Tâm và tài của họa sĩ Lê Thiết Cương
Sự ra đi của họa sĩ Lê Thiết Cương là khoảng trống đặc biệt với ngành mỹ thuật Việt Nam đương đại. Nhớ về Lê Thiết Cương, đồng nghiệp của ông ấn tượng về một người nghệ sĩ có tâm, có tài.
Lê Thiết Cương và nghệ thuật tối giản
Họa sĩ Lê Thiết Cương - một trong những gương mặt đặc biệt của mỹ thuật đương đại Việt Nam đã trút hơi thở cuối cùng lúc 18h55 ngày 17/7/2025, tại nhà riêng trên phố Lý Quốc Sư, Hà Nội. Ông ra đi sau thời gian chống chọi với bệnh ung thư.
Vài ngày trước khi rời cõi tạm, ông còn đăng hình ảnh tác phẩm điêu khắc của mình cùng với câu của thiền sư Từ Đạo Hạnh: "Có thì có tự mảy may/Không thì cả thế gian này cũng không".

Sự ra đi của họa sĩ Lê Thiết Cương là khoảng trống đặc biệt với ngành mỹ thuật Việt và trong lòng bạn bè văn nghệ sĩ khắp cả nước.
Bài đăng cũng phần nào nói lên tuyên ngôn nghệ thuật của của Lê Thiết Cương: Hội họa tối giản.
Theo lời kể của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, khởi điểm của họa sĩ Lê Thiết Cương với mỹ thuật tối giản cũng là một mối duyên trời định.
"Năm 1984, tôi rời quân ngũ, thất nghiệp nằm nhà, thỉnh thoảng sang bên hàng xóm là nhà cụ Đặng Đình Hưng làm chân phục vụ chiếu rượu của cụ.
Tôi học được nhiều ở cái "trường" ấy và cụ Đặng Đình Hưng là người phát hiện ra tố chất tối giản trong tôi, đẩy một cú cuối cùng để tôi rơi vào tối giản.
Thực ra là tôi gặp tối giản, chứ không thể quyết tâm là ngày mai tôi đi tìm chủ nghĩa tối giản. Gặp chủ nghĩa tối giản cũng là tôi gặp tôi", Lê Thiếu Nhơn thuật lại lời của cố họa sĩ.
Với Lê Thiết Cương, tối giản không chỉ là kỹ thuật hay xu hướng mà là "căn cước", là cách anh hiện diện trong nghệ thuật và đời sống.
"Tối giản là tôi, tôi là tối giản. Tối giản là cá tính cốt tử của tôi, là ADN, là vân tay", họa sĩ từng khẳng định lúc sinh thời.
Chẳng vậy mà từ đầu những năm 1990, Lê Thiết Cương đã là một trong những nghệ sĩ tiên phong đưa nghệ thuật trừu tượng và tối giản đến với hội họa Việt Nam.
Tranh của ông được phá vỡ những khuôn mẫu cũ, giàu bản sắc và hàm chứa chiều sâu triết lý phương Đông.
Ở đó là sự kết hợp giữa hình khối đơn giản, màu sắc tối giản và các đề tài truyền thống như bát đũa, đèn dầu, hoa sen, con trâu, con rắn... đã giúp anh định hình phong cách riêng, độc đáo và đậm triết lý Phật giáo.
Lê Thiết Cương thậm chí còn được đánh giá là một trong những họa sĩ hàng đầu, đồng thời cũng là họa sĩ ăn khách hàng đầu của thời kỳ Đổi mới.




Một số tác phẩm của họa sĩ Lê Thiết Cương.
Hơn nửa đời theo đuổi mỹ thuật tối giản, nhưng theo nhà thơ Lý Đợi, không phải lúc nào Lê Thiết Cương cũng chạm đến được tinh thần này.
"Nhiều tranh/ gốm anh vẽ, dù rất ít, nhưng lại kể chuyện hoặc triết lý khá nhiều, nghĩa là kỹ thuật thì tối giản, mà tinh thần thì không. Nhưng cũng có nhiều tranh/gốm, nhiều việc anh làm rất nhiều, đôi khi cầu kỳ, lộng lẫy, nhưng lại chuyên chở được sự tối giản.
