Giao lưu, giới thiệu sách 'Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký thứ ba'
Sáng 18/7, các Chi bộ: Báo Phụ nữ Việt Nam, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ phát triển tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề 'Uống nước nhớ nguồn' nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 và chương trình giao lưu, giới thiệu sách 'Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký thứ ba'.

Bà Đặng Kim Trâm (thứ 2 từ trái qua) - người biên soạn, cũng là em gái liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và Tiến sĩ văn học Hà Thanh Vân (thứ 2 từ phải qua) chia sẻ về cuốn sách
Chương trình có sự tham dự của Chi bộ các đơn vị thuộc Đảng bộ TƯ Hội LHPN Việt Nam, các đảng viên và đông đảo bạn đọc yêu mến, trân trọng nữ Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm cũng như những chiến sĩ anh hùng đã hy sinh tuổi trẻ, xương máu cho nền độc lập nước nhà.

Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, giới thiệu về cuốn sách

Chi ủy Báo Phụ nữ Việt Nam và Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ phát triển tham dự chương trình
Tại chương trình, bà Đặng Kim Trâm - người biên soạn, cũng là em gái liệt sĩ Đặng Thùy Trâm - đã chia sẻ những câu chuyện phía sau cuốn sách "Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký thứ ba". Cuốn sách là cầu nối giúp người đọc hiểu hơn về chân dung một Đặng Thùy Trâm với tuổi trẻ, tri thức và tràn đầy lý tưởng sống.
Ngoài những câu chuyện ở chiến trường, cuốn sách cũng cho người đọc thấy một góc nhìn rất khác về những trăn trở, lẽ sống làm người, về ước mơ cứu chữa bệnh nhân, về sứ mệnh của công dân khi đất nước đang bị chia cắt. Để rồi từ đó, cùng rất nhiều thanh niên miền Bắc, không ngại hy sinh gian khổ, Đặng Thùy Trâm quyết tâm dấn thân vào chiến trường miền Nam.





Các khách mời, độc gia tham dự chương trình
Ở góc nhìn của một độc giả, một nhà phê bình văn học, nhà nghiên cứu Hà Thanh Vân cho rằng cuốn nhật ký thứ ba không đơn thuần chỉ là một bản thảo mà đã phản ánh một cách sâu sắc chiều sâu suy tư và nhân cách của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Thông qua cuốn sách, gia đình bà đã "viết tiếp" tuổi 20 bằng tình yêu, ký ức và góp phần phát triển một loại hình văn học mang tên nhật ký.
Với hình thức đổi mới, buổi sinh hoạt chi bộ đã diễn ra trong không khí ấm áp, đầy sự sẻ chia, từ đó tác động một cách gần gũi đến tư tưởng, nhận thức của các đảng viên, đoàn viên và bạn đọc. Đặc biệt, những câu chuyện về tuổi trẻ của nữ liệt sĩ thông qua cuốn nhật ký đã khơi dậy lòng yêu nước, lý tưởng sống cao đẹp và tinh thần cống hiến của thế hệ trẻ, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng và truyền cảm hứng về một cuộc sống có ý nghĩa.