'Dòng chảy di sản' Ninh Bình sống động trong âm nhạc, vũ kịch, điện ảnh
'Festival Ninh Bình năm 2024 có chủ đề 'Dòng chảy di sản' tái hiện hành trình lịch sử của dân tộc Việt Nam - hành trình lập đô, dời đô, định đô của các bậc đế vương', Tổng đạo diễn, tác giả kịch bản chương trình khai mạc Lê Hải Yến chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân.
Phóng viên (PV): Cố đô Hoa Lư Ninh Bình với đậm đặc những di tích, di sản văn hóa phi vật thể cùng kết hợp những di sản văn hóa được UNESCO ghi danh, vậy đạo diễn sẽ làm như thế nào để làm nổi bật chủ đề của sự kiện?
Tổng đạo diễn Lê Hải Yến: Festival Ninh Bình lần thứ III, năm 2024 với chủ đề “Dòng chảy di sản” được xây dựng như một bộ phim dã sử cổ trang sống động, thực hiện bằng hình thức sân khấu hóa kết hợp giữa âm nhạc, vũ kịch và điện ảnh với công nghệ trình diễn hiện đại và độc đáo trên một sân khấu sử dụng công nghệ hiện đại của chuyển động 3D mapping, để giải mã những câu chuyện huyền sử, dã sử và khơi mở những lớp trầm tích ẩn sâu dưới lòng đất về những giá trị tinh hoa rực rỡ của các cố đô, kinh đô xưa.
Đêm khai mạc (vào 20 giờ, ngày 24-11 tại Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế, TP Ninh Bình) được xác định là điểm nhấn của Festival Ninh Bình, do đó việc đổi mới cách thức tổ chức Festival lần này cũng cho thấy quyết tâm của tỉnh về phát huy vai trò to lớn của văn hóa trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.
PV: Vậy những mốc son nào trong lịch sử, văn hóa của Ninh Bình sẽ được thể hiện rõ nét trong “Dòng chảy di sản”?
Tổng đạo diễn Lê Hải Yến: Chương trình sẽ tái hiện những mốc son lịch sử, là những dấu ấn trọng đại trong ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam; những giai đoạn huy hoàng, rực rỡ nhất của các triều đại đã có công kiến tạo nên những kinh đô lâu đời và thịnh vượng nhất trong lịch sử dân tộc, để lại những di sản vật thể và phi vật thể vô giá cho dân tộc và cho nhân loại.
Từ ý tưởng này, hành trình sẽ kết nối di sản với ba điểm nhấn là 3 kinh đô xưa: Kinh đô Hoa Lư, Kinh đô Thăng Long và Kinh đô Huế - đều có những Di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, là dòng chảy hơn một thiên niên kỷ của lịch sử Việt Nam. Bên cạnh đó chúng tôi cũng sẽ tôn vinh những dấu son của Ninh Bình trong dòng chảy di sản của dân tộc qua những hình ảnh, câu chuyện tô đậm 3 di sản đã được UNESCO ghi danh, như: Quần thể danh thắng Tràng An; Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt và Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng. Dòng chảy lịch sử đó đã hình thành nên những di sản văn hóa, lịch sử, kiến trúc độc đáo và quý giá của dân tộc, trường tồn với thời gian.
PV: Những yếu tố nào về mặt hình ảnh được cho là điểm nhấn khác biệt để câu chuyện của “Dòng chảy di sản” gắn với mảnh đất Cố đô Hoa Lư?
Tổng đạo diễn Lê Hải Yến: Dĩ nhiên sự kiện diễn ra trong không gian văn hóa, lịch sử thì bối cảnh sẽ đậm đặc màu sắc của mảnh đất Cố đô. Cùng với đó là các loại hình nghệ thuật trình diễn, chúng tôi sử dụng tối đa những loại hình nghệ thuật dân gian vốn có và cũng được coi là “đặc sản” của vùng đất này như xẩm, chèo, hát văn… Biến những giai điệu truyền thống trở nên gần gũi hơn, tạo nên những trải nghiệm vừa quen thuộc, vừa mới mẻ cho người xem.
Bên cạnh đó, cổ phục cũng là một phần trong câu chuyện kể trên sân khấu khai mạc. Chúng tôi đưa đến các trang phục thời Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Nguyễn… gắn với lịch sử của các kinh thành từ Hoa Lư, Thăng Long, Huế được nghiên cứu kỹ lưỡng, từ nghiên cứu, thiết kế, sản xuất đều có sự khảo cứu có sự cầu thị, tiếp thu. Chúng tôi cũng mong muốn qua phần phục dựng phóng tác trang phục sẽ góp phần chuyển tải tình yêu di sản đến các bạn trẻ.
PV: Là đạo diễn từng thành công với nhiều sự kiện, lễ hội, vậy với Festival Ninh Bình lần này trước sự mong đợi của lãnh đạo địa phương, nhân dân và du khách, đạo diễn có nhiều áp lực?
Tổng đạo diễn Lê Hải Yến: Có điều rất đặc biệt là tôi thích những khó khăn và thử thách, bởi trước những điều này càng làm tạo cho tôi nguồn năng lượng, những áp lực biến thành động lực và sáng tạo. Các chương trình thực hiện cho cộng đồng thì cần tổ chức ngoài trời, khó nhất luôn là vấn đề thời tiết.
Với chiều dài lịch sử của dân tộc để kể thì có nhiều câu chuyện lắm, còn với “Dòng chảy di sản” hứa hẹn khán giả sẽ yêu thích với cách kể của chúng tôi.
Ban tổ chức cũng như ê kíp sáng tạo “Dòng chảy di sản” sẽ mang đến một Festival Ninh Bình những cảm xúc, dấu ấn không thể nào quên; góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người của vùng đất Cố đô Hoa Lư, Ninh Bình đến với du khách trong nước và quốc tế. Đồng thời hiện thực hóa chủ trương, định hướng của tỉnh Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035 với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; một trung tâm lớn có giá trị cao về du lịch, công nghiệp văn hóa và tổ chức sự kiện quốc gia, khu vực và quốc tế.
PV: Xin cảm ơn đạo diễn!