Những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau

Trong suốt cuộc đời cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác rèn luyện, giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ nhằm kế thừa sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quan điểm này thể hiện rất rõ ràng trong nhiều bức thư, buổi nói chuyện của Người đối với thanh niên. Trong Di chúc, Bác viết: 'Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết'.

Kỳ 1: THANH NIÊN PHẢI CÓ ĐỨC, CÓ TÀI

Bác cho rằng: “Thanh niên là bộ phận tiêu biểu cho sức nắm bắt cái mới và sức sống lâu dài của một dân tộc. Vì thế, thanh niên phải có đức, có tài. Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két(1) thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa”.

Hồ Chí Minh quan niệm: Thanh niên là bộ phận tiêu biểu cho sức nắm bắt cái mới và sức sống lâu dài của một dân tộc. Năm 1925, Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đây chính là tổ chức tiền thân của Đảng ta. Sau khi Đảng ta ra đời, ngay tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ hai, từ ngày 20 đến ngày 26/3/1931, đã quyết định thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Trong Thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết sắp đến, Bác kêu gọi: “Hỡi thanh niên và nhi đồng yêu quý! Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội. Vậy qua năm mới, các cháu phải xung phong thực hành “đời sống mới”. Đời sống mới là: Hăng hái, kiên quyết, không sợ khó, không sợ khổ. Phải siêng học, phải siêng làm, phải tiết kiệm. Việc nên làm (như ủng hộ kháng chiến, tăng gia sản xuất) thì ta không chờ ai nhắc nhủ. Việc nên tránh (như tự tư tự lợi) thì ta không đợi ai ngăn ngừa. Bác cũng căn dặn, chúng ta thực hành đời sống mới để trở nên những công dân mới, xứng đáng với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa(2).

Bác Hồ với Thanh niên (Ảnh tư liệu)

Nói chuyện tại buổi lễ khai mạc Trường Đại học Nhân dân Việt Nam, ngày 19/1/1955, Người nêu: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?. Thanh niên cần phải có tinh thần và gan dạ sáng tạo, cần phải có chí khí hăng hái và tinh thần tiến lên, vượt mọi khó khăn, gian khổ để tiến mãi không ngừng. Cần phải trung thành, thật thà, chính trực. Những điều nên chống: Thanh niên cần phải chống tâm lý tư lợi, chỉ lo lợi ích riêng và sinh hoạt riêng của mình. Chống tâm lý ham sung sướng và tránh khó nhọc. Chống thói xem khinh lao động, nhất là lao động chân tay. Chống lười biếng, xa xỉ. Chống cách sinh hoạt ủy mị. Chống kiêu ngạo, giả dối, khoe khoang”(3).

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, thanh niên là một bộ phận quan trọng của dân tộc, là một lực lượng xã hội to lớn, một trong những nhân tố quyết định vận mệnh, tương lai lâu dài của dân tộc; là lực lượng chủ yếu trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, v.v., đảm nhiệm những công việc đòi hỏi hy sinh, gian khổ, sức khỏe, sáng tạo để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để thanh niên hoàn thành sứ mệnh là lực lượng cơ bản và xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và kế thừa sự nghiệp cách mạng của những người đi trước, Hồ Chí Minh hết sức coi trọng công tác giáo dục, bồi dưỡng chính trị, tư tưởng, đạo đức cho thanh niên. Đoàn cần giúp Đảng làm cho thanh niên có đủ bản lĩnh chính trị, trình độ, trí tuệ, sức sáng tạo để kế tục và tiếp sức thế hệ đi trước trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Bác cho rằng, muốn xứng đáng là những người đi đầu và giành thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thanh niên phải được đào tạo và có tinh thần tự giáo dục, tự rèn luyện bản thân trong thực tiễn để có đạo đức cách mạng và bản lĩnh chính trị vững vàng. Trong xã hội hiện đại, cuộc đấu tranh tư tưởng diễn ra hết sức phức tạp, cho nên Hồ Chí Minh mong muốn thanh niên biết phân biệt rõ phải với trái, bạn với thù ngay ở trong xã hội, trên thế giới, cũng như ngay trong chính bản thân mình để hành động đúng theo chân lý và lẽ phải.

