Những chia sẻ về hành trình khởi nghiệp xanh

Trong kỷ nguyên công nghệ 4.0, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là 2 yếu tố không thể tách rời, đóng vai trò then chốt trong chiến lược phát triển bền vững. ĐBSCL, với tiềm năng lớn về nông nghiệp và năng lượng tái tạo, cần ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ mới, để nâng cao năng suất, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và xây dựng một hệ sinh thái sản xuất thân thiện với môi trường.

Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp (DN) và người dân tiếp cận với các công nghệ như: IoT, blockchain và thương mại điện tử (TMĐT). Từ đó, gia tăng giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường. Chuyển đổi xanh là xu thế, yêu cầu tất yếu để ĐBSCL bảo vệ môi trường tự nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu và gia tăng sức cạnh tranh toàn cầu.

Trong chuỗi hoạt động Diễn đàn Mekong Connect 2024, đã diễn ra chương trình giao lưu “Những câu chuyện - Hành trình khởi nghiệp xanh và kinh nghiệm thành công từ các Startup trong khu vực” và giao lưu quốc tế: Những kinh nghiệm thành công từ các DN khởi nghiệp trong thị trường khu vực. Tại diễn đàn, các chuyên gia, diễn giả đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về ứng dụng tự động hóa trong khởi nghiệp xanh; định hướng khởi nghiệp nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay; hành trình xây dựng mô hình du lịch (DL) xanh Net Zero, câu chuyện thành công; phát triển chuỗi sản phẩm từ tài nguyên bản địa gắn với sinh kế cộng đồng; xúc tiến thương mại đa kênh cho DN khởi nghiệp… Giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm đến từ các DN khởi nghiệp của các quốc gia trong khu vực ASEAN - cơ hội để các bạn trẻ khởi nghiệp học hỏi mô hình phát triển kinh tế bền vững, nâng cao giá trị thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế, thúc đẩy các dự án xanh sáng tạo và hiệu quả hơn trong tương lai.

Giao lưu “Những câu chuyện - hành trình khởi nghiệp”

Giao lưu “Những câu chuyện - hành trình khởi nghiệp”

Tại buổi giao lưu, ông Watcharapong Radomsittipat, Chủ tịch Hội đồng Phát triển sản phẩm thương mại OTOP Thái Lan đã kể câu chuyện về dự án OTOP đã biến trái sapoche (hồng xiêm) từ trái “bỏ đi” ở Thái Lan thành trái “hái ra tiền” - câu chuyện về dự án khởi nghiệp với trái sapoche và giành giải nhất quốc gia. Ông Watcharapong Radomsittipat chia sẻ: “Team OTOP đã vào nói chuyện với người nông dân xem có thể làm ra sản phẩm gì từ những trái sapoche mà không phải vứt đi. Đầu tiên, đơn giản là làm 1 hộp rất đẹp, bỏ những trái sapoche vào để bán theo hộp. Giá bán ban đầu 3.500 - 4.000 đồng/chục. Sau khi bỏ vào hộp, đã bán được 100 bath (tương đương 70.000 đồng). Để bán được giá là phải có thương hiệu, có câu chuyện, có nhãn mác của vùng miền. Từ đó, phát triển sản phẩm theo cách cao cấp hơn, làm thành kem sapoche. Một hộp kem sapoche bán được 50 bath (tương đương 35.000 đồng). Như vậy, 1 trái sapoche bán được giá 35.000 đồng. Khi đi thi, ý tưởng này đạt giải nhất của tỉnh và sau đó đạt giải nhất toàn quốc, với giải thưởng 80.000 bath (tương đương 56 triệu đồng)”.

