Những cánh đồng được 'gieo' tri thức và công nghệ

Tại Nghệ An, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học-công nghệ (KH-CN) trong lĩnh vực nông nghiệp do các tổ chức, cá nhân thực hiện đã được áp dụng vào sản xuất theo chuỗi sản phẩm hàng hóa. Những đề tài ấy góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, bảo vệ môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ mô hình trồng chè và cây chanh leo

Giai đoạn 2015-2020, Sở KH-CN tỉnh Nghệ An đã tổ chức đánh giá, nghiệm thu gần 200 đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm thuộc các chương trình, đề tài dự án cấp tỉnh và các đề tài dự án nông thôn miền núi. Hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) nói chung, lĩnh vực nông nghiệp nói riêng đã đóng góp tích cực vào việc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân ứng dụng KH-CN tăng năng suất lao động để phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của tỉnh, nổi bật nhất là chỉ số năng suất tổng hợp-TFP của tỉnh tăng từ 25% (năm 2015) lên 49% (năm 2020).

Với đề tài “Hỗ trợ xây dựng mô hình xuất khẩu và chế biến chè theo hướng VietGap tại huyện Anh Sơn”, sau quá trình tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng và chế biến chè cho địa phương, năng suất chè đã cao hơn so với trước. Mô hình này nhanh chóng được nhân rộng ra toàn huyện Anh Sơn. Tại đây, Công ty Đầu tư phát triển chè Nghệ An đã đầu tư hệ thống nhà xưởng 1.500m2 với dây chuyền hiện đại, sản xuất chè đạt tiêu chuẩn VietGap, hướng đến xuất khẩu. Ông Trần Minh Hoàn, Chủ tịch UBND xã Hùng Sơn cho hay: “Mô hình xuất khẩu và chế biến chè theo hướng VietGap giúp người dân xã Hùng Sơn vươn lên làm giàu. Trung bình 1ha chè ở Hùng Sơn đem lại cho bà con nơi đây thu nhập 100-120 triệu đồng/năm”.

Công ty Cổ phần chuỗi thực phẩm TH ứng dụng công nghệ vào sản xuất vườn rau sạch. Ảnh: HẢI YẾN.

Công ty Cổ phần chuỗi thực phẩm TH ứng dụng công nghệ vào sản xuất vườn rau sạch. Ảnh: HẢI YẾN.

Cây chanh leo được xác định là cây xóa đói, giảm nghèo của huyện vùng cao Quế Phong với gần 200ha, chủ yếu tại xã Tri Lễ. Tuy nhiên, Tri Lễ là nơi có địa hình đồi núi cao, nguồn nước tưới rất khó khăn, chủ yếu phụ thuộc vào tự nhiên. Với lượng nước dẫn từ khe suối và nước ngầm khó đáp ứng được yêu cầu phục vụ việc trồng cây chanh leo. Ngoài ra, chi phí dành cho thuê tưới nước khá tốn kém khiến giá thành sản xuất bị đẩy lên cao. Từ thực tế đó, dự án “Ứng dụng tiến bộ KH-CN xây dựng mô hình hệ thống tưới tiết kiệm nước cho vùng chanh leo trên địa bàn xã Tri Lễ, huyện Quế Phong” đã được triển khai. Sau 30 tháng thực hiện đã rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây chanh leo gần 2 tháng, nâng cao năng suất 30-32% so với trước đây.

Từ việc áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm đã gia tăng chất lượng và năng suất của cây chanh leo trong phát triển KT-XH, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch diện tích trồng chanh leo tập trung tại huyện Quế Phong với diện tích 900ha, giải quyết việc làm cho 2.700 lao động trong vùng. Theo quy hoạch và xu hướng thì diện tích cây chanh leo sẽ không ngừng được mở rộng. Có được vùng nguyên liệu và lao động, cây chanh leo trở thành một sản phẩm hàng hóa, thu hút được các doanh nghiệp chế biến như: Công ty Cổ phần Nafoods Group, Công ty Cổ phần chuỗi thực phẩm TH...

Lấy môi trường bền vững làm cốt lõi

Ngoài đề cao tính ứng dụng rộng rãi, hiệu quả kinh tế cao, các đề tài NCKH trong nông nghiệp ở Nghệ An đã chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi và bảo vệ môi trường.

