Những chiến công hiển hách trên chiến trường Quảng Trị

Trong sổ tay công tác của tôi còn ghi rõ, vào ngày 31/3/2016, Bộ Tư lệnh Hải quân phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc triển lãm 'Đặc công Hải quân- Sáng mãi những chiến công' và 'Quân, dân Quảng Trị với bộ đội Hải quân' tại Trung tâm Văn hóa- Điện ảnh tỉnh.

Đài Chiến thắng Đặc công Hải quân đặt tại thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh -Ảnh: Đ.T

Đài Chiến thắng Đặc công Hải quân đặt tại thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh -Ảnh: Đ.T

Tại đây, lần đầu tiên tôi đã nghe đại diện lãnh đạo Quân chủng Hải quân, trong bài phát biểu của mình đã xúc động khi nhận Quảng Trị là quê hương thứ hai của Đặc công Hải quân. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân dân Quảng Trị đã luôn chở che, đùm bọc nuôi giấu để Đặc công Hải quân luồn sâu, đánh hiểm, thắng lớn. Những chiến công đặc biệt xuất sắc của Đặc công Hải quân trên chiến trường Cửa Việt- Đông Hà là kết tinh sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là chiến công của tình đoàn kết quân dân son sắt thủy chung.

Theo thống kê, trong 7 năm, từ 1967- 1973, Đặc công Hải quân đã tổ chức đánh trên 300 trận, đánh chìm, đánh hỏng gần 400 tàu, thuyền chiến đấu và các phương tiện chiến tranh, tiêu diệt nhiều sinh lực, phá hủy nhiều vũ khí của đối phương, góp phần vào thắng lợi chung của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam. Một trong những chiến công tiêu biểu nhất trong giai đoạn này của quân chủng thuộc về cán bộ, chiến sĩ Đoàn 126 (nay là Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126) là đánh chìm chiếc tàu dầu 15.000 tấn trên biển Cửa Việt (thuộc thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh), ngày 8/9/1969.

Khu vực cảng Cửa Việt thời bấy giờ được địch bố phòng nghiêm ngặt, bởi đây là nơi các tàu trọng tải cỡ lớn của Mỹ chuyên chở vũ khí, hàng hóa phục vụ cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam thường xuyên vào ra. Các chiến sĩ trinh sát Đội 1 đã phát hiện tại đó có chiếc tàu USS Noxubee trọng tải 15.000 tấn chở dầu cho Mỹ-ngụy vừa cập bến, đậu cách cảng Cửa Việt 2 km.

Vào lúc 19 giờ ngày 6/9/1969, tại một điểm xuất phát ở Cửa Tùng (thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh), tổ chiến đấu của Đội 1 gồm 3 đồng chí: Bùi Văn Hy, Trần Xuân Hỗ và Trần Quang Khải, do đồng chí Bùi Văn Hy làm tổ trưởng chuẩn bị tiếp cận tàu địch. Mỗi người mang theo ống thở, khí tài lặn, hai thủ pháo, hai lựu đạn, dao găm... Riêng hai đồng chí Hỗ và Khải nhận thêm hai quả mìn rùa nặng 6,8kg của Liên Xô sản xuất.

Sau một ngày ẩn giấu, đêm 7/9/1969, tổ đánh tàu xuất phát hướng về mục tiêu. Nhưng cả 3 người bơi được hơn 100 m thì gặp gió to, sóng lớn, nước chảy xiết, không thể vượt lên được, cả tổ đành quay lại bờ ẩn nấp thêm một ngày. Đêm hôm sau, tổ lại tiến vào vị trí xuất phát. Đồng chí Hỗ và Khải bơi ra biển, nhằm thẳng hướng sáng ngoài khơi nơi tàu USS Noxubee thả neo. Đồng chí Hy ngồi trên một chiếc thuyền của ngư dân bỏ lại trên bãi, cảnh giới, theo dõi. Sau gần 5 giờ bơi, vật lộn với sóng gió, tổ chiến đấu đã tiếp cận tàu, gắn mìn rùa rồi rút lui.

Vài giờ sau, từ chiếc tàu vận tải USS Noxubee trọng tải 15.000 tấn phát ra hai ánh chớp, kèm theo hai tiếng nổ lớn rung chuyển cả mặt biển. Cột lửa bùng lên từ con tàu chở dầu sáng cả một vùng. Do bị địch truy tìm và sóng cuốn, đồng chí Khải và Hỗ lạc nhau, phải đến tối, ba anh em mới gặp nhau ở địa điểm quy định.

