Những cây bàng hiên ngang trong ngục Hỏa Lò
Ở Hà Nội có rất nhiều con phố trồng cây bàng. Nhưng có lẽ những cây bàng trong Di tích Nhà tù Hỏa Lò là đặc biệt hơn cả. Bởi loài cây ấy mang theo ký ức về một cuộc đấu tranh nơi ngục lửa, là bạn đồng hành của biết bao chiến sĩ cách mạng kiên trung bị tù đày. Dù cảnh vật đã đổi thay, nhưng dấu tích thời gian vẫn in hằn trên thân cây hiên ngang đầy sức sống...
1. Chẳng phải ngẫu nhiên mà cây bàng lại có mặt trong khuôn viên Trại giam Hỏa Lò. Từ trước những năm 1930, những tù nhân ở Hỏa Lò phải lao dịch ở tòa án đã bứng về một cây bàng non, xin được trồng trong sân nhà tù để lấy bóng mát. Sau đó, giám ngục cho trồng thêm những cây bàng tại sân trại.
Những tài liệu và ảnh tư liệu về nhà tù Hỏa Lò cho thấy bóng bàng xanh um ở khu bể tắm tập thể của nam tù nhân. Theo quy định của nhà tù, vào mùa hè tất cả tù nhân bắt buộc phải tắm, nhưng sự thật là họ bị "bắt buộc" tắm mỗi tuần 1 lần theo kiểu chẳng giống ở đâu. Hàng trăm tù nhân bị lùa ra tắm trong thời gian 15 phút, thành ra phải tắm chớp nhoáng, vội vàng. Anh em tù thường gọi là "tắm khô".
Mùa đông năm 1943, tù nhân đấu tranh đòi tăng thời gian tắm và lượng nước tắm vì mỗi người chỉ được 3 gáo dừa để tắm và giặt. Giám ngục buộc phải đồng ý nhưng bắt tù nhân tắm vào quãng 5 giờ sáng trong thời tiết giá lạnh. Hệ quả tất yếu là nhiều tù nhân bị cảm lạnh, viêm phổi.

Những cây bàng tỏa bóng tại khu bể tắm tập thể của nam tù nhân trong Trại giam Hỏa Lò.
Chế độ ăn của tù nhân được thực hiện theo phương thức đấu thầu. Nhà thầu sẽ cung cấp bữa ăn cho tù nhân, khẩu phần bị cắt xén, còn chất lượng vô cùng tệ. Gạo thì mốc lẫn sạn, ăn vừa nhạt vừa đắng. Vào chủ nhật, tù nhân được ăn cải thiện một bữa thịt lợn, thường là lợn sề hay thịt bạc nhạc. Tuần ba bữa thịt trâu già luộc quá lửa dai như quai guốc cao su. Phổ biến là những bữa cá mè ranh, cá dầu để cả ruột luộc với tương, đậu phụ luộc, cá khô đã bị ép hết dầu, phần nhiều còn bị mốc có dòi. Rau thì tùy theo mùa, rau cần, cải củ, bầu bí luộc hay rau muống già dài như dải rút là chủ lực. Mỗi lập là cơm có một miếng cháy đựng muối cùng với thức ăn để trên mặt cơm.
Sau nhiều cuộc đấu tranh đòi cải thiện bữa ăn, chống rau già, cá ươn, tù nhân được tham gia vào việc nấu ăn, chia cơm. Các chị em bên trại nữ đã tranh thủ thời gian, cố gắng nhặt bớt sạn, cục cơm chua, gỡ những con cá khô, xé từng miếng thịt trâu "quai guốc", nhặt những ngọn rau muống ở bè rau "dải rút" mong sao bữa cơm tù bớt khổ cực để chăm lo sức khỏe đồng đội.
Nước uống dành cho tù nhân được lấy trực tiếp từ vòi sắt vào các thùng phuy lớn đặt ở đầu hành lang các khu trại giam. Thi thoảng, để giảm mùi tanh, nhà bếp cho thêm lá vối già vào thùng nước uống cho anh em. Mùa hè, nước uống vô cùng thiếu thốn nên một số tù nhân đã nảy ra sáng kiến mặc thêm bên trong bộ quần áo tù nhân một chiếc áo bông mỏng để thấm mồ hôi, vắt ra làm nước uống. Đôi khi, những tù nhân án nhẹ làm công việc dọn vệ sinh trong các phòng giam thương anh em tù chính trị đã bớt lại một ít nước trong thùng vệ sinh mang về phòng cho anh em.