Ông Watcharapong Radomsittipat phân tích: “Người nông dân không biết sản phẩm họ có giá trị. Chính phủ sẽ phải là người cho họ kiến thức để làm cho sản phẩm của họ có giá trị. Có 14 cách đưa các sản phẩm OTOP đến với thị trường, trong đó có một số kênh điển hình như bán ở các lễ hội chùa và cách nhanh nhất để kiếm tiền và đến với người tiêu dùng là gắn OTOP với du lịch, có shop bán OTOP trong các sự kiện…”

Các diễn giả, chuyên gia tại buổi tọa đàm giao lưu “Những câu chuyện - hành trình khởi nghiệp”

Các diễn giả, chuyên gia tại buổi tọa đàm giao lưu “Những câu chuyện - hành trình khởi nghiệp”

Ứng dụng tự động hóa trong hoạt động khởi nghiệp xanh, TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội tự động hóa Việt Nam chia sẻ vai trò của chuyển đổi số trong việc phát triển bền vững của ĐBSCL. Qua đó, kiến nghị cần đầu tư vào công nghệ: Ứng dụng các công nghệ, như: IoT, blockchain, TMĐT vào sản xuất và quản lý; xây dựng chuỗi cung ứng minh bạch, tăng cường truy xuất nguồn gốc sản phẩm; phát triển kinh tế xanh, kết hợp chuyển đổi số với chuyển đổi xanh để phát triển bền vững. “Cùng với phát triển nông nghiệp thông minh, TMĐT, mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản thông qua các nền tảng TMĐT, tận dụng tiềm năng năng lượng tái tạo phát triển kinh tế xanh và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp. Đây là quá trình, cơ hội để ĐBSCL phát triển bền vững”- TS. Nguyễn Quân nhấn mạnh.

Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông du lịch C2T Bến Tre Võ Văn Phong chia sẻ hành trình xây dựng mô hình DL xanh netzero đến giải thưởng quốc tế Kotler Awards 2024. Đây là DN kinh doanh DL duy nhất vùng ĐBSCL đạt giải thưởng này. Cụ thể, Netzero Tours Bến Tre nổi bật với tầm nhìn đột phá về DL bền vững, kết hợp giữa trải nghiệm DL thú vị và ý nghĩa, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, kết nối con người với thiên nhiên, xây dựng mô hình DL xanh tiên phong và đóng góp cho cộng đồng, môi trường.

Trưng bày triển lãm tại Diễn đàn Mekong Connect, sản phẩm mì và sữa gạo làm từ lúa mùa nổi thương hiệu Amana đón nhận nhiều sự quan tâm. Giám đốc Tập đoàn Khải Nam Trương Linh Ân (TP. Hồ Chí Minh) đã chia sẻ về mô hình lúa mùa nổi - nông sản bản địa với nhiều tiềm năng. Theo ông Ân, canh tác lúa mùa nổi giúp tăng khả năng trữ nước ngọt, cải thiện độ phì nhiêu của đất, đa dạng sinh học, nông dân có thêm sản phẩm sạch và thân thiện với môi trường; giải pháp thuận thiên, tạo thêm sinh kế mùa lũ cho nông dân. Tuy nhiên, việc mở rộng mô hình có nhiều thách thức về chi phí, kỹ thuật và đặc biệt là việc xây dựng thương hiệu.

Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Bến Tre, Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư Dừa Bến Tre (Beinco) Trần Văn Đức kiến nghị: Cần có chính sách phát triển toàn diện cây dừa, hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô, nâng tầm thương hiệu dừa Việt Nam trong nước và quốc tế và xây dựng cơ chế hợp tác - phát triển bền vững nông dân - DN.

“Ngoài Mekong Connect thường niên, có thể làm thêm các Mekong Connect theo chủ đề, như một cuộc “Mekong Connect xanh” riêng giữa những nhà công nghệ về hướng dẫn cho nông dân hoặc chia sẻ lại cách làm xanh hơn, sạch hơn. Thành lập câu lạc bộ các DN dẫn đầu nhưng riêng cho vùng; phối hợp các tổ chức nghiên cứu, như: VCCI Cần Thơ, Đại học Fulbrigh, để cho ra báo cáo hàng năm Mekong Report tập trung vào các vấn đề phát triển kinh tế của vùng Mekong”- Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đề xuất.

HẠNH CHÂU

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nhung-chia-se-ve-hanh-trinh-khoi-nghiep-xanh-a411923.html
Zalo