Rạng sáng 10/9, ba người tìm cách luồn lách qua những ổ phục kích của địch trở về bờ Bắc an toàn. Đây là trận đánh bằng kỹ thuật đặc công đầu tiên ở ngoài biển của Đoàn 126. Các chiến sĩ tham gia trận đánh đều được tặng thưởng Huân chương Chiến công. Riêng đồng chí Trần Quang Khải lập công xuất sắc nhất được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp mặt và khen ngợi. Năm 2015, đồng chí Trần Xuân Hỗ và Trần Quang Khải được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Cách nay đã lâu, trong dịp khánh thành Tượng đài chiến thắng Cửa Việt tại xã Triệu An, Triệu Phong, thật tình cờ tôi được nghe những cựu chiến binh Trung đoàn 101 kể về người anh hùng mang tên Trần Minh Nghĩa gắn với trận đánh đầu tiên, đối đầu trực tiếp giữa lực lượng Hải quân đánh bộ Quân đội nhân dân Việt Nam với Thủy quân lục chiến Mỹ trên chiến trường Quảng Trị, xảy ra tại đồi Phú Ân, nay thuộc xã Hải Thái, miền Tây Gio Linh vào tháng 10/1967.

Ngày 12/10/1967, Đại đội 11, Tiểu đoàn 3, thuộc Trung đoàn 101 - Sông Lam, Sư đoàn 325 (nay là Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 101) được lệnh tấn công vào cao điểm 57 (đồi Phú Ân, An Cát Khê, huyện Gio Linh, Quảng Trị) nhằm tiêu diệt một đại đội Thủy quân lục chiến Mỹ. Trần Minh Nghĩa (sinh năm 1948) tại Gia Viễn, Ninh Bình, nhập ngũ tháng 5/1966, là chiến sĩ của Đại đội 11 tham gia trận đánh. Từ khi nhập ngũ, đây là trận đánh đầu tiên của anh và cũng là trận đầu tiên của Trung đoàn 101.

Trận đánh trên đồi Phú Ân năm 1967, Đại đội 11 là đơn vị chiến đấu chủ lực. Sau loạt hỏa lực mạnh, tiếng hô “xung phong” rền vang, cả Đại đội 11 xông lên như lũ cuốn, tiêu diệt 140 tên địch trong 10 hầm công sự. Trận đánh diễn ra chớp nhoáng rồi phải rút lui gấp vì pháo địch từ Cồn Tiên rót vào phản công. Sau đó, đại đội kiểm quân mới biết 7 đồng chí hy sinh và không thể đem thi thể về được. Trận đánh được toàn mặt trận đánh giá thắng lợi xuất sắc.

Sau trận đánh trên đồi Phú Ân, chiến sĩ Trần Minh Nghĩa tiếp tục tham gia chiến đấu ở nhiều mặt trận và đã anh dũng hy sinh trong trận đánh trên trục đường 13 ở Bình Long, Bình Phước vào ngày 6/6/1969. Do có thành tích xuất sắc trong chiến đấu, với 21 tuổi đời, 3 năm 1 tháng tuổi quân, Trần Minh Nghĩa đã được thăng quân hàm đại úy và chức vụ tiểu đoàn phó. Năm 2010, liệt sĩ Trần Minh Nghĩa được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Nặng lòng với đồng chí, đồng đội mình, nhiều năm về trước, người thương binh hạng 2/4, cựu chiến binh Lữ đoàn 101 Hải quân đánh bộ Phạm Văn Nghiêm (sinh năm 1949), quê quán Ninh Xuân, Gia Khánh, Ninh Bình đã có nhiều chuyến về Gio Linh, Quảng Trị thăm lại chiến trường xưa.

Sau nhiều lần xác định đúng vị trí nơi xảy ra trận đánh, cuối tháng 6/2011, ông Nghiêm tự tay thiết kế khu Bia tưởng niệm các đồng đội hy sinh tại trận đánh đồi Phú Ân. Trong khu Bia tưởng niệm, ở giữa là bài vị ghi công các anh hùng liệt sĩ, bên trái là đôi dòng khái quát về trận đánh Phú Ân, bên phải là danh sách 7 liệt sĩ của Đại đội 11, cùng danh sách các liệt sĩ Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 hy sinh trên chiến trường năm ấy.

Được sự giúp đỡ nhiệt tình của lãnh đạo, Nhân dân xã Hải Thái và doanh nghiệp đóng trên địa bàn, công trình Nhà bia tưởng niệm ghi danh các anh hùng liệt sĩ và truyền thống đơn vị tại đồi Phú Ân, xã Hải Thái, huyện Gio Linh đã được khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 (1947-2012).

Từ đây, Nhà bia tưởng niệm đã trở thành “nhà đồng đội”, để những cựu chiến binh may mắn được trở về sau chiến tranh có điều kiện gặp gỡ và tưởng nhớ những đồng đội của mình đã nằm lại nơi đây. Hai dòng câu đối phía cổng nhà bia tưởng niệm đinh ninh một lời tâm nguyện: “Liệt sĩ lưu danh, đất nước muôn đời luôn tưởng nhớ; Anh hùng ghi dấu, Nhân dân vạn thuở mãi tri ân”.

Đan Tâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/nhung-chien-cong-hien-hach-tren-chien-truong-quang-tri-193471.htm
Zalo