Ăn uống đã khổ, mặc cũng cực không kém. Mỗi tù chính trị được cấp 2 bộ quần, áo bằng vải thô trắng, bộ cộc dùng cho mùa hè, bộ dài dùng cho mùa đông trên có in chữ MC màu đen (viết tắt của chữ Maison Centrale - tên tiếng Pháp của nhà tù). Quần áo sử dụng vải kém chất lượng, lại thường ngắn và chật so với khổ người nên chỉ qua vài lần mặc đã bục chỉ. Bằng sự khéo léo, chị em đã sửa lại quần áo để giữ được lâu và lành lặn. Quần được nối dài thêm, áo mở khuy, khâu lại đường may và thêm túi. Vào mùa đông, thời tiết lạnh buốt, chị em mặc hết quần áo vào người nhưng cũng không đủ ấm. Ban đêm họ nằm sát lại và ôm chặt lấy nhau, lồng chăn chiếu đắp hết lên người.
Với anh em tù thì vô cùng khó khăn, quần áo cũ mục nát không mấy lúc mà rách, vì thế phần đông tù nam phải ở trần. Mùa hè đã khổ, mùa đông đến luôn phải nghĩ cách để chống chọi với cái lạnh thấu da cắt thịt trong nhà tù, sao cho không bị cảm lạnh, không bị sưng phổi.
Chế độ ăn uống, sinh hoạt hà khắc, đọa đầy đã khiến sức khỏe của họ ngày càng suy kiệt. Những cây bàng đã âm thầm giúp người tù vượt qua những khắc nghiệt trong chốn ngục tù. Lá bàng là nguồn dược liệu quý. Mỗi khi được ra sân, tù chính trị thường tìm cách hái vội những búp bàng non hay lá bánh tẻ, giấu trong người hay ngậm trong miệng để đem về phòng giam chia cho bạn tù. Lá bàng non dùng để chữa kiết lị, tiêu chảy. Lá bàng bánh tẻ thì hơ nóng rồi chườm lên vết thương cho bớt đau nhức, mưng mủ.
Với tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò, quả bàng là "thần dược", là nguồn "vitamin", "thuốc bổ hồi sinh". Quả bàng chín được để dành, bồi dưỡng cho những người tù đau ốm, cần sớm phục hồi sức khỏe. Đồng chí Nguyễn Sỹ Huynh đã từng trải qua trận ốm rất nặng. Nhờ được chăm sóc bằng thuốc điều trị và được ăn những quả bàng chín, sức khỏe của ông được cải thiện rõ rệt. Đồng chí Nguyễn Đậu Tân bị phù chân, không thể đi lại, sau một thời gian được ăn rau giá làm từ đỗ xanh và quả bàng chín, thì hết tê phù, đi lại bình thường.
Ở tù khổ cực, nhiều nữ tù nhân thèm trầu cau đến cồn cào mà không có. Các chị đành hái lá bàng, xé ra, quệt một ít vôi tường rồi cuộn vào lá bàng ăn cho đỡ thèm. Khi có người ốm, chị em phải lấy cơm tù cho vào ống bơ nấu cháo. Chẳng có củi, họ lấy vụn vải cũ, chăn cũ, rổ rá rách và lá bàng khô để đun.
Tận dụng thời gian được ra sân, tù chính trị thường có những cuộc hội ý chớp nhoáng dưới gốc bàng. Họ bàn bạc về việc thành lập chi bộ, hình thành các tổ chức quần chúng, đề ra các kế hoạch, phương án đấu tranh trong tù. Gốc bàng chẳng những được chọn là nơi đặt hòm thư bí mật mà còn là "sân bay" của những chuyến "hàng" từ đường phố đáp vào. Địa điểm được chọn làm "sân bay" nhiều lần nhất chính là cây bàng trong sân trại nữ, gần nhà để máy chém, gần tường giam ở góc phố Thợ Nhuộm giúp người bên ngoài xác định vị trí bên trong nhà tù để ném đồ. Có lần người bên ngoài ném qua tường giam cho anh em tù cả thư chúc tết, bánh kẹo, thuốc lào để anh em bí mật liên hoan mừng xuân.
