Những chiếc xe đến từ Mỹ yêu thích của bạn sắp tới sẽ đắt hơn rất nhiều!
Nhiều người yêu thích các dòng xe đến từ Mỹ sẽ phải đối mặt với thực tế không mấy dễ chịu: nhiều mẫu xe 'đậm chất Mỹ' lại không thực sự được sản xuất tại Mỹ.
Mặc dù các tập đoàn xe hơi lớn của Detroit từng cạnh tranh với những thương hiệu đến từ Đông Á như Nhật Bản và nay là Trung Quốc, một số mẫu xe được sản xuất để đối đầu lại chính các đối thủ này lại không xuất xứ từ Dearborn, Flint, hay Toledo mà được lắp ráp tại quốc gia láng giềng Mexico.
Các nhà sản xuất như General Motors, Ford, và Stellantis đã tận dụng lợi ích từ Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) trước đây và Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) hiện tại để mở rộng sản xuất.
Tuy nhiên, Tổng thống đắc cử Donald Trump đang cân nhắc những thay đổi có thể vi phạm các nguyên tắc của các hiệp định đa phương này, bao gồm áp thuế cao đối với xe hơi nhập từ Mexico.
Mexico: bí mật lớn của ngành công nghiệp xe hơi Mỹ
Từ năm 1994, NAFTA đã mở đường cho sự hợp tác thương mại giữa Mỹ, Canada và Mexico bằng cách giảm thuế đối với nhiều mặt hàng, đặc biệt là ô tô. Hiệp định này được thiết kế để thúc đẩy kinh tế Mexico, tạo việc làm và giảm chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp Mỹ.
USMCA, được ký kết năm 2020 dưới thời Tổng thống Donald Trump, tiếp nối các nguyên tắc này nhưng yêu cầu 75% linh kiện ô tô phải được sản xuất tại Bắc Mỹ để đủ điều kiện miễn thuế.
Các công ty lớn như General Motors, Ford, và Stellantis đã tận dụng lợi thế này. Các mẫu xe như Chevy Silverado, Ford Bronco Sport, và dòng xe tải Ram đều được sản xuất tại các nhà máy ở Mexico. Các hãng xe châu Âu và Nhật Bản như BMW, Toyota, và Honda cũng đã xây dựng cơ sở sản xuất tại đây.
Chính sách mới: tác động và thách thức
Tuy nhiên, Tổng thống đắc cử Trump cho rằng Mexico đang trở thành “cửa sau” để các hãng xe lợi dụng quy định thương mại Mỹ. Ông Trump đề xuất áp thuế 100% lên tất cả các xe nhập từ Mexico nếu các nhà sản xuất không chuyển nhà máy về Mỹ. Ông khẳng định mục tiêu là bảo vệ ngành công nghiệp Mỹ và tạo thêm việc làm cho người dân trong nước.
Tuy vậy, các chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng chính sách áp thuế quy mô lớn có thể gây tác dụng ngược. Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng chỉ ra rằng việc này có thể dẫn đến suy giảm sản xuất nội địa, tăng tỷ lệ thất nghiệp và làm giảm khả năng cạnh tranh quốc tế của Mỹ.
Quan điểm từ Mexico
Bộ trưởng Kinh tế Mexico, ông Marcelo Ebrard, đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ các đề xuất này. Ông nhấn mạnh rằng mối quan hệ thương mại Mỹ-Mexico đóng vai trò quan trọng đối với cả hai nền kinh tế.
Ông Erbard cũng chỉ ra rằng nhiều công ty lớn của Mỹ đã đầu tư mạnh vào Mexico, và bất kỳ sự gián đoạn nào trong quan hệ này sẽ ảnh hưởng đến hàng nghìn doanh nghiệp.
Mexico đã dừng các chính sách khuyến khích đầu tư của Trung Quốc vào ngành công nghiệp xe hơi nước này nhằm giảm lo ngại về “cửa sau thuế”. Tuy nhiên, ông Ebrard cho biết ông dự kiến gặp gỡ Tổng thống đắc cử Trump để thảo luận vấn đề này trước khi ông chính thức nhậm chức.
Trong khi các chính sách thương mại mới đang gây tranh cãi, rõ ràng rằng sự phụ thuộc của ngành công nghiệp xe hơi Mỹ vào Mexico không dễ bị loại bỏ.
Những thay đổi có thể làm tăng giá xe hơi, gây ảnh hưởng lớn đến cả người tiêu dùng Mỹ lẫn các doanh nghiệp hai nước. Liệu các đề xuất của Tổng thống đắc cử Trump có mang lại lợi ích như mong đợi hay không, vẫn còn là một câu hỏi lớn.