bị mờ khó đọc như chữ Đoan ở dòng đầu, chữ Gian ở dòng hai, chữ Lộ ở dòng ba. Bài thơ được phiên âm như sau:

Nam vọng Hoành Sơn

đại hải đoan,

Kình đào húng dũng bạch vân gian,

Thiều thiều vạn lý Nam chinh lộ,

Xa giá hoang châu Bố Chánh an.

(Hiệp Thạch Phạm Sư Mạnh)

Dịch nghĩa:

Nhìn theo núi Hoành Sơn, phía Nam là một vùng biển lớn,

Sóng kình dữ dội tung bọt trắng,

Trùng trùng vạn dặm đường Nam chinh,

Xa giá đến châu Bố Chánh giúp chính sự được yên.

Phạm Sư Mạnh là một nhà thơ thời nhà Trần theo xa giá nhà vua thân chinh đi chinh phạt Chiêm Thành đến đất Hoan Châu Bố Chánh. Trước cảnh tượng hùng vĩ, bao la mà hoang vắng của non nước, đất trời của dãy Hoành Sơn, giáp với biển Đông, vùng biên viễn của quốc gia Đại Việt, tức cảnh nhà thơ đã sáng tác ra bài thơ này.

Chuông chùa Rối mang những đặc trưng của chuông thời Trần. Hiện nay chuông thời Trần rất hiếm và chỉ có hai hiện vật trở thành Bảo vật quốc gia là chuông chùa Vân Bản phát hiện ở Đồ Sơn - Hải Phòng do Bảo tàng Lịch sử quốc gia bảo quản, và chuông chùa Bình Lâm hiện được chùa Bình Lâm, xã Phú Linh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang bảo quản. So sánh chuông chùa Rối với hai quả chuông thời Trần ở phía Bắc trên, có thể thấy một số điểm giống nhau và khác nhau nhất định.

Điểm giống: Thân trang trí gờ nổi chia thành 8 ô: 4 ô hình thang, 4 ô hình chữ nhật. Ba quả chuông đều không có đại tự chữ Hán ghi tên chuông trên mặt chuông. Các bài minh văn đều viết theo lối khắc chữ chứ không phải đúc chữ. Bài minh văn đều được khắc phần phía trên của thân chuông, trong ô hình thang cân. Một số chữ trên chuông viết thiếu nét như để kỵ húy thời Trần có ở chuông chùa Rối và chuông chùa Vân Bản. Trang trí quai chuông đều rồng khum, toàn thân vảy cá chép. Núm thỉnh chuông đều hình tròn, đều có số lượng 6 núm, bố trí tương tự nhau, viền miệng chuông trang trí hoa sen úp, cánh to và nhỏ xen kẽ nhau.

Điểm khác: Kích thước chuông chùa Rối cao 115cm, đường kính miệng 65cm, tỷ lệ giữa chiều cao và đường kính miệng là 1,77, cao hơn chuông chùa Bình Lâm (1,58) và chuông chùa Vân Bản (1,56). Quai chuông chùa Rối có hình một con rồng khum lưng với 4 chân, còn các quả chuông kia là hai con rồng, mỗi con hai chân, đấu đuôi chụm vào nhau tạo búp sen làm thành quai. Đầu rồng chuông chùa Rối nhỏ, có đuôi cụt, mặt miệng không rõ so với các chuông khác. Bài minh văn chuông chùa Rối cũng có nội dung khác. Số lượng chữ bài minh văn cũng ít nhất (33 chữ). Phong cách khắc chữ hành thư giống với chuông chùa Vân Bản, nhưng khác với chân thư chuông chùa Bình Lâm. Một số chữ Hán trên chuông chùa Rối còn ở dạng thảo thư.

Từ những đặc điểm trên có thể thấy chuông chùa Rối phản ảnh nhiều yếu tố lịch sử, văn hóa của Hà Tĩnh, Việt Nam và người Á Đông vào thời Trần. Chuông chùa Rối hiện diện ở xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh cho thấy Phật giáo đã được truyền bá đến vùng phên giậu phía Nam của quốc gia Đại Việt cũng thời kỳ này, có lẽ nó đã theo đoàn quân của vua Trần Duệ Tông đi chinh phạt Chiêm Thành. Về lịch sử, chuông chùa Rối là bảo vật quan trọng gắn liền với vị vua Trần Duệ Tông, Hiệp Thạch Phạm Sư Mạnh và các tướng lĩnh. Qua các tư liệu lịch sử khác cũng như nội dung bài minh văn trên chuông chùa Rối, cho thấy sự kiện vua Trần Duệ Tông tháng 12 năm 1376 đã đích thân cầm quân chinh phạt Chiêm Thành. Xa giá nhà vua đã đến vùng phía Nam Hà Tĩnh, vận chuyển lương thảo đến cửa biển Di Luân (Quảng Bình), rồi dừng quân một tháng để rèn luyện binh sĩ. Trong đợt thân chinh lần này đã bị mắc mưu mai phục của vua Chế Bồng Nga nên ông và các tướng sĩ đã bị giết ở trận tiền.