2. Ở nơi thiếu thốn mọi thứ, "cái khó ló cái khôn", những chiến sĩ cách mạng vẫn cần mẫn, sáng tạo từ những thứ quanh mình để sinh tồn và đấu tranh. Qua bàn tay khéo léo của họ, cành bàng rụng xuống được đẽo, gọt thành tẩu thuốc, quản bút, đũa ăn cơm, thậm chí còn trở thành nhạc cụ.
Nhạc sĩ Đỗ Nhuận - tù chính trị tại Hỏa Lò năm 1943 - 1944 trong hồi ký đã nhắc tới kỉ niệm với cây bàng: "Dạo ấy, nhiều đồng chí gọi tôi là thằng Tiêu. Tôi ngắm nghía cây bàng, rồi đề nghị với Ban hàng trại cho tôi làm một ống tiêu. Anh Đỗ Mười đồng ý với đề nghị này của tôi, phân công một đồng chí nhân lúc ra sân tắm, vắng mặt quản đề lao, trèo lên cây, chọn một cành bàng thẳng, bẻ xuống, ném cho tôi. Tôi vội bắt lấy, vặt hết lá, đem vào trại giấu biến, rồi ngày ngày kỳ công, dùng lưỡi dao cạo bổ dọc cành bàng, khoét rỗng ruột, phơi khô, gọt nhẵn, sau đó gắn hai mảng lại bằng đường trộn vôi, có quấn chỉ quanh ống và dùng lưỡi dao trổ khoét lỗ làm thành ống tiêu dùng thổi trong buổi biểu diễn văn nghệ…".
Đến nay, Di tích Nhà tù Hỏa Lò chỉ còn một cây bàng gần trăm tuổi trụ lại từ thời kỳ lịch sử đau thương. Gần 100 năm trôi qua, cây bàng vẫn bật mầm vào mùa xuân, xanh mát lúc hè sang, sắc lá ngả vàng khi thu đến để mùa đông chuyển đỏ. Vượt qua sự khắc nghiệt của khí hậu, thời gian, bàng là minh chứng cho sức sống mãnh liệt, ý chí bất diệt của những chiến sĩ yêu nước cách mạng trong Nhà tù Hỏa Lò năm xưa.

Du khách nước ngoài chăm chú tìm hiểu về Di tích Nhà tù Hỏa Lò.
Đầu xuân 2001, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội đã đến thăm hỏi các cựu tù chính trị và tham quan Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Tổng Bí thư đã trồng cây bàng kỉ niệm trong sân trại nữ. Hơn 20 năm trôi qua, cây bàng non ngày nào giờ đã cao lớn, tỏa bóng sum suê.
Từ hạt của cây bàng gần trăm tuổi tại Hỏa Lò, một thế hệ bàng non đã được ươm mầm trong không gian Di tích. Những cây bàng non thừa hưởng sức sống bền bỉ của cây bàng trăm tuổi, mỗi ngày thêm lớn, tiếp nối "sứ mệnh" phủ bóng mát xanh tại nơi từng được coi là ngục lửa. Không chỉ thế, trân quý những tán bàng được coi là "người bạn tình nghĩa" của bao thế hệ tù chính trị, nhằm lan tỏa những ký ức thời hoa lửa, các sản phẩm lưu niệm, những đặc sản từ bàng đã ra đời. Trà bàng lá nếp, bánh lá bàng, thạch bàng, chè bất khuất... đều mang ý nghĩa riêng, chỉ Di tích Nhà tù Hỏa Lò mới có.
Bàng ở Hỏa Lò, bàng ở nhà tù Côn Đảo, bàng ở khắp làng mạc, đường phố, hải đảo Việt Nam. Dù ở đâu bàng cũng là loài cây bình dị, bất chấp khắc nghiệt, bão giông, luôn mạnh mẽ vươn lên và tỏa bóng...