Những 'chiến binh' thầm lặng trên đường phố Hải Phòng
Hình ảnh những công nhân vớt rác, ngâm mình trong nước cống để khơi thông dòng chảy đã không còn quá xa lạ ở TP Hải Phòng.
Nghề làm "bạn" với rác, nước thải
Những năm qua, cùng với sự đổi mới, phát triển toàn diện của Hải Phòng, vấn đề thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố cũng ngày càng được chú trọng, nâng cao.
Để hệ thống thoát nước của thành phố luôn được thông suốt, công nhân thoát nước thậm chí phải ngâm mình hàng giờ đồng hồ trong lòng cống ngầm, lòng mương ngập rác, bốc mùi nồng nặc để nạo vét, hút bùn.
Trong điều kiện thời tiết bình thường, công nhân thoát nước đã phải rất nỗ lực. Vào những ngày rét mướt, đặc biệt là khi mưa lớn, bão gió, những khó khăn, vất vả ấy còn tăng lên gấp bội.
Ông Hứa Minh Hiếu, công nhân Xí nghiệp Thoát nước Lê Chân, đơn vị thành viên của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng (Công ty Thoát nước Hải Phòng) chia sẻ, ông làm nghề này được hơn 20 năm.
Ông Hiếu đã chứng kiến rất nhiều người vào nghề rồi lại từ bỏ vì công việc rất vất vả và ít người muốn theo đuổi.
“Tôi thường nói vui, nghề này là làm 'bạn' với rác và nước thải. Suốt thời gian gắn bó với nghề, không ít lần chúng tôi phải chui xuống cống ngầm, ngâm mình hàng giờ trong nước đen ngòm để khơi thông dòng chảy.
Dưới đó, đủ loại rác thải, từ kim tiêm đến mảnh chai vỡ, rải rác khắp nơi, rất nguy hiểm. Nhiều khi đã mặc đồ bảo hộ kín mít nhưng lúc thay ra, tôi vẫn thấy mùi hôi thối ám vào người", ông Hiếu tâm sự.
Ông Phạm Quang Quỳnh, Chủ tịch Công ty Thoát nước Hải Phòng cho biết, công ty hiện quản lý, vận hành, bảo dưỡng, bảo vệ, sửa chữa, nạo vét bùn toàn bộ hệ thống thoát nước của 4 quận (Ngô Quyền, Hồng Bàng, Lê Chân, Hải An), huyện An Dương, huyện Tiên Lãng,...
Hầu hết công việc của người lao động diễn ra ở ngoài trời. Một số tổ, đội, người lao động làm theo ca kíp do tính chất công việc phải thực hiện 24/24h như vận hành trạm bơm nước mưa, nước thải, cống ngăn triều,…
Khi mưa lớn gây ngập lụt, công ty sẽ huy động phương tiện, thiết bị, nhân lực để xử lý cho đến khi khắc phục xong. Do đặc thù công việc, nhiều công nhân phải làm việc dưới trời mưa, lạnh 3-4 tiếng đồng hồ.
Những lúc công việc kéo dài nhiều giờ, có công nhân chỉ kịp lót dạ bằng những chiếc bánh mỳ hoặc một nắm xôi rồi lại tiếp tục.
Chỉ mong làm đẹp cho đời
Ông Hiếu kể, lần đầu phải xuống cống, ông cảm thấy nghẹt thở vì mùi nước thải nên nôn thốc nôn tháo. Lúc đó, ông nghĩ mình không trụ nổi với nghề.
Nhưng rồi nghĩ đến gia đình, nghĩ đến trách nhiệm với cộng đồng, sự động viên của đồng nghiệp cũng như lãnh đạo công ty, ông đã vượt qua được và gắn bó với nghề đến tận ngày hôm nay.
"Tôi và các đồng nghiệp cảm thấy rất may mắn vì luôn nhận được sự quan tâm, động viên bằng hành động cụ thể của ban lãnh đạo công ty như trang bị đầy đủ vật dụng, chế độ bồi dưỡng độc hại, khám sức khỏe,...
Đôi khi, chỉ là câu thăm hỏi giản dị cũng là động lực lớn để tiếp thêm sức mạnh, giúp chúng tôi vững tin, tiếp tục gắn bó với nghề", ông chia sẻ.
Giờ đây, niềm vui lớn nhất đối với ông là nhìn thấy thành phố sạch đẹp hơn, không còn ngập lụt mỗi mùa mưa. Công việc cực khổ nhưng ông luôn nghĩ về giá trị của nó với tâm niệm: "Chỉ mong làm đẹp cho đời".
Nhiều người nói, những công nhân làm nghề thoát nước chính là những "chiến binh" thầm lặng.
Dù công việc vất vả, đôi khi không được nhiều người ghi nhận nhưng họ vẫn miệt mài lao động để giữ gìn, bảo vệ môi trường và sự an toàn cho cộng đồng.
Những cống hiến thầm lặng ấy càng khiến công việc họ đang gánh vác trở nên ý nghĩa và đáng tự hào.