Chuông chùa Rối, niên đại thời Trần, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh, đã được Chính phủ công nhận “bảo vật quốc gia” tại Quyết định số 41/QĐ-TTg, do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký ngày 30 tháng 1 năm 2023, công nhận 27 bảo vật quốc gia Đợt 11.

Chuông đồng ở chùa Đà Quận

Chuông đồng ở chùa Đà Quận

Chuông đồng ở chùa Đà Quận, niên đại 1611

Quần thể di tích Đà Quận, ở xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng bao gồm chùa Viên Minh, đền Quan Triều (đều được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào năm 2008). Theo sử sách, chùa Viên Minh là một trong ba ngôi chùa cổ nhất của Cao Bằng. Tương truyền, chùa được xây dựng từ thời nhà Lý. Đến cuối thế kỷ XVI, nhà Mạc lên Cao Bằng đóng đô đã trùng tu, xây dựng lại. Đến thời Hậu Lê, chùa được tu bổ, mở rộng tiền đường, sửa sang Phật điện. Hiện trong chùa có hai câu đối: “Viên Minh thắng tích hưng tiền Lý/ Đà Quận thần chung chú Hậu Lê”. Tạm dịch: Thắng tích Viên Minh được khởi dựng trước, vào thời Lý/ Chuông thần Đà Quận được đúc sau, vào thời Lê. Đôi câu đối này, như nghĩa của nó, cũng là phản ánh truyền ngôn trong dân gian về lịch sử ngôi chùa. Chùa là một quần thể hoàn chỉnh, kiến trúc thống nhất mở đầu bằng tam quan và kết thúc bằng gác chuông.

Giá trị lịch sử của chùa Viên Minh được khắc ghi tại đôi chuông đang hiện diện tại đây. Quả chuông đồng to có kích thước cao 1,75m, miệng rộng 1,07m; quả chuông nhỏ cao 1,55m, miệng rộng 0,95m. Cả hai đều đúc bằng hợp kim đồng, lâu ngày đã ngả sang màu gang. Quả chuông to ở Bồ lao treo bị cưa mất một chân rồng. Quả chuông nhỏ ở thân thủng một lỗ (dân địa phương kể rằng: tiếng chuông kêu vang to quá làm mọi người trong bản mường mất ngủ, do đó họ đục đi cho bớt vang). Cả hai quả chuông đều có dáng rất mập, khỏe, hình khối căng bầu. Những con rồng trên chuông có mào dài, sừng ngắn, thân mập. Dáng dấp và trang trí chuông mang chất điêu khắc nối khối, chân chất, thoáng đãng, mộc mạc. Phần quai chuông được trang trí họa tiết biểu tượng con rồng quấn quanh tạo thành 4 chân trụ rất chắc để treo chuông, đây chính là 4 chân của con rồng.

Về trang trí họa tiết hoa văn, phần thân tạo thành ba lớp đường viền cân xứng từ trên xuống, ba lớp đường viền tròn chạy quanh thân chuông; những đường viền này giao tiếp nhau, ở chính điểm giao tiếp được trang trí các núm chuông, các núm chuông này được bố cục gồm 6 núm bao quanh thân chuông, đúc nhô cao để gõ tạo sự ngân vang; phần diềm xung quanh núm chuông trang trí hình cánh sen, biểu tượng của sự trường tồn của nhà Phật.

Ở các mặt nhẵn phần thân chuông có khắc nhiều chữ Hán, nội dung bài minh chuông này có nội dung chủ yếu là ca ngợi cảnh đẹp châu Thạch Lâm, thắng tích chùa Viên Minh và việc trùng tu tôn tạo, sửa sang lại chùa. Đặc biệt trên chuông còn ghi niên hiệu: Long Phi, Càn Thống chi thập cửu niên Tân Hợi cốc nhật (tạm dịch: Ngày lành năm Tân Hợi, niên hiệu Càn Thống thứ 19 (1611). Cả hai quả chuông tại quần thể di tích chùa đền Đà Quận đều là những tác phẩm nghệ thuật, là hiện vật gốc minh chứng trình độ, kỹ thuật đúc đồng tinh xảo, nghệ thuật điêu khắc điển hình của thế kỷ XVII.

Đôi chuông chùa Đà Quận, niên đại 1611 thời nhà Mạc ở thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng được Chính phủ công nhận “bảo vật quốc gia” tại Quyết định số 2496/QĐ-TTg, do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký ngày 22 tháng 12 năm 2016, công nhận 14 bảo vật quốc gia Đợt 5.

Chu Minh Khôi/Nguyệt san Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/nhung-chuong-dong-cua-phat-giao-da-duoc-cong-nhan-bao-vat-quoc-gia-post73782.html
Zalo