Những câu chuyện xúc động ngày Tết Thanh Minh

Tết Thanh Minh là dịp để những bà mẹ già, người vợ góa và con thơ nói ra những lời yêu thương chưa kịp bộc bạch.

Tết Thanh Minh là dịp đặc biệt để con cháu bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với tổ tiên và những người thân đã khuất. Trong những ngày này, dòng người khắp nơi lại tìm về nghĩa trang, phần mộ để thắp hương, dọn dẹp, và gửi gắm những lời tâm sự đến người đã đi xa, tạo nên những câu chuyện cảm động đong đầy ý nghĩa.

Bà Mộng Điệp (85 tuổi, ở Hà Nội) dù tuổi cao sức yếu, vẫn chống gậy lên mộ thắp hương cho người chồng quá cố ở tại một nghĩa trang ở Hòa Bình. Với bà Điệp, Thanh minh là dịp để bà trò chuyện, bày tỏ nỗi lòng với người bạn đời đã xa.

 Bà Mộng Điệp chống gậy lên thăm bạn đời vào dịp Tết Thanh Minh.

Bà Mộng Điệp chống gậy lên thăm bạn đời vào dịp Tết Thanh Minh.

"Một lần vì dịch bệnh không lên được, tôi đã dùng dịch vụ cúng online, trọn gói từ 700.000 đến 1 triệu đồng. Họ quay video, chụp ảnh gửi cho mình", bà Điệp kể. Nhưng năm nay, với đôi chân đã yếu, bà vẫn tự mình đến thăm, dọn dẹp mộ chồng. Với bà Điệp, không gì có thể thay thế được sự hiện diện của bà nơi đây.

Cũng trong ngày này, bà Trần Thị Thuận (80 tuổi, ở Hà Nội) phải ngồi xe lăn nhưng vẫn được gia đình đưa đến nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Hòa Bình) để thăm mộ con trai. Sau trận ốm giữa năm 2023, người con thứ hai của bà Thuận bất ngờ qua đời khi tuổi đời còn trẻ.

 Bà Thuận ngồi xe lăn đến thăm mộ con trai dịp Tết Thanh Minh.

Bà Thuận ngồi xe lăn đến thăm mộ con trai dịp Tết Thanh Minh.

Trời mưa phùn lất phất, người bê xe lăn, người che ô, sau 2 tiếng đồng hồ, gia đình bà Thuận có mặt bên phần mộ người đã khuất.

Đôi mắt rưng rưng, ngồi từ xa nhìn về phía di ảnh con trai, bà Thuận kể: “Sức khỏe yếu, đi lại khó, nhưng cứ đến ngày Thanh minh là tôi tự thấy mình khỏe hơn. Có lẽ tình mẫu tử thúc đẩy. Mấy đứa nhỏ khuyên ở nhà nhưng tôi phải đi, đến được rồi, tôi mừng lắm.”

Bà kể lại những lời trăn trối của con trai trước khi mất, những điều dang dở, nỗi đau chưa kịp báo hiếu, gánh nặng còn dồn lại trên vai người vợ trẻ. Bà đi, không chỉ để thắp nén hương, mà còn để kể cho con nghe chuyện học hành, làm ăn của gia đình, như một cách giữ sợi dây kết nối thiêng liêng không bao giờ đứt đoạn.

Chị Đỗ Thị Vân - con dâu bà Thuận - cũng đến mộ chồng vào dịp này.

"Điều anh day dứt nhất là đứa út còn nhỏ, hai đứa lớn chưa lập gia đình. Một mình tôi phải gồng gánh nuôi ba đứa con thơ, anh thương vợ vô cùng. Mỗi lần thăm mộ, tôi như được tiếp thêm sức mạnh,” chị chia sẻ bên mộ chồng và hứa sẽ cố gắng thực hiện những điều anh còn dang dở.

 Chị Đỗ Thị Vân hứa sẽ cố gắng thực hiện những điều còn dang dở trước phần mộ chồng.

Chị Đỗ Thị Vân hứa sẽ cố gắng thực hiện những điều còn dang dở trước phần mộ chồng.

Thanh minh không chỉ là dịp tri ân, mà còn là cơ hội để nói ra những lời yêu thương chưa kịp nói.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương (64 tuổi, ở Hòa Bình) tỉ mỉ lau từng ngóc ngách tại phần mộ cha mẹ. Bà tâm sự, khi cha mẹ còn sống, lời yêu thương thật khó nói thành lời. Nhưng giờ đây, khi cha mẹ đã khuất, bà chỉ còn biết gửi gắm nỗi lòng mình qua những giọt nước mắt.

“Cha ơi, mẹ ơi, con yêu cha mẹ lắm", bà Hương nghẹn ngào.

 Bà Hương tỉ mỉ lau từng ngóc ngách tại phần mộ cha mẹ.

Bà Hương tỉ mỉ lau từng ngóc ngách tại phần mộ cha mẹ.

Đại đức Thích Trí Thịnh, Phó trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình, cho biết tiết Thanh Minh là dịp để các thế hệ quây quần bên nhau, thể hiện lòng thành kính và tình cảm với người đã khuất. Ông nhấn mạnh việc sắm sửa lễ vật chu đáo, dù là lễ chay hay lễ mặn, đều cần tập trung vào thành tâm.

Do tiết Thanh minh kéo dài đến 19/4, nên người dân thường chọn ngày cuối tuần để tảo mộ, dù chính Tết là 4/4.

Quỳnh An

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/nhung-cau-chuyen-xuc-dong-ngay-tet-thanh-minh-post184312.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat
Zalo