Trước thực trạng người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan tại các vùng sản xuất, đặc biệt các vùng trồng rau dẫn đến tồn dư trong đất nông nghiệp, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Viện Môi trường công nghiệp Việt Nam triển khai dự án “Hoàn thiện công nghệ sản xuất và sử dụng chế phẩm vi sinh vật (BioGreen) phân hủy tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong đất sản xuất rau”. Ông Ngô Hoàng Linh, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN tỉnh Nghệ An, chủ nhiệm dự án, cho biết: “Tác dụng của chế phẩm vi sinh vật BioGreen là phân giải các chất tồn dư trong bảo vệ thực vật nhằm cải tạo đất canh tác để biến nó trở thành đất sạch. Khi tham mưu cho UBND tỉnh đưa sản phẩm này ứng dụng rộng rãi cho bà con, chúng tôi xác định sản phẩm không tạo ra giá trị thặng dư cho sản phẩm nông nghiệp ngay tức thời mà chỉ thuần túy giải quyết bài toán xử lý ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, về lâu dài, chế phẩm này sẽ tạo ra vùng sản xuất sạch, đặc biệt những vùng sản xuất theo đuổi tiêu chuẩn hữu cơ thì giá trị nông nghiệp sẽ cao hơn và bền vững hơn”.

 Mô hình xuất khẩu và chế biến chè theo hướng VietGap tại huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Ảnh: NGUYỄN OANH

Mô hình xuất khẩu và chế biến chè theo hướng VietGap tại huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Ảnh: NGUYỄN OANH

Một trong những nghiên cứu chế phẩm sinh học được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN tỉnh Nghệ An sáng chế, được cấp bằng sở hữu trí tuệ và ứng dụng rộng rãi là Compost Maker để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phụ phẩm nông nghiệp. Sử dụng chế phẩm Compost Maker sản xuất phân bón từ phế phụ phẩm nông nghiệp không chỉ nâng cao năng suất cây trồng, giảm chi phí đầu tư mà còn có tác dụng cải tạo đất. Sau gần 15 năm được triển khai ứng dụng, đến nay dự án vẫn phát huy rất rõ tính tích cực. Điều này chứng tỏ, dự án không những đem lại lợi ích trong phát triển các sản phẩm nông nghiệp mà còn có tính xã hội rất cao.

Huyện Tân Kỳ là địa phương có ứng dụng chế phẩm sinh học Compost Maker thành công nhất của Nghệ An. Ông Trần Tử Bá, Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Tân Kỳ cho biết: “Phong trào sử dụng phân hữu cơ vi sinh từ phế phụ phẩm nông nghiệp vào sản xuất ở Tân Kỳ được phổ biến tới đông đảo bà con. Huyện Tân Kỳ là đơn vị duy nhất có số lượng lớn, hiệu quả cao và cũng là địa phương bền bỉ nhất, quyết tâm nhất trong việc duy trì, phát triển mô hình phân hữu cơ vi sinh kể từ khi dự án ra đời đến nay. Hiện có 7.000-8.000 hộ/30.000 hộ được thụ hưởng chính sách nói trên, số còn lại, bà con tự mua nguyên liệu về sản xuất”.

Với hiệu quả ưu việt, chế phẩm sinh học Compost Maker và BioGreen đã được tỉnh Nghệ An ban hành chính sách hỗ trợ 60% kinh phí mua chế phẩm Compost maker và các phụ gia để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phụ phẩm nông nghiệp; hỗ trợ 100% kinh phí mua chế phẩm BioGreen để xử lý tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên đất trồng rau và trồng cây ăn quả.

Ông Trần Quốc Thành, Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Nghệ An cho biết: “Để đưa tri thức, KH-CN vào nông nghiệp, ngành khoa học Nghệ An không chỉ đang tập trung vào các đề tài nghiên cứu có chất lượng và đột phá cao mà còn đặt nghiên cứu trong một liên kết đa chiều, gồm: Liên kết các vùng sản xuất, liên kết doanh nghiệp nông nghiệp và liên kết chuỗi giá trị giống-chăm sóc-thu hoạch-tiêu thụ sản phẩm. Trước hết, Nghệ An phải có quy hoạch về đất đai, vùng nguyên liệu hợp lý, đồng thời bằng nhiều biện pháp tuyên truyền, thay đổi tư duy làm nông nghiệp cho bà con nông dân theo hướng hữu cơ và sản xuất hàng hóa. Có vậy, những cánh đồng được "gieo" tri thức, KH-CN mới phát huy hiệu quả cao, giá trị bền vững”.

HOÀNG HOA LÊ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/nhung-canh-dong-duoc-gieo-tri-thuc-va-cong-nghe-661711
Zalo