Những chiến sỹ Cao Bằng góp phần làm nên đại thắng mùa xuân 1975 (kỳ 2)
Ký ức về mùa xuân toàn thắng
“Ta đi trong muôn ánh sao vàng rừng cờ tung bay/ Rộn ràng và mê say những bước chân dồn về đây/ Sài Gòn ơi, vững tin đã bao năm rồi/ Một ngày vui giải phóng...”, giai điệu bài hát “Đất nước trọn niềm vui” vang lên rộn rã vào những ngày tháng Tư lịch sử khiến cựu chiến binh Nông Văn Vạn, hiện trú tại tổ 18, phường Sông Hiến (Thành phố) lại bồi hồi, trào dâng niềm cảm xúc mạnh mẽ và tự hào khi nhớ về những tháng ngày gian khó cùng đồng đội “mưa dầm, cơm vắt”, cùng đất nước kiên cường làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, non sông nối liền một dải.
Tự hào tham gia Chiến dịch mang tên Bác
Sinh ra và lớn lên ở xã Phong Châu, huyện Trùng Khánh, cũng như bao thanh niên thời kỳ ấy, khát vọng được cống hiến cho Tổ quốc luôn cháy bỏng, chàng trai trẻ Nông Văn Vạn xung phong lên đường nhập ngũ năm 1972 với tinh thần lạc quan, dẫu biết ra đi chưa chắc đã có ngày về. Ông kể lại: Trong không khí sục sôi cách mạng của những năm tháng đó, chúng tôi, những thanh niên mười chín, đôi mươi khắp mọi miền đất nước đã hăng hái lên đường nhập ngũ. Nhiều người đã viết đơn bằng máu để được ra chiến trường. Tôi được phân công về Quân khu Việt Bắc, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 246.
Tháng 10/1973, đơn vị của ông hành quân vào Nam. Chặng đường hành quân nhiều gian nan, vất vả khi băng rừng, vượt suối, lội đèo, vượt qua những rừng già, phá núi, mở đường để có đường hành quân; luôn phải đối mặt với loạt bom, mìn nên người và xe đều phải ngụy trang. Mỗi khi hồi tưởng lại những ngày ấy, trong ký ức của ông lại hiện về với bao cảm xúc, tuy rằng hiểm nguy vất vả nhưng là niềm vinh dự, tự hào lớn cho lớp thanh niên ngày ấy. Năm 1974, ông được điều động về Trung đoàn Công binh 7, Quân đoàn 3, rồi cùng đồng đội hành quân về Buôn Ma Thuột tham gia chiến dịch Tây Nguyên. Nói về nhiệm vụ giải phóng Buôn Ma Thuột, ban đầu Bộ Quốc phòng giao cho Mặt trận Tây Nguyên là đánh khi có thời cơ và trong điều kiện phát triển của chiến dịch, đến ngày 18/1/1975, Bộ chính thức giao nhiệm vụ này cho mặt trận. Từ tháng 9/1974, Trung đoàn Công binh 7 kết hợp với dân công triển khai mở các trục đường ở Bắc Tây Nguyên để làm đường nghi binh. Những hoạt động ráo riết theo kế hoạch nghi binh rất hiệu quả, thu hút lớn lực lượng chủ lực địch về hướng Bắc Tây Nguyên, làm cho chúng luôn lúng túng, bị động đối phó trong thời gian khá dài. Những hoạt động nghi binh chiến dịch của ta đã thành công, ta có điều kiện và thời cơ tiến công địch trong Buôn Ma Thuột theo phương án địch không có phòng ngự dự phòng.
Đã 50 năm trôi qua, nhưng ông vẫn nhớ những cung đường, từng khúc cua, từng con đèo mà ông cùng đồng đội đã hành quân qua. Công binh thì xẻ núi lăn bom, quyết mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện, dù bom đạn xương tan, thịt nát, không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh... Nguy hiểm và gian khó nhất khi gặp trường hợp những quả bom từ trường nằm sâu trong lòng đất. Ông và đồng đội thay phiên nhau dùng xẻng đào, mỗi người đào 15 phút rồi lên, đợi một lúc xem bom có tự phát nổ hay không. Nếu chưa nổ, chiến sĩ khác vào vị trí có bom tiếp tục đào tìm chỗ đặt bộc phá giật nổ. "Phá bom là nhiệm vụ rất nguy hiểm, đòi hỏi lòng dũng cảm, không ngại hy sinh. Đối diện với bom mìn ai cũng sợ thế nhưng khi đặt niềm tin cho ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước chúng tôi lại quên hết sợ hãi, bằng mọi cách để thông đường, thông tuyến", ông Vạn chia sẻ.
Đầu tháng 4/1975, Quân đoàn 3 được lệnh từ chiến trường Tây Nguyên di chuyển theo đường mòn Hồ Chí Minh vào tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Thực hiện mệnh lệnh tổng tiến công của Bộ Tư lệnh chiến dịch, Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên) được giao nhiệm vụ đảm nhiệm hướng tiến công phía Tây Bắc Sài Gòn. Mục tiêu then chốt lúc đó là đập tan tuyến phòng thủ của địch ở căn cứ Đồng Dù (Củ Chi).