Có lẽ chính nhờ hai chiều xuôi ngược này đã giữ Lê Thiết Cương ở lại với cương vị nghệ sĩ, hơn là vươn tới tinh thần tu sĩ. Vì vậy, anh đã có được những tác phẩm hay trong suốt hành trình sáng tạo hào hứng từ đầu thập niên 1990 đến nay", nhà thơ Lý Đợi bày tỏ.
Có một Lê Thiết Cương vừa kiêu hãnh nhưng dễ gần
Những người bạn thân, đồng nghiệp hay cộng sự đều thừa nhận Lê Thiết Cương tài hoa, rất khó tính. Nhưng, ẩn sâu phía sau kẻ sĩ ấy lại là một tâm hồn đa cảm, nhiệt thành.
Không phải ngẫu nhiên, nhắc đến Lê Thiết Cương, giới văn nghệ sĩ đều bày tỏ sự nể trọng. Ngoài tài năng, ông còn được yêu mến bởi tấm lòng quý tài, trọng tài của bạn bè lẫn tiền bối, hậu bối ở trong văn chương, nghệ thuật nói chung chứ không chỉ giới hạn ở hội họa.
Với vai trò giám tuyển và viết phê bình hội họa, ông thường xuyên làm triển lãm giới thiệu, hỗ trợ cho các họa sĩ trẻ. Ông cũng từng âm thầm hỗ trợ các gia đình họa sĩ đã khuất tổ chức triển lãm, đưa tác phẩm của người quá cố trở lại với công chúng, hiện diện trang trọng trong phòng tranh.
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho rằng, Lê Thiết Cương khó tính với người khác và với chính mình, làm nghệ thuật bằng một sự nghiêm khắc cao độ.
Còn nhà thơ Lý Đợi bộc bạch: "Lê Thiết Cương vừa tài hoa vừa thực tế, vừa cao ngạo vừa dễ gần, vừa thích quần hùng vừa biết sống đơn độc, vừa hà khắc vừa buông lỏng".

Ngọc Hân là MC tại sự kiện ra mắt sách "Trò chuyện với hội họa" của họa sĩ Lê Thiết Cương hồi tháng 6 vừa qua.
Lần đầu gặp và làm việc với Lê Thiết Cương tại triển lãm Gặp gỡ Đà Lạt tổ chức ở Phòng tranh Le Lycee, Đà Lạt cách đây 3 năm, hoa hậu Ngọc Hân thừa nhận cô sốc khi nhận được lời phê bình gay gắt của vị họa sĩ.
Hoa hậu Ngọc Hân cho biết, lần đầu cô làm việc với họa sĩ Lê Thiết Cương là cách đây khoảng 3 năm, tại triển lãm Gặp gỡ Đà Lạt tổ chức ở Phòng tranh Le Lycee, Đà Lạt. Ấn tượng đầu tiên của cô về người họa sĩ tài hoa ấy là sự nghiêm khắc và khó tính.
"Khi đó, tôi và cộng sự còn rất mới trong lĩnh vực tổ chức triển lãm, nên không tránh khỏi những thiếu sót. Anh từng nhận xét rằng chúng tôi đang "mặc chiếc áo quá rộng so với mình" ám chỉ sự non nớt và thiếu kinh nghiệm trong việc tổ chức triển lãm.
Điều này khiến tôi và cộng sự từng quyết định không muốn hợp tác với anh nữa vì những lời phê bình quá thẳng thắn.
Nhưng rồi, sau một thời gian, tôi vẫn tiếp tục tổ chức nhiều triển lãm khác. Có lẽ chính sự kiên trì ấy đã khiến anh dần thay đổi cách nhìn", hoa hậu Ngọc Hân tâm sự.
Theo nàng hậu, sau những lần hợp tác với họa sĩ Lê Thiết Cương, cô quyết định học thạc sĩ tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp để nâng cao kiến thức về mỹ thuật.
