Những cam kết chính sách quan trọng của các ứng cử viên tổng thống Hàn Quốc

Các ứng viên tổng thống lần lượt công bố những cam kết quan trọng cũng như tham gia tranh luận về các chính sách toàn diện, trong đó đặt trọng tâm nghị sự vào việc vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế.

Các ứng viên tranh cử Tổng thống Hàn Quốc (từ trái sang): Lee Jae-myung của đảng Dân chủ Tự do, Kim Moon-soo thuộc đảng Quyền lực Nhân dân, Lee Jun-seok của đảng Cách tân mới và Kwon Young-kook của đảng Công lý. (Ảnh: YONHAP/TTXVN)

Các ứng viên tranh cử Tổng thống Hàn Quốc (từ trái sang): Lee Jae-myung của đảng Dân chủ Tự do, Kim Moon-soo thuộc đảng Quyền lực Nhân dân, Lee Jun-seok của đảng Cách tân mới và Kwon Young-kook của đảng Công lý. (Ảnh: YONHAP/TTXVN)

Gần đến ngày dự kiến bầu cử tổng thống tại Hàn Quốc 3/6, các ứng cử viên tổng thống ở nước này đã lần lượt công bố những cam kết quan trọng cũng như tham gia tranh luận về các chính sách toàn diện, trong đó đặt trọng tâm nghị sự vào việc vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế do tình hình quốc tế thay đổi nhanh chóng và kinh tế bước vào giai đoạn tăng trưởng thấp, bên cạnh một số lĩnh vực liên quan khác.

Ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ (DP) đối lập chính Lee Jae Myung đã đưa ra 10 cam kết kết chính sách lớn với ưu tiên hàng đầu là xây dựng Hàn Quốc trở thành một cường quốc kinh tế hàng đầu, thiết lập nền tảng tăng trưởng mới dựa trên các ngành công nghiệp mới như trí tuệ nhân tạo (AI) và tăng cường hỗ trợ các nội dung Hàn Quốc (K-contents) để đưa nước này vào top 5 cường quốc văn hóa toàn cầu.

Để làm được những điều trên, ông Lee cho biết sẽ tăng tỷ trọng ngân sách cho AI, đẩy mạnh bồi dưỡng và đào tạo nhân tài tương lai, tăng cường hỗ trợ cho sáng tác K-contents.

Ngoài ra, ông cũng cam kết đưa đất nước vượt qua hỗn loạn, khôi phục chủ nghĩa dân chủ và đoàn kết toàn dân, đồng thời tăng khả năng cho Quốc hội thực thi quyền bãi bỏ thiết quân luật, áp dụng trưng cầu ý kiến về bãi nhiệm nghị sỹ Quốc hội, đảm bảo tính trung lập, độc lập của cơ quan thanh tra và kiểm toán, cũng như phân tách quyền điều tra và truy tố của Viện Kiểm sát.

Cùng với đó, ứng cử viên Lee Jae Myung còn đưa ra các cam kết khác như hỗ trợ các hộ gia đình và tiểu thương; thúc đẩy một nền kinh tế công bằng; đưa Hàn Quốc trở thành một cường quốc an ninh, ngoại giao; thích ứng hiệu quả với thay đổi trật tự thế giới và bảo vệ tính mạng, sự an toàn của người dân. Ông cũng cam kết hoàn thành thủ đô hành chính Sejong trong nhiệm kỳ; xây dựng một xã hội bảo đảm quyền lợi cho tất cả người dân, tôn trọng giá trị lao động, giải quyết khủng hoảng tỷ lệ sinh thấp và già hóa dân số, ứng phó với khủng hoảng khí hậu vì thế hệ tương lai.

Trong khi đó, ứng cử viên Kim Moon Soo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền cam kết xây dựng một đất nước thuận lợi cho kinh doanh thông qua 3 cải tiến chính: vốn, công nghệ và lao động.

Các cam kết cụ thể của ông bao gồm tăng trưởng theo sự dẫn dắt của kinh tế thị trường tự do, tạo môi trường kinh doanh tốt và tăng cường tự chủ thông qua các chính sách có lợi cho doanh nghiệp; đưa Hàn Quốc vào top 3 quốc gia hàng đầu về AI và năng lượng, đồng thời nâng tỷ trọng phát điện hạt nhân để đảm bảo nguồn điện cho hạ tầng phát triển AI; thúc đẩy tương lai của lớp trẻ bằng cách giảm bớt gánh nặng việc làm, nhà ở, giáo dục, hôn nhân và nuôi dạy trẻ em; phát triển quốc gia cân bằng và mở rộng hệ thống tàu điện ngầm cao tốc (Great Train Express).

Ông Kim Moon Soo cũng cam kết sẽ xem xét lại chương trình cải cách chăm sóc sức khỏe của chính phủ tiền nhiệm Yoon Suk Yeol, khôi phục mạng lưới an toàn y tế, xây dựng lại hệ thống y tế hợp lý hơn và khuyến khích các thực tập sinh, bác sĩ nội trú, sinh viên y khoa quay trở lại làm việc.

Ông cũng tập trung vào “ổn định tài chính” thông qua việc đảm bảo quỹ lương hưu quốc gia, cải thiện chế độ làm việc 52 giờ/tuần, giảm thuế và gánh nặng cho các công ty, đồng thời khuyến khích các tập đoàn lớn tuyển dụng thêm nhân sự.

Còn với ứng cử viên Lee Jun Seok, ông đưa ra sáng kiến giảm quyền lực của tổng thống; tổ chức lại các bộ từ 19 xuống còn 13 để nâng hiệu quả hoạt động của chính phủ; bổ nhiệm các Phó Thủ tướng phụ trách về an ninh, chiến lược, xã hội; bãi bỏ Văn phòng An ninh Quốc gia trực thuộc Tổng thống; phục hồi hoạt động sản xuất tại các địa phương và kéo các công ty Hàn Quốc trở về đầu tư trong nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nhung-cam-ket-chinh-sach-quan-trong-cua-cac-ung-cu-vien-tong-thong-han-quoc-post1039395.vnp
Zalo