Những chính sách tài chính linh hoạt giúp kích thích tiêu dùng và bình ổn giá
Thời gian qua, nền kinh tế Việt Nam gặp phải nhiều khó khăn, tình trạng phục hồi nhu cầu tiêu dùng diễn ra chậm, sản xuất và kinh doanh ở một số ngành, lĩnh vực còn nhiều thử thách. Lạm phát tăng mạnh, do biến động tỷ giá, điều chỉnh giá điện, lương bổng...
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_06_341_51411626/af83d42bec65053b5c74.jpg)
Trong bối cảnh này Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành đã chủ động áp dụng các biện pháp điều chỉnh chính sách tài chính linh hoạt, nhằm hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời kích thích tổng cầu và bình ổn giá để thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
THÀNH QUẢ LỚN
Điểm nhấn đầu tiên chúng ta phải nhắc tới là trong bối cảnh bão Yagi đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với đời sống nhân dân, một số thời điểm đã xuất hiện việc khan hiếm một số mặt hàng như rau, củ quả, thực phẩm và tăng giá cục bộ ở một số địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 92/CĐ-Ttg về việc khắc phục hậu quả của bão số 3. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã có Công điện số 03/CĐ-BTC ngày 13/9/2024 gửi các cơ quan ban ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị, tổ chức trực thuộc Bộ Tài chính đề nghị đẩy mạnh, tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá sau bão Yagi. Nhờ những phản ứng kịp thời về chính sách nói trên, cùng sự vào cuộc khắc phục bão của cả hệ thống chính trị nên rất nhanh chóng cuộc sống người dân vùng bị ảnh hưởng bão, lũ đã dần ổn định, sản xuất lúa, rau màu, chăn nuôi, thủy sản… từng bước được khôi phục.
Để thúc đẩy tăng tổng cầu, năm 2023 và các tháng đầu năm 2024, Quốc hội tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh cũng như ổn định kinh tế trong trung hạn và dài hạn. Theo đó, Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, triển khai Nghị quyết số 43. Vì thế, nhiều chính sách ưu đãi về thuế, phí, lệ phí đã được ban hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và thúc đẩy quá trình phục hồi nền kinh tế.
![Năm 2024, Bộ Công Thương đã ban hành hàng chục văn bản điều hành giá xăng dầu](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_06_341_51411626/27ed5945610b8855d11a.jpg)
Năm 2024, Bộ Công Thương đã ban hành hàng chục văn bản điều hành giá xăng dầu
Thực hiện chủ trương trên, cùng với việc tổ chức triển khai thực hiện tốt các Luật thuế và nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất trình cấp có thẩm quyền tiếp tục ban hành các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, với quy mô hỗ trợ khoảng 191 nghìn tỷ đồng. Trong đó, số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 95 nghìn tỷ đồng, số tiền thuế, phí, lệ phí được giảm khoảng 96 nghìn tỷ đồng. Các giải pháp chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất được ban hành, thực hiện trong năm 2024 với quy mô hỗ trợ lớn, phạm vi hỗ trợ rộng đã phát huy hiệu quả tích cực, hỗ trợ kịp thời các hoạt động sản xuất – kinh doanh, tạo thêm việc làm cho người lao động, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.
Về lĩnh vực tài chính, thống kê của chúng tôi cho thấy lãi suất điều hành được điều chỉnh giảm 4 lần trong năm 2023 nhằm giảm chi phí, thúc đẩy tổng cầu, kích thích tiêu dùng. Mặt bằng lãi suất cho vay trong năm 2023 đã giảm so với cuối năm 2022 hơn 2%, đưa mặt bằng lãi suất về bằng thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19 (ở mức từ 0,5 - 2%/năm).
Bên cạnh việc 4 lần giảm trần lãi suất huy động, một số biện pháp hành chính được thực hiện nhằm giảm mặt bằng lãi suất cho vay, như khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; Đề nghị tổ chức tín dụng triển khai các biện pháp để giảm lãi suất tiền gửi; Tiếp tục triển khai các giải pháp để giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới (phấn đấu mức giảm lãi suất tổi thiểu từ 1,5 - 2%/năm). Theo đó, mặt bằng lãi suất cho vay tính đến cuối năm 2023 đã giảm còn 3,7 - 10%/năm, giảm sâu so với mức 4,7 - 10,7%/năm của năm 2022. Trong những tháng đầu năm 2024, lãi suất cho vay duy trì ổn định, với mức lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản vay mới và các khoản vay cũ còn dư nợ dao động từ 7,3 - 9,5%/năm. Đặc biệt, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức trung bình khoảng 3,6%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (4%/năm).
Đối với mặt hàng xăng dầu, trong năm 2024 công tác điều hành giá xăng dầu trong nước được Bộ Công Thương điều hành theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 80/2023/NĐ-CP bám sát theo diễn biến giá xăng dầu thế giới. Thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2024 tiếp tục được giảm theo Nghị quyết số 42/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Năm 2024, Bộ Công Thương đã ban hành hàng chục văn bản điều hành giá xăng dầu trong nước. Bởi, trong năm này, giá xăng dầu trong nước có xu hướng tăng trong 4 tháng đầu năm, sau đó có xu hướng giảm đến nửa đầu tháng 6 và giá tăng nhẹ trong giai đoạn đầu tháng 7. Từ cuối tháng 7 cho tới giữa tháng 9 giá tiếp tục trở lại xu hướng giảm, các kỳ điều hành sau đó cho tới hết năm 2024 thì giá xăng dầu tăng giảm đan xen.