Đặc điểm của thanh niên là những người ở độ tuổi sung sức nhất về thể chất và trí tuệ, luôn năng động, sáng tạo, muốn tự khẳng định mình. Cho nên, Người khuyên thanh niên: cần phải có tinh thần gan dạ và sáng tạo, cần phải có chí khí hăng hái và tinh thần tiến lên, vượt mọi khó khăn, gian khổ “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”(4) để tiến bộ mãi không ngừng.

Trong việc đào tạo, giáo dục thanh niên học sinh, Hồ Chí Minh vạch rõ cần thực hiện nguyên tắc: “Trường học, gia đình và đoàn thể thanh niên phải liên hệ chặt chẽ trong việc giáo dục thanh niên”(5). Cả trường học, gia đình và đoàn thể thanh niên đều cần phải chú ý phối hợp giáo dục tư tưởng, thái độ, hoạt động và sinh hoạt hằng ngày của thanh niên, kịp thời khuyến khích biểu dương những gương người tốt, việc tốt, đồng thời uốn nắn, sửa chữa những lệch lạc của thanh niên. Thanh niên phải chuyên tâm học hành và công tác, nhưng cũng cần có vui chơi. Vui chơi lành mạnh là việc cần được chú ý trong sự sinh hoạt của thanh niên.

Để củng cố, giữ vững lập trường yêu nước, cách mạng và tiến bộ của thanh niên, cần đổi mới nội dung và phương thức đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, truyền thống văn hóa, lịch sử của Đảng và dân tộc cho thanh niên. Chú trọng giáo dục đoàn viên, thanh niên qua hoạt động thực tiễn và các phong trào thi đua yêu nước. Khuyến khích bản thân mỗi đoàn viên, thanh niên ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu vươn lên để đảm đương những công việc quan trọng, khó khăn trong thời kỳ mới.

Hồ Chí Minh cho rằng, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thanh niên không thiếu gì nơi hoạt động, không thiếu gì công việc làm. Chính kết quả thực hiện chức trách, bổn phận và nhiệm vụ công tác hằng ngày của mỗi thanh niên là một thước đo căn bản phẩm chất, năng lực của mỗi thanh niên. Tài và đức, bản lĩnh chính trị, trí tuệ sáng tạo của thanh niên phải được thể hiện bằng hành động cụ thể trong các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực.

Trong điều kiện thời bình, Người kêu gọi thanh niên dám xung phong đến những nơi khó khăn, gian khổ nhất, đem tinh thần, sức mạnh và trí tuệ của thanh niên giải quyết thành công những công việc khó khăn nhất. “Thanh niên phải xung phong đến những nơi khó khăn gian khổ nhất, nơi nào người khác làm ít kết quả, thanh niên phải xung phong đến làm cho tốt. Xưa kia, lớp thanh niên trước xung phong làm cách mạng, kháng chiến, trải qua rất nhiều gian nan, nguy hiểm, có khi bị tù đày, tra tấn, có khi bị thương tật, chết chóc để cho cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi. Ngày nay, tuy một nửa nước ta đã được giải phóng, nhưng lớp thanh niên cũng phải xung phong đến những nơi khó khăn để xây dựng chủ nghĩa xã hội”(6). Người chỉ rõ thanh niên cần xung phong, “Cần phải làm đầu tàu, làm gương mẫu trong phong trào thi đua yêu nước. Phải thực hiện khẩu hiệu “Đâu Đảng cần thì thanh niên có, việc gì khó thì thanh niên làm”(7). Nếu thanh niên hăng hái tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội thì vai trò xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ được phát huy mạnh mẽ. Chính trong các phong trào thi đua yêu nước, thanh niên tự rèn luyện, tìm được và khẳng định lý tưởng sống cao đẹp cho mình.

TRỌNG NHÂN (còn tiếp)

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN

(1) Lấy cắp tiền trong quỹ công do mình giữ (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, Nxb Đà Nẵng, Trung tâm Từ điển học năm 2011, tr.1242).

(2) Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1958, t.1, tr.69.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2011, t.9, tr.265.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.276.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.266.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.470-471.

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.90.

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/hoc-tap-va-lam-theo-tu-tuong--dao-duc--phong-cach-ho-chi-minh/202505/nhung-chi-dan-cua-chu-tich-ho-chi-minh-ve-boi-duong-the-he-cach-mang-cho-doi-sau-9490e58/
Zalo