Những câu thơ hoang đàng, riết róng mà hiền hậu…

Nhà báo, nhà thơ Võ Văn Trường đang công tác tại Báo và Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng. Nghề báo bận rộn nhưng Võ Văn Trường vẫn dành tâm huyết cho thơ văn với những tác phẩm ít nhiều để lại ấn tượng trong lòng bạn đọc.

Nhà thơ, nhà báo Võ Văn Trường trong một chuyến tác nghiệp.

Nhà thơ, nhà báo Võ Văn Trường trong một chuyến tác nghiệp.

1. Sau khi tốt nghiệp cử nhân Ngữ văn - Trường Đại học
Khoa học Huế, Võ Văn Trường đầu quân cho Báo Công an Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ). Được một thời gian, anh về làm phóng viên Đài Truyền thanh huyện Điện Bàn. Sau khi tỉnh Quảng Nam tái lập (1997), Võ Văn Trường về làm truyền thông của Ủy ban Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tỉnh. Nghề báo là cơ duyên, anh chuyển sang làm phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh.

Võ Văn Trường phát huy sở trường và các tố chất của một người học ngữ văn hành nghề báo, mơ mộng viễn du qua các vần thơ, trang văn. Nghiệp báo của anh thành công với những giải thưởng báo chí uy tín trong và ngoài tỉnh mà anh có vai trò quan trọng trong ê-kíp sản xuất: Giải thưởng báo chí Quốc gia liên tiếp trong các năm 2012, 2013, 2014; giải Đặc biệt Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng năm 2014 - 2015, Huy chương Vàng tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc (LHTHTQ) lần thứ 37 - năm 2018, Huy chương Bạc tại LHTHTQ lần thứ 38 - năm 2019…

Võ Văn Trường từng bộc bạch: "Theo nghề làm báo, bản thân tôi rút ra được vài kinh nghiệm trong khai thác tư liệu về một nhân vật lịch sử nào đó, nhất là những nhân vật hiện có vị trí xã hội, thời gian tiếp xúc ngắn. Vậy làm thế nào để có được những thông tin mới so với những bài báo người khác đã viết, để không là "bình mới rượu cũ", cách tốt nhất là mình tự tìm hiểu trước về nhân vật, cụ thể là những điều cần khai thác. Khi có điều kiện gặp gỡ chỉ cần xin phép được đặt câu hỏi ngay vấn đề đó". Và anh "thực nghiệm" cách làm báo ấy trong quá trình đi tìm lại những mảng ký ức chiến tranh - mảng đề tài không nhiều nhà báo theo đuổi. Vì thế, những ghi chép, bút ký, phóng sự… của anh nóng hổi tính thời sự nhưng cũng đẫm chất văn chương và tính nhân văn sâu sắc. Tất cả những câu chuyện, tư liệu trong quá trình tác nghiệp mảng đề tài này Võ Văn Trường tập hợp trong tập sách "Kỷ vật của cha" (NXB Văn học, tháng 1- 2017). Nhận xét về tập sách "Kỷ vật của cha", nhà báo Nguyễn Hữu Đổng viết: "Tác giả đã không dụng công nhiều về chữ nghĩa, dù Võ Văn Trường còn có khả năng làm thơ, viết tạp văn. Có lẽ sự thô mộc cũng như dòng suối nguyên sơ, để giữ độ chân xác mà tác phẩm báo chí cần có. Từ ký ức chảy đến hôm nay, dòng suối ấy khiến cho ta gặp gỡ quá khứ trong thời hiện tại(…). Hồi quang ký ức chủ yếu là câu chuyện cảm động về đồng chí, đồng đội, về những nghĩa tình khó quên".

2. Tiếp tục những "hồi quang ký ức", nhà
thơ, nhà báo Võ Văn Trường ra mắt tập thơ "Miền cư xá" (NXB Văn học, tháng 6-2017). Với thơ, anh có "tuyên ngôn": "Những người đàn ông làm thơ/ Bên ngoài mưa bão, áo cơm/ Bên ngoài công danh, sự nghiệp/ Bên ngoài lọc lừa, dối trá, gian manh" (Uống rượu ). Thơ của Võ Văn Trường tiếp nối những ký ức, da diết, đắm đuối, mẫn cảm và đa đoan. Giới thiệu tập thơ này, tác giả Bảo Anh viết: "Sau hơn 20 năm quăng quật cùng cơm áo, thơ của Võ Văn Trường vẫn giữ giọng xưa. Giọng xưa nhưng hình hài thì đã khác. Những "nhát cắt" của chữ trong thơ Trường dường như sắc hơn, ngọt hơn. Cứ thế, Trường bày mở tâm hồn mình bằng những câu thơ đẹp đong đầy nhớ thương, bằng những câu thơ hoang đàng mà hiền hậu, bằng những câu thơ riết róng mà dịu êm…".