Lực lượng địch trong căn cứ Đồng Dù lúc này với tổng quân số khoảng 3.000 tên, trang bị có 34 xe tăng xe bọc thép, gần 5.000 khẩu súng các loại, trong đó có 18 khẩu pháo lớn, bên ngoài là nhiều lớp rào kẽm gai cùng với hệ thống lô cốt và các bãi mìn được bố trí dày đặc. Trên các hướng, ông cùng đồng đội nổ mìn định hướng và đánh bộc phá liên tục mở bung nhiều lớp hàng rào. Lúc đó bộ binh ta ào ạt xung phong đánh chiếm đầu cầu và xe tăng của ta vượt qua cửa mở đột phá vào đánh chiếm các các mục tiêu bên trong cứ điểm. Chỉ trong 5 giờ chiến đấu, ta đã đập tan toàn bộ Sư đoàn 25 của quân đội Việt Nam Cộng hòa ở căn cứ Đồng Dù. Căn cứ Đồng Dù - “cánh cửa thép” án ngữ phía Tây Bắc Sài Gòn đã bị phá toang, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng tiến công thọc sâu binh chủng hợp thành của Quân đoàn 3 tiến thẳng về nội đô, kết hợp cùng các cánh quân khác đánh chiếm các mục tiêu chiến lược.
“Khi cùng đơn vị làm nhiệm vụ phòng ngự không may tôi bị thương ở cổ, sau đó được đưa đi điều trị cách căn cứ khoảng 4 km. Thời khắc miền Nam hoàn toàn giải phóng tôi đang nằm trên giường bệnh điều trị vết thương. Nghe tin chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng mọi người vui mừng khôn xiết, thời khắc ấy tôi không còn cảm thấy đau đớn từ những vết thương, chỉ niềm vui, niềm hạnh phúc dâng ngập lòng. Khắp nơi vang khúc khải hoàn “Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Cảnh tượng ấy khiến tôi vô cùng sung sướng, tôi nhìn qua ô cửa sổ và thấy rằng bầu trời chưa bao giờ bình yên đến thế”, người chiến sĩ quân giải phóng năm xưa vẫn vẹn nguyên cảm xúc hào hùng của ngày chiến thắng.

Cựu chiến binh Nông Văn Vạn tự hào kể về những phần thưởng cao quý.
Xứng danh người lính Cụ Hồ
Đất nước giải phóng, ông Vạn được điều động về Nha Trang, đến tháng 7/1977, tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam. Năm 1979, ông được cử đi học ở trường Quân chính Quân khu I, sau đó nhận công tác tại Quân đoàn 26, Quân khu I. Năm 1988, nghỉ chế độ bệnh binh, mang quân hàm Đại úy.
71 năm tuổi đời, 51 năm tuổi Đảng, trở về cuộc sống đời thường, những năm qua, ông Vạn luôn giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, từ năm 2001 - 2019, ông được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ tổ 10, phường Sông Hiến (Thành phố). Dù ở cương vị nào, người lính năm xưa vẫn gương mẫu, đóng góp công sức của mình xây dựng quê hương, đất nước, là tấm gương sáng cho con cháu noi theo.
Trong ngôi nhà đơn sơ với vườn cảnh được cắt tỉa gọn gàng, xanh mượt, thứ quý giá nhất đối với người cựu chiến binh có lẽ là những tấm huân, huy chương cao quý như: Huy chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì; Huân chương Chiến công giải phóng, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang…, Những kỷ vật luôn được ông trân trọng và giữ gìn cẩn thận. Đất nước hòa bình, chẳng còn đạn bom, lửa khói, bên cạnh những kỷ niệm rất đỗi vinh quang ấy, ông thấy mình là người may mắn được trở về với quê hương, với gia đình và người thân nên vẫn có một điều khiến ông day dứt, đó là nhiều đồng đội đã ngã xuống vẫn chưa tìm được hài cốt, những người lính đã nằm lại chiến trường khi tuổi đời chỉ 18, đôi mươi.

Ông Vạn kể chuyện về những năm tháng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng đại thắng mùa Xuân năm 1975 mãi là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là với những người trực tiếp tham gia kháng chiến “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Những kỷ niệm, hồi ức của những người đã tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh dù có khác nhau nhưng cùng hội tụ đã chiến đấu hết mình vì Tổ quốc, trở về với thời bình tiếp tục cống hiến để xứng đáng với những trang sử vẻ vang của dân tộc. Gặp, trò chuyện với những người như ông Vạn, chúng tôi không khỏi xúc động, đây chính là những tấm gương sáng nhắc nhở mỗi thế hệ hôm nay phát huy, trân trọng và tự hào.