"Sau vài năm làm việc, tôi nhận ra kiến thức của mình còn rất hạn chế. Nhớ lại những lời anh từng mắng ngày trước, tôi thấy… đúng. Chính anh là người truyền cảm hứng, khích lệ tôi trở lại trường học.
Trong quá trình học, anh không chỉ chia sẻ kiến thức, mà còn hướng dẫn tận tình. Có nhiều buổi nói chuyện với anh và các họa sĩ khác giúp học được rất nhiều điều quý giá", nàng hậu hồi tưởng.

Hoa hậu Ngọc Hân và họa sĩ Lê Thiết Cương trong buổi triển lãm tranh "Tết Tỵ 2025" tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với áo dài và khăn sáng tác từ bộ tranh "Ất Tỵ 2025" của họa sĩ Lê Thiết Cương.
Từ những buổi làm việc, trò chuyện Ngọc Hân có nhiều cơ hội hợp tác với Lê Thiết Cương hơn. Đầu năm nay, cô xin phép sử dụng tranh của Lê Thiết Cương để thiết kế áo dài cho bộ sưu tập Nét Hà Thành nhân dịp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô và được đồng ý. Nhưng họa sĩ không quên "cảnh cáo" phải làm tử tế.
Sau đó, Ngọc Hân tiếp tục hợp tác với Lê Thiết Cương trong triển lãm tranh "Tết Tỵ 2025" tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với áo dài và khăn sáng tác từ bộ tranh "Ất Tỵ 2025" của họa sĩ.
Khi mối quan hệ thân thiết hơn, Ngọc Hân còn được họa sĩ Lê Thiết Cương mời làm MC cho các buổi ra mắt sách, triển lãm của bạn bè.
Khi chia sẻ cách vẽ, anh Lê Thiết Cương nhấn mạnh: "Minh họa không phải là vẽ rõ luôn cái ý, mà là gợi để người ta nghĩ”. Câu nói ấy tôi nhớ mãi - vì nó không chỉ đúng với hội họa, mà còn đúng trong thiết kế thời trang, trong cách sống.
Tôi học được từ anh sự tinh gọn, sự thận trọng và khả năng tập trung vào cốt lõi. Từng nét vẽ, từng lời nói, thậm chí cả cách sống của anh - đều theo một triết lý tối giản mà sâu sắc.
Hoa hậu Ngọc Hân
Theo hoa hậu Ngọc Hân, trong công việc, họa sĩ Lê Thiết Cương cực kỳ nghiêm khắc, khó tính đến mức người khác phải dè chừng. Nhưng trong cuộc sống, ông là người trọng tình, sống rất chân thành.
"Dù hơn tôi cả một thế hệ, anh luôn đối xử như một người anh thân thiết, chia sẻ, định hướng và dạy dỗ tôi bằng tất cả sự tận tâm.
Có lần anh nói: Thành công cũng chẳng có ý nghĩa gì nếu cuối đời không còn ai bên cạnh.
Mỗi lần thấy tôi bận rộn với công việc, anh lại hỏi: 'Cuối tuần không ăn cơm với gia đình à?'.
Những lời khuyên của anh về việc trân trọng gia đình, cân bằng giữa công việc và cuộc sống, để lại trong tôi nhiều suy ngẫm", Ngọc Hân bồi hồi nhớ lại.
Nàng hậu bồi hồi kể lại: "Sáng hôm anh mất, tôi đến thăm anh tại bệnh viện. Dù sức khỏe yếu, anh vẫn minh mẫn, nhận ra mọi người và chia sẻ những câu chuyện vui.
Tôi nắm tay anh, ôn lại kỷ niệm những ngày đầu gặp gỡ, làm việc. Khi nghe tôi kể về thai kỳ, anh động viên tôi với ánh mắt sáng ngời, tinh anh, nụ cười trìu mến.
Những khoảnh khắc ấy tôi sẽ nhớ mãi và càng thêm trân quý anh - một người thầy, một người anh lớn, và một người bạn chân thành".