Những chi tiết đáng chú ý trong màn tranh luận giữa Trump - Harris

Cuộc 'so găng' đầu tiên trên truyền hình giữa hai ứng viên Tổng thống Mỹ là cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Tổng thổng Kamala Harris được đánh giá cân tài cân sức, đi thẳng vào các vấn đề cốt lõi thay vì sa đà vào công kích cá nhân.

Cái bắt tay phá tan gượng gạo

Điểm đáng chú ý nhất mà các hãng truyền thông Mỹ đều tập trung phân tích là ngay mở đầu cuộc tranh luận trên đài ABC News đêm 10/9 (theo giờ Mỹ tức sáng 11/9 theo giờ Việt Nam), nữ Phó tổng thống Kamala Harris đã nhanh chóng "phá băng", chủ động tiến tới phía ông Donald Trump, bắt tay với ông và giới thiệu mình.

Ông Trump và bà Harris bắt tay trước khi bước vào tranh luận (Ảnh: AFP).

Ông Trump và bà Harris bắt tay trước khi bước vào tranh luận (Ảnh: AFP).

Động thái của bà Harris được đánh giá cao vì đã giúp phá tan sự gượng gạo khi đây là lần đầu tiên hai ứng viên Tổng thống chạm mặt trực tiếp.

Đặc biệt, cử chỉ này thể hiện sự khác biệt lớn khi trong cuộc tranh luận trước đó trên kênh CNN, Tổng thống Mỹ Joe Biden và ông Trump từ chối bắt tay nhau.

Sau đó, bà Harris bày tỏ mong muốn có được cuộc tranh luận chất lượng với ông Trump. Đáp lại, ông Trump cũng hy vọng cả hai sẽ tranh luận một cách vui vẻ, thoải mái.

Màn bắt tay của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris (Nguồn: ABC News).

Đối đầu về chính sách ngoại giao

Bước vào cuộc tranh luận, hai bên thể hiện quan điểm riêng trong hàng loạt vấn đề từ kinh tế đến đối ngoại.

Về đối ngoại, liên quan đến cuộc chiến Israel – Hamas đang rất được quan tâm và cũng gây ra nhiều chia rẽ trên chính trường Mỹ, bà Harris cho biết, kể từ cuộc gặp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cuối tháng 7 đến nay, bà luôn thể hiện quan điểm trùng với quan điểm của Tổng thống Biden đó là cam kết ủng hộ mạnh mẽ đối với Israel.

Bà Harris nêu rõ, mục tiêu quan trọng hiện nay là phải giải thoát những con tin bị Hamas bắt giữ trong cuộc tấn công bất ngờ ngày 7/10/2023 vào Israel.

Nữ ứng viên cũng khẳng định Tel Aviv có quyền tự phòng vệ song cách thức phòng vệ như thế nào mới là vấn đề.

Cuộc tranh luận diễn ra tại Trung tâm Hiến pháp Quốc gia Philadelphia trong 90 phút, không có tài liệu và không có khán giả trực tiếp (Ảnh: ABC News).

Cuộc tranh luận diễn ra tại Trung tâm Hiến pháp Quốc gia Philadelphia trong 90 phút, không có tài liệu và không có khán giả trực tiếp (Ảnh: ABC News).

Phó Tổng thống Harris cũng bày tỏ cảm thông sâu sắc với những người Palestine đang chịu cảnh lầm than, đói khổ và phải tha hương tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn, nhiều người thậm chí phải đi di tản đến 3-4 lần và bà tuyên bố sẽ không im lặng.

Nữ ứng viên khẳng định nếu là Tổng thống, bà sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ liên minh giữa Mỹ và Israel đồng thời đảm bảo nước này có khả năng tự phòng vệ.

Còn cựu Tổng thống Trump cho biết ông từng gặp Thủ tướng Netanyahu trong tháng 7.