Tập thơ "Sương khói bên trời".

Tập thơ "Sương khói bên trời".

Tập tản văn "Khoảng sân đất" (NXB Văn học, tháng 6-2018) - tập sách thứ 3 là "món quà" nhà báo Võ Văn Trường gửi đến những người thân yêu, những đồng nghiệp và độc giả. Với "hồi quang ký ức", tản văn của Võ Văn Trường đưa người đọc về với làng xưa để nghe hương bùn quen - lạ, để rạo rực cùng tiếng ếch đồng sau cơn mưa đầu hạ, để nhớ những buổi cùng trẻ con nhủi cá trên gốc rạ, và để nghe rơm rạ mùa phảng phất đâu đó dưới rặng tre xanh với chén cơm trắng dẻo thơm ký ức mắm cái tương cà… Như lời tác giả viết: "Những bài viết trong tập sách là những cảm xúc, suy nghĩ chợt đến chợt đi giữa thường nhật bộn bề cơm áo, bản thân viết ra như sự giãi bày và mong được sẻ chia, đồng cảm, những phút giây lắng lại của lòng mình".

3. Nhà thơ, nhà báo Võ Văn Trường thường đưa bạn văn,
bạn đọc của anh đến những "tình huống" thú vị. Anh cũng khá xa lạ nơi chốn hội hè văn chương. Nghe tin anh in sách, tưởng sẽ in thơ hóa ra là ký, tản văn và ngược lại. Và, anh viết nhiều, viết đều, ở tất cả các thể ký, thơ, truyện ngắn, tùy bút, phê bình văn học… Tên anh gắn liền với nhiều bài thơ/chùm thơ 1-2-3 trên các trang văn, khi thể thơ này xuất diện.

Có thể nói, Võ Văn Trường là một trong số ít những tác giả bén duyên khá sớm và bền chặt với thơ 1-2-3, do nhà thơ Phan Hoàng sáng tạo. Ở thể thơ 1-2-3, anh đã góp thêm những thành công vào "sân chơi mới" của những người yêu thơ. Và, cũng ở đó, Võ Văn Trường không chỉ sáng tạo một cách độc đáo trong cấu trúc thơ mà còn mang đến những cảm xúc, suy nghĩ sâu sắc trong từng bài từng khổ từng câu từng chữ. Đó là sự tinh tế, khả năng chọn lọc từ ngữ và mang lại cho người đọc những cảm nhận đặc biệt, chứa đựng nhiều thông điệp phong phú về cuộc sống, con người, tình yêu và thời gian chuyển động không ngừng: "Anh từng bước ra từ tiếng tích tắc của đồng hồ/ Đi, chạy, nhảy, bay trên dòng sông tuổi nhỏ/ Ôi thời gian, thời gian dịu dàng đã nuôi lớn anh/ Thời gian đã cho anh, ngược xuôi thực - mộng/ Những yêu thương ta phung phí đời mình/ Chỉ tiếc nuối, ngày xưa, hôm nay rồi cũng thành ký ức" (Thơ 1-2-3 Võ Văn Trường).

Ngày xưa, hôm nay rồi cũng thành ký ức! Những "ẩn ức" ấy được Võ Văn Trường trải lòng trong tập thơ "Sương khói bên trời" (NXB Văn học, tháng 1-2025), viết theo thể thơ 1-2-3. Tập thơ gồm 110 bài trong 22 chùm thơ, chia đều 2 phần. Phần 1 "Với lại những mùa trôi", phần 2 "Nghe trong sương khói quanh mình", mỗi phần có 11 chùm, 55 bài thơ.

Thơ 1-2-3 trong "Sương khói bên trời" của Võ Văn Trường chứa đựng những thông điệp về cuộc sống, đôi khi là những suy ngẫm về bản thân, về con người và xã hội; khơi gợi những cảm xúc lớn lao trong lòng người đọc; đầy suy tư, giàu tính triết lý. Nhưng trên hết vẫn là những cảm thức về quê hương quê nhà quê xứ, qua những bộn bề mưu sinh vồ đập đã trở thành ký ức tâm hồn, thành chỉ dấu mỗi cuộc đời đã dần rời rạc rời đi rời xa miên viễn…

Bạn đọc, có lẽ cũng như tôi, sẽ đồng cảm với "Sương khói bên trời", đồng cảm với nhà thơ Võ Văn Trường, như anh từng chia sẻ "mỗi người không ai tránh được những buồn phiền, khổ đau, mất mát…; đừng bao giờ tự lừa dối mình, theo đuổi hay buông bỏ…".

Lê Phước Trịnh

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/nhung-cau-tho-hoang-dang-riet-rong-ma-hien-hau-post316237.html
Zalo