Ngành 'công nghiệp không khói' Kiên Giang cán mốc 1 tỷ USD

Năm 2024, Kiên Giang đón 9.863.187 lượt khách, tăng 15,6% so với cùng kỳ. Trong đó khách quốc tế đón 978.785 lượt, tăng 70,7% so với cùng kỳ, vượt 43,9% kế hoạch năm. Tổng thu đạt khoảng 25.141 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD), tăng 43,8% so với cùng kỳ.

Năm 2024 khách quốc tế đón 978.785 lượt, tăng 70,7% so với cùng kỳ, vượt 43,9% kế hoạch năm. Trong ảnh du khách trên tàu cao tốc đi du lịch Phú Quốc. Ảnh Hồng Lĩnh

Năm 2024 khách quốc tế đón 978.785 lượt, tăng 70,7% so với cùng kỳ, vượt 43,9% kế hoạch năm. Trong ảnh du khách trên tàu cao tốc đi du lịch Phú Quốc. Ảnh Hồng Lĩnh

Du lịch Kiên Giang lọt vào TOP 10 cả nước

Chiều 6/2, Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang tổ chức hội nghị tổng kết ngành du lịch và triển khai phương hướng, nhiệm vụ cho năm 2025. Tại hội nghị, ông Bùi Quốc Thái – Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang cho biết, trong năm qua, hoạt động du lịch của tỉnh đã tiếp tục phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Hầu hết các nhiệm vụ, mục tiêu du lịch đều đạt kế hoạch, với một số chỉ tiêu vượt mức đề ra.

Kết quả năm 2024, du lịch Kiên Giang đã đón trên 9,8 triệu lượt khách, tăng 15,6% so với cùng kỳ và vượt 7,2% kế hoạch. Trong đó khách quốc tế đạt hơn 980.000 lượt, tăng 70,7%, vượt 43,9% kế hoạch. Tổng thu từ du lịch đạt 25.000 tỷ đồng, tăng 43,8% so với cùng kỳ, vượt 25,7% kế hoạch và đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, lọt vào TOP 10 cả nước.

Trong năm qua Sở Du lịch đã triển khai nhiều chương trình để thúc đẩy ngành du lịch phát triển như: Quy hoạch đầu tư, dự án công; phát triển sản phẩm du lịch… Cụ thể Sở đã làm việc với Đoàn của Bộ Ngoại giao khảo sát thực tế trong khuôn khổ Chương trình khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp Quốc gia. Báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công của Sở Du lịch năm 2023 và đề xuất bố trí vốn các dự án năm 2024.

Tiếp tục phối hợp thực hiện hoàn thành các thủ tục và đưa vào hoạt động Dự án Hệ thống website tích hợp video thực tế ảo quảng bá hình ảnh du lịch, hệ thống mua vé trực tuyến, ứng dụng di động (Mobile app) và các hoạt động quảng bá hình ảnh du lịch theo quy định.

Hiện tỉnh Kiên Giang thu hút 317 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng quy mô 9.993 ha và tổng vốn đầu tư là 408.178 tỷ đồng[1]; Trong đó, địa bàn thành phố Phú Quốc có 274 dự án đầu tư du lịch (chiếm 86% dự án đầu tư du lịch toàn tỉnh), với tổng quy mô 9.485 ha và tổng vốn đầu tư 388.410 tỷ đồng

Tổ chức khảo sát các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn, các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác và cửa hàng chuyên bán sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch năm 2024 tại thành phố Phú Quốc, Hà Tiên và các huyện Giồng Riềng, An Minh, U Minh Thượng...

Toàn tỉnh có 977 cơ sở (tăng 27 cơ sở so cùng kỳ) với 34.132 phòng (tăng 537 phòng so cùng kỳ). Trong đó: Cơ sở lưu trú du lịch xếp hạng 1-3 sao: 18 cơ sở (tăng 8 cơ sở) với 1.520 phòng (tăng 173 phòng); Cơ sở lưu trú du lịch xếp hạng 4-5 sao: 28 cơ sở (tăng 2 cơ sở) với 12.788 phòng (tăng 1.631 phòng). Cơ sở lưu trú được kiểm tra công nhận đủ điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ (KSTT – NNTT) 395 cơ sở (tăng 48 cơ sở) với 10.916 phòng (tăng 128 phòng).

Hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch trong nước và quốc tế: Sở đã triển khai kế hoạch phối hợp tổ chức khảo sát điểm đến và Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Đồng bằng sông Cửu Long tại Hà Nội; Kế hoạch Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024. Làm việc với Tổng Công ty hàng không Việt Nam trao đổi các nội dung hợp tác phát động khách du lịch sử dụng các sản phẩm bay đêm. Tổ chức đón và làm việc với: Đoàn lữ hành Malaysia, Đoàn Charter (Cộng hòa Séc và Slovakia,Đoàn Charter Hwafu Đài Loan đến khảo sát, kết nối du lịch tại thành phố Phú Quốc. Tham gia Đoàn khảo sát tại Nhật Bản, Thái Lan, Campuchia nhằm giới thiệu và kết nối quảng bá các điểm du lịch giữa Việt Nam và các địa phương. Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Kanagawa (Nhật Bản), Úc, New Zealand, Trung Quốc, Nga, Pháp, Đức, Ý, Anh… Đề xuất nội dung cần trao đổi, hợp tác giữa Kiên Giang với tỉnh Phuket, Chanthaburi (Thái Lan) và tỉnh Salavan (Lào). Báo cáo cung cấp thông tin số liệu của Hoa Kỳ, Trung Quốc, tỉnh Kampot (Campuchia) và các tài liệu sử dụng, đăng tải, quảng bá hình ảnh du lịch Kiên Giang ở nước ngoài. Phối hợp cung cấp thông tin nội dung làm việc của lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp xã giao Tổng lãnh sự Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tàu cao tốc chạy tuyến TP Rạch Giá - TP Phú Quốc. Ảnh Hồng Lĩnh

Tàu cao tốc chạy tuyến TP Rạch Giá - TP Phú Quốc. Ảnh Hồng Lĩnh

Phấn đấu năm 2025, ngành Du lịch tỉnh Kiên Giang tiếp tục đạt và vượt các chỉ tiêu cụ thể: Đón được 10,650 triệu lượt khách đến Kiên Giang tham quan du lịch (tăng 8% so với thực hiện năm 2024). Trong đó: Khách quốc tế: 1,100 triệu lượt (tăng 12,4% so với thực hiện năm 2024); Khách nội địa: 9,550 triệu lượt) (tăng 7,5% so với thực hiện năm 2024); Tổng thu đạt 28 ngàn tỷ đồng (tăng 11,4% so với thực hiện năm 2024).

Vẫn còn nhiều khó khăn thách thức

Tuy nhiên, ngành du lịch Kiên Giang vẫn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Tốc độ phục hồi còn chậm, giá cả tăng, đặc biệt là vé máy bay tuyến Phú Quốc theo đánh giá là còn quá cao. Kết cấu hạ tầng kết nối các vùng du lịch chưa được đầu tư đúng mức, việc xây dựng tour, tuyến và sản phẩm du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu. Chất lượng nguồn nhân lực du lịch chưa cao, thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn cao, làm giảm sức cạnh tranh so với các điểm đến khác. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch còn hạn chế, đặc biệt là ở thị trường quốc tế. Công tác phối hợp quản lý nhà nước về du lịch giữa các ngành và địa phương chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao.

Ông Nguyễn Vũ Khắc Huy – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Kiên Giang, cho rằng nguồn nhân lực trong ngành du lịch đang thiếu hụt nhân sự có trình độ và kỹ năng phù hợp với nhu cầu thị trường quốc tế, đặc biệt là các thị trường như Hàn Quốc và Trung Quốc. Do đó cần tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền và doanh nghiệp trong việc đào tạo nguồn nhân lực ngắn hạn và dài hạn. Về nhu cầu của khách du lịch quốc tế, ông Huy nhận định rằng khách quốc tế mong muốn trải nghiệm các sản phẩm du lịch đặc trưng, gắn với văn hóa địa phương và các sản phẩm mua sắm. Tuy nhiên, Việt Nam hiện nay còn thiếu các sản phẩm này, đòi hỏi sự đầu tư và phát triển thêm...

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ông Lê Trung Hồ nhận xét: Năm 2024, ngành Du lịch Kiên Giang đã nỗ lực vượt qua khó khăn, đạt nhiều kết quả khả quan, khôi phục và phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán 2025, tỉnh đã đón hơn 470.000 lượt khách, với tổng thu trên 1.800 tỷ đồng. Du lịch tiếp tục là ngành có đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Mục tiêu năm 2025 là đón 11,05 triệu lượt khách, với tổng thu từ du lịch đạt 28.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới và các yếu tố tự nhiên có thể tác động đến ngành, đặc biệt là khách nội địa. Do đó, ngành cần cải thiện công tác quảng bá, phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, nâng cao chất lượng dịch vụ, vệ sinh môi trường và văn hóa ứng xử để tăng cường thu hút khách du lịch.

Phó Chủ tịchbUBND tỉnh Lê Trung Hồ yêu cầu Sở Du lịch tiếp tục triển khai các giải pháp phát triển du lịch bền vững, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, hoàn thành các dự án hạ tầng du lịch tại U Minh Thượng, Hòn Đất và Kiên Lương. Đặc biệt, Phú Quốc sẽ tổ chức sự kiện APEC 2027, là cơ hội lớn để phát triển du lịch MICE và quảng bá quốc tế. UBND tỉnh cam kết đồng hành, tạo điều kiện hỗ trợ ngành du lịch, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp du lịch và Hiệp hội Du lịch Kiên Giang tích cực tham gia phát triển ngành, nhằm xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Hồng Lĩnh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nganh-cong-nghiep-khong-khoi-kien-giang-can-moc-1-ty-usd.html
Zalo