Tuy trước đây, ông Trump từng nhiều lần ca ngợi mối quan hệ thân thiết với ông Netanyahu và khẳng định ông là Tổng thống ủng hộ người Do Thái nhất trong lịch sử nhưng sau vụ tấn công của Hamas vào Israel, ông Trump không ngần ngại chỉ trích ông Netanyahu về cách xử lý vấn đề trong cuộc chiến.

Cựu Tổng thống Mỹ đánh giá cả Israel và Thủ tướng Netanyahu đều thiếu sự chuẩn bị trước vụ đột kích của Hamas.

Trong cuộc tranh luận này, cựu Tổng thống Trump kêu gọi người Mỹ phải để Israel tự kết thúc vấn đề.

Bà Harris được đánh giá là khá bình tĩnh và biết cách chọn thời điểm công kích đối thủ (Ảnh: Reuters).

Bà Harris được đánh giá là khá bình tĩnh và biết cách chọn thời điểm công kích đối thủ (Ảnh: Reuters).

Liên quan đến vấn đề Afghanistan, nữ Phó Tổng thống cho biết bà ủng hộ quyết định rút quân khỏi Afghanistan của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào năm 2021.

"Đã có 4 Tổng thống Mỹ từng nói sẽ rút quân và ông Biden đã làm được điều này", bà Harris nói và cho rằng nhờ đó người dân Mỹ không còn phải đóng thuế để nuôi một cuộc chiến kéo dài.

Sau đó bà Harris chỉ trích cách ông Trump hành xử trong các vấn đề quốc tế và cho rằng chính ông Trump đã bỏ qua chính quyền hợp pháp tại Afghanistan và đàm phán trực tiếp với tổ chức khủng bố Taliban; gọi thỏa thuận giữa ông Trump và Taliban là thỏa thuận yếu kém nhất.

Đáp lại, ông Trump tuyên bố ông là người hoàn toàn khác biệt so với ông Biden. Ông sẵn sàng sa thải những người không làm được việc trong khi chính quyền Tổng thống Biden chưa từng sa thải ai.

Theo ông Trump, chính quyền của đảng Dân chủ lẽ ra phải sa thải những người giải quyết vấn đề Afghanistan, đặc biệt là quyết định sai lầm chết người khi Mỹ phải vội vàng rút quân khỏi nước này hồi tháng 8/2021.

Sau đó, ông Trump viện dẫn hàng loạt những vấn đề kinh tế mà nước Mỹ phải đối mặt, đặc biệt là vấn đề lạm phát và nêu rõ chính quyền ông Biden thậm chí không sa thải bất kỳ nhà kinh tế học nào trong suốt nhiệm kỳ.

Đề cập đến cuộc xung đột tại Ukraine, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa tuyên bố chắc nịch rằng có thể giải quyết cuộc xung đột này chỉ trong vòng 24 giờ nếu tái đắc cử.

Khi được hỏi về việc liệu ông có muốn Ukraine giành chiến thắng, ông Trump nhấn mạnh ông muốn kết thúc cuộc chiến và khẳng định cả ông có quan hệ tốt đẹp với cả 2 nhà lãnh đạo Nga và Ukraine.

Theo ông Trump lợi ích lớn nhất của Mỹ là chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine thông qua đàm phán để không còn ai bị cướp đi sinh mạng.

Trong khi đó, bà Harris cho biết bà đã có vài lần gặp gỡ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và nhấn mạnh Mỹ cần sát cánh với Ukraine với tư cách là quốc gia đi đầu duy trì việc tuân thủ các chuẩn mực và nguyên tắc quốc tế.

Theo bà Harris, các đồng minh trên thế giới của Mỹ đều ủng hộ và trông cậy vào năng lực của Mỹ trong việc bảo vệ các đồng minh và chống lại địch thủ.

So kè từng số liệu kinh tế

Liên quan đến vấn đề kinh tế, bà Harris khẳng định các nhà kinh tế lớn tại Mỹ đều tin tưởng các kế hoạch của bà có thể giúp nền kinh tế Mỹ tăng trưởng trong khi điều ngược lại sẽ xảy ra nếu nước Mỹ thi hành các chính sách kinh tế của ông Trump.

