Những câu hỏi đặt ra sau loạt vụ nổ trên nhiều tàu hàng ghé thăm cảng Nga

Kể từ tháng 1/2025, sáu tàu chở dầu liên tiếp gặp sự cố do các vụ nổ chưa rõ nguyên nhân ngay sau khi cập cảng Nga. Sự việc đang gây nhiều nghi vấn và được cho là có dấu hiệu phá hoại có chủ đích.

Vụ nổ khiến "lớp vỏ tàu bị biến dạng bên trong". Ảnh: Ambrey

Vụ nổ khiến "lớp vỏ tàu bị biến dạng bên trong". Ảnh: Ambrey

Theo ấn phẩm vận tải biển Lloyd’s List, ngày 6/7, tàu chở dầu Eco Wizard đã hứng chịu hai vụ nổ cách nhau chỉ mười phút trong khi neo đậu tại cảng Ust-Luga trên Biển Baltic. Bộ Giao thông Vận tải Nga thông báo trên Telegram rằng đây là “sự cố trong quá trình bốc dỡ” tàu chở khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), dẫn đến “rò rỉ amoniac”. 23 thành viên thủy thủ đoàn đã được sơ tán an toàn, không có thương vong.

Thống đốc khu vực Alexander Drozdenko khẳng định vụ rò rỉ không gây nguy hiểm cho sức khỏe hay môi trường. Tuy nhiên, sự cố đã làm dấy lên nhiều lo ngại, đặc biệt khi nhìn vào chuỗi các vụ nổ tương tự gần đây.

Các chuyên gia nhận định có nhiều điểm tương đồng giữa các sự cố. Hai tuần trước vụ Eco Wizard, tàu chở dầu thô Vilamoura, do Hy Lạp vận hành, gặp sự cố nổ khi đang chở một triệu thùng dầu thô ngoài khơi Libya và buộc phải kéo về miền Nam Hy Lạp. Trước đó, bốn tàu khác cũng trở thành mục tiêu của các vụ nổ, trong đó ba vụ xảy ra tại Biển Địa Trung Hải: tàu Seacharm gần cảng Ceyhan (Thổ Nhĩ Kỳ) giữa tháng 1; tàu Grace Ferrum ngoài khơi Libya đầu tháng 2; và tàu Seajewel tại cảng Savona (Italy) ngày 15/2.

Ngoài ra, cảng Ust-Luga từng ghi nhận sự cố với tàu Koala vào ngày 9/2. Các vụ việc diễn ra sau khi tàu Ursa Major, thuộc sở hữu một công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng Nga, chìm ở Địa Trung Hải sau hàng loạt vụ nổ cuối tháng 12/2024.

Việc xác định mối liên hệ chính xác giữa các sự cố vẫn còn nhiều thách thức. Tuy nhiên, các nhà phân tích trong ngành chỉ ra một mô hình chung: tất cả các tàu gặp nạn đều thường xuyên ghé các cảng của Nga.

Dữ liệu giao thông hàng hải công khai cho thấy, trong hai tháng trước các vụ nổ, ba tàu đã dừng tại cảng Ust-Luga, ba tàu còn lại ghé cảng Novorossiysk trên Biển Đen. Công ty an ninh hàng hải Anh Ambrey nhận định trong một thông tư cảnh báo ngày 7/3/2025: “Các thủ phạm rất có thể nhắm mục tiêu vào tàu thuyền do đã cập cảng Nga.”

Chuyên gia Tomas Alexa của Ambrey nhận định: “Rất khó coi đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên, khi xét đến bản chất các vụ tấn công, lịch sử ghé cảng và khu vực xảy ra sự cố.” Ông nhấn mạnh các vụ nổ “rất hiếm gặp” ở khu vực này cho đến thời gian gần đây.

Martin Kelly, Trưởng bộ phận tư vấn của EOS Risk (Anh), đồng tình với nhận định trên, cho rằng sự giống nhau về cách thức và thiệt hại cho thấy các sự cố không phải là ngẫu nhiên. Hầu hết các vụ nổ đều xảy ra gần phòng máy và hệ thống máy móc chính của tàu.

Mặc dù nguyên nhân chính xác chưa rõ, nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các vụ nổ do tác động bên ngoài gây ra, chứ không phải lỗi kỹ thuật của tàu. TMS Tankers, đơn vị quản lý tàu Vilamoura, xác nhận với TradeWinds rằng một “thiết bị nổ” đã được sử dụng trong vụ tấn công.

Nhiều chuyên gia cho rằng các tàu có thể là nạn nhân của thủy lôi. Công ty Ambrey cho biết họ đã xem xét các đoạn phim kiểm tra thân tàu, phát hiện “bằng chứng rõ ràng” về thủy lôi. Những hình ảnh này cho thấy “vết nứt lớn trên lớp vỏ thân tàu, kim loại bị biến dạng vào trong và các vết cắt dọc theo mối nối chồng lên nhau, chứng tỏ các vụ nổ bên ngoài với cường độ cao".

Một loại vũ khí truyền thống được chú ý là mìn limpet - loại mìn thường được thợ lặn gắn vào thân tàu, có thể kích nổ theo thời gian hoặc từ xa, thường đặt gần phòng máy để gây thiệt hại tối đa.

Theo Dryad Global, nhiều giả thuyết cho rằng các tàu cập cảng Nga gần đây bị tấn công bằng mìn limpet. Nhà phân tích Dean Mikkelsen giải thích: “Mìn limpet phải được gắn thủ công bởi thợ lặn khi tàu di chuyển chậm lúc vào hoặc rời cảng.”

Chuyên gia Alexa nhận định, hoạt động này cần có tổ chức và đội ngũ thợ lặn chuyên nghiệp để tránh bị phát hiện. Ông nói: “Các vụ tấn công cho thấy tính chuyên nghiệp và tinh vi mang tính quân sự". Dryad Global nghi ngờ các nhóm thực hiện có thể là tác nhân được nhà nước bảo trợ hoặc nhóm ủy nhiệm trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine.

Việc các tàu đều có liên hệ với cảng Nga khiến một số chuyên gia nghi ngờ Ukraine có thể liên quan. Tuy nhiên, Ukraine không xác nhận cũng không phủ nhận các cáo buộc.

Sau vụ nổ tàu Vilamoura hồi tháng 6, tình báo quân sự Ukraine chỉ cho biết con tàu “thuộc hạm đội ngầm của Nga” và thường vận chuyển sản phẩm dầu mỏ của Nga.

Chuyên gia Kelly của EOS Risk cho rằng: "Ukraine là bên được hưởng lợi nhiều nhất từ loạt vụ tấn công này. Mặc dù chưa có bằng chứng hay thông tin tình báo trực tiếp nào, nhưng việc phá hoại các tàu này chắc chắn ảnh hưởng tới doanh thu xuất khẩu dầu của Nga - nguồn tài trợ cho hoạt động quân sự của Ukraine". Ông cho rằng các vụ tấn công gửi thông điệp rõ ràng về tài chính và mức độ an toàn đến các công ty vận tải biển vẫn cập cảng Nga.

Chuyên gia Kelly cũng nhấn mạnh Ukraine đã thực hiện một số cuộc tấn công nhằm “vô hiệu hóa” cảng Novorossiysk. Tuy nhiên, một số nhà phân tích vẫn thận trọng khi khẳng định chưa có bằng chứng cho thấy Ukraine đứng sau các vụ việc.

Bảo Hà/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nhung-cau-hoi-dat-ra-sau-loat-vu-no-tren-nhieu-tau-hang-ghe-tham-cang-nga-20250716152437125.htm
Zalo