Một điểm nhấn cũng không thể không nhắc tới là đầu tư công cũng được thúc đẩy và tăng cường quản lý bằng những chỉ đạo nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, tạo thêm việc làm, thu nhập, thúc đẩy tiêu dùng và là động lực phát triển kinh tế. Trong giai đoaṇ từ 2021 – 2024, đầu tư công của Việt Nam tăng nhanh cả về khối lươṇg vốn đầu tư, cả về mức độ giải ngân. Tổng vốn đầu tư công theo kế hoạch và vốn đầu tư công Thủ tướng chính phủ giao tăng dần từ 2021 và cao nhất là năm 2023. Năm 2023, tổng vốn đầu tư công tăng cao do có thêm số vốn đầu tư của chương trình hỗ trợ hồi phục sau đại dịch Covid-19. Năm 2024 vốn đầu tư công theo kế hoạch và vốn đầu tư công Thủ tướng chính phủ giao có giảm, nhưng vẫn cao hơn các năm trước.
![Nhiều biện pháp hành chính được thực hiện nhằm giảm mặt bằng lãi suất cho vay](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_06_341_51411626/606410cc2882c1dc9893.jpg)
Nhiều biện pháp hành chính được thực hiện nhằm giảm mặt bằng lãi suất cho vay
NHƯNG VẪN CÒN NHIỀU THÁCH THỨC
Mặc dù các chính sách tài chính trong thời gian qua đã được điều chỉnh linh hoạt nhằm hỗ trợ, kích thích tiêu dùng, bình ổn giá. Nhưng thời gian tới, dự báo chúng ta sẽ gặp rất nhiều thách thức. Đó là giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao trong khi tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới diễn biến theo chiều hướng ngày càng phức tạp, khó lường. Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên biến động của giá hàng hóa trên thế giới sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên. Trong đó, USD có mức giá cao làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước.
Bên cạnh đó, chi phí vận tải, đặc biệt là trong bối cảnh giá xăng dầu tăng, cũng là yếu tố quan trọng khiến giá hàng hóa leo thang. Việc tăng giá vận chuyển làm gia tăng chi phí phân phối hàng hóa từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng, góp phần đẩy giá thành các sản phẩm lên cao hơn. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn đối mặt rủi ro từ giá năng lượng và thực phẩm, đặc biệt tác động của dịch tả heo châu Phi đến nguồn cung thịt heo.
Bởi vậy, dưới góc nhìn của một chuyên gia ThS. Nguyễn Thị Thu - Viện Chiến lược và Chính sách tài chính bày tỏ quan điểm: Chính sách tài chính nhằm kích thích tiêu dùng và đầu tư có thể dẫn đến việc tăng chi tiêu công, điều này có thể tạo ra thâm hụt ngân sách nếu không có nguồn thu đủ mạnh. Bởi vậy nếu tăng chi tiêu để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn có thể tạo áp lực lên ngân sách nhà nước và làm tăng nợ công. Hoặc việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp (như giảm thuế, trợ cấp giá) đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn, trong khi nguồn thu ngân sách có thể bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế khó khăn.
Từ những thực tế trên chính sách tài chính sẽ phải tìm cách cân đối giữa việc hỗ trợ nền kinh tế và giữ ổn định ngân sách, vì áp lực mới cho chính sách tiền tệ trong năm 2025 xuất hiện khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây cho biết, đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống lên đến 16%, tức cao hơn cả mức dự kiến thực hiện 15% trong năm 2024. Tín dụng cao có thể làm tăng chi phí vay vốn cho các doanh nghiệp, nhất là trong ngành sản xuất, khiến họ phải tăng giá sản phẩm để bù đắp cho chi phí lãi vay cao, ThS. Nguyễn Thị Thu phân tích.
![Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_06_341_51411626/cab3b81b8055690b3044.jpg)
Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm
Vẫn theo ThS. Nguyễn Thị Thu là vốn mồi thúc đẩy đầu tư vào tạo việc làm cho nền kinh tế, nhưng giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, khâu chuẩn bị đầu bị đầu tư còn vướng mắc về thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai, công tác giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó là giá nguyên vật liệu tăng cao và yếu tố then chốt là các dự án giao thông cần một khối lượng lớn đất cấp phối để phục vụ thi công nhưng thời gian xin giấy phép khai thác mỏ dài và số lượng mỏ đất đá hạn chế... cũng ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn đầu tư công.
Đặc biệt, thu nhập tổng thể người dân vẫn còn thấp. Năm 2024, thu nhập bình quân tháng của người lao động là 7,7 triệu đồng/tháng, tăng 8,6% so với năm trước. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có hơn 1,58 triệu hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều, tỷ lệ nghèo tiếp cận đa chiều - theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 ước khoảng 3,2%. Điều này gây e ngại trong tiêu dùng, gây ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng hàng năm của tiêu dùng. Thu nhập thấp, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vẫn là một rào cản lớn đối với việc tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao. Vấn đề này đòi hỏi chính sách tài khóa phải có những điều chỉnh để nâng cao mức sống và cải thiện khả năng tiêu dùng cho những người dân thuộc nhóm thu nhập thấp này, bà Thu chia sẻ.