Bà dẫn lại chỉ số, nhận định mà nhiều tổ chức uy tín từng đưa ra. Chẳng hạn, Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs trong bài phân tích tuần qua đã đánh giá các chính sách kinh tế của ông Trump, đặc biệt là về thương mại sẽ khiến kinh tế Mỹ suy giảm trong năm 2025. Trong khi đó, các đề xuất của bà Harris sẽ giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng.

Trong khi đó, ông Trump vẫn theo đuổi chiến lược công kích đối thủ mạnh mẽ (Ảnh: Reuters).

Trong khi đó, ông Trump vẫn theo đuổi chiến lược công kích đối thủ mạnh mẽ (Ảnh: Reuters).

Trong khi đó, theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, đề xuất đánh thuế từ 10-20% cho hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, còn hàng Trung Quốc chịu mức thuế 60%, sẽ khiến mỗi người dân Mỹ chịu tổn thất thêm 2.600USD mỗi năm.

Ngoài ra, đề xuất trục xuất từ 10-20 triệu người nhập cư trái phép của ông Trump có thể khiến Mỹ chịu cú sốc lạm phát lớn. GDP của Mỹ sẽ giảm xuống 2,1 điểm phần trăm với số lượng người bị trục xuất lớn đến vậy.

Đáp lại ông Trump chỉ trích tỷ lệ lạm phát dưới thời chính quyền Tổng thống Biden là cao nhất trong gần 40 năm qua với chỉ số CPI cao nhất ở mức 9,1% trong tháng 6/2022.

Trong khi đó, theo ông Trump trong thời gian ông nắm quyền, tỷ lệ lạm phát gần như không có hoặc rất thấp chỉ ở mức 1,4% vào tháng 1/2021, thời điểm ông Trump rời nhiệm sở.

Liên quan đến vấn đề thất nghiệp, bà Harris chỉ trích ông Trump đã để lại một chính quyền với tỷ lệ thất nghiệp ở mức tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái giai đoạn 1929-1939.

Tuyên bố này được đánh giá là có phần hơi quá lời bởi vào tháng 1/2021, khi ông Trump rời nhiệm sở, tỷ lệ lạm phát theo số liệu thống kê của Sở Lao động Mỹ là 6,4% thấp hơn đáng kể so với mức 14,8% vào tháng 4/2020 thời điểm đại dịch Covid-19 đang hoành hành ở Mỹ.

Ông Trump tự tin bà Harris đã bị đánh bại

Kết thúc tranh luận, khác với màn bắt tay khá thân thiện khi bắt đầu, cả ông Trump và bà Harris đều không có tương tác với nhau. Họ chỉ cảm ơn 2 người dẫn chương trình và đi thẳng ra ngoài.

Đánh giá bên lề, nhóm của bà Harris cho biết họ khá hài lòng với màn tranh luận lần này khi Phó tổng thống dường như chiếm ưu thế và nêu rõ được quan điểm trong các vấn đề kinh tế, đối ngoại và nhiều lần khiến ông Trump rơi vào bẫy.

Trong khi đó, ông Trump được đánh giá là bám sát những điểm mạnh trong các cuộc tranh luận trước đây như công kích những điểm yếu của đối thủ, tập trung vào những vấn đề là thế mạnh của ông như kinh tế, nhập cư và chính sách đối ngoại.

Cựu Tổng thống Mỹ đặc biệt hài lòng với cuộc tranh luận lần này và gọi đó là cuộc tranh luận tốt nhất mà ông từng thực hiện. Ông Trump thậm chí còn đánh giá bà Harris đã bị đánh bại trong màn "so găng" lần này và chắc chắn sẽ muốn có thêm một cuộc tranh luận nữa.

Khánh An

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nhung-chi-tiet-dang-chu-y-trong-man-tranh-luan-giua-trump-harris-192240911104658053.htm
Zalo