Bộ Xây dựng nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hơn 200 định mức xây dựng
Sẽ bổ sung hơn 200 định mức xây dựng
Địa phương vướng mắc về đơn giá định mức
Dù đảm bảo gần 80% tiến độ dự án, nhưng một số nhà thầu đang thi công tại nút giao Phú Thứ (Hà Nam) cho biết, còn gặp một số khó khăn về đơn giá vật liệu xây dựng (VLXD) và đơn giá nhân công.
Trao đổi với PV Báo Xây dựng, đại diện nhà thầu Vinaconex, kỹ sư Hồ Minh Hạnh, chỉ huy trưởng công trường dự án nút giao Phú Thứ cho biết: Hiện Liên danh hai nhà thầu Vinaconex - Trung Chính đang phải mua VLXD với mức giá rất cao, gần như gấp đôi so với dự toán ban đầu, điều này đã gây thiệt hại cho các nhà thầu.

Theo quy định, việc sửa đổi, bổ sung đơn giá định mức sẽ được thực hiện 3 năm 1 lần, nhưng có thể sớm hơn khi cần thiết.
"Trường hợp giá thành VLXD thời gian tới nếu không điều chỉnh, sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới các doanh nghiệp xây dựng cũng như các nhà thầu thực hiện dự án", ông Hạnh chia sẻ.
Theo ông Hạnh, ngoài đơn giá vật liệu, nhà thầu gặp khó khăn khi đơn giá nhân công theo định mức của Thông tư 12/2021/TT-BXD thấp hơn đáng kể so với mức lương thực tế trên thị trường. Ví dụ, công nhân kỹ thuật cao trong lĩnh vực lắp đặt thiết bị công nghệ phải được trả mức lương cao hơn để đảm bảo chất lượng, nhưng định mức hiện hành chỉ áp dụng mức bình quân, không tính đến sự chênh lệch vùng miền hoặc trình độ chuyên môn. Điều này khiến nhà thầu phải bù thêm chi phí.
Ông Phạm Quang Hưng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hà Nam cho biết: "Hiện đơn giá ca máy trong định mức vận chuyển quá thấp, khi áp dụng vào thực tế chỉ được một nửa, nên rất khó làm. Thực tế triển khai lúc nào cũng thuê phải gấp đôi so với định mức. Bên cạnh đó là định mức các ca máy rải bê tông, do thiết bị này được nhập khẩu về đắt, nhưng đơn giá định mức thấp, nên thuê cũng khó mà mua về sử dụng cũng khó".
Hiện nhiều địa phương cũng gặp những vướng mắc về đơn giá định mức và kiến nghị Bộ Xây dựng, các cơ quan chuyên môn nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Bổ sung thế nào cho phù hợp?
Theo ông Hồ Ngọc Sơn, Phó cục trưởng Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Xây dựng), thực hiện chức năng, nhiệm vụ, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã rà soát, bổ sung hệ thống định mức, qua đó, góp phần hoàn thiện hệ thống công cụ, tạo thuận lợi cho các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng.
Năm 2024, Bộ Xây dựng đã tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành định mức tại Thông tư số 09 để giải quyết các vướng mắc đối với nhóm các công tác xây dựng quan trọng, chiếm tỷ lệ lớn tại các dự án công trình giao thông đường bộ, hàng không.
Qua đó đã góp phần quan trọng trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng cho các dự án, công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 02/CĐ-TTg tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng; khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia.

Việc bổ sung định mức xây dựng là phù hợp với giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, qua kiểm tra theo dõi và báo cáo của Viện Kinh tế xây dựng, tổng hợp ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội nghề nghiệp, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, đơn vị thi công, hệ thống định mức xây dựng còn thiếu định mức dự toán đối với một số công tác thi công đất, đá, thi công đường, thi công cọc, vận chuyển VLXD, cấu kiện xây dựng, công tác xây dựng đường sắt, công tác thi công sử dụng vật liệu mới, công nghệ thi công mới.
Ngoài ra, hiện nay tại một số dự án cao tốc áp dụng cơ chế đặc thù giao mỏ cho nhà thầu thi công xây dựng khai thác đang vướng mắc, khó khăn do thiếu định mức dự toán các công tác sản xuất, khai thác, vận chuyển vật liệu xây dựng tại mỏ để phục vụ công tác lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Nghị định số 175 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xây dựng về quản lý hoạt động xây dựng, đã quy định bổ sung một số trường hợp dự án được áp dụng lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật (thiết kế một bước) thay cho việc phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế xây dựng sau thiết kế cơ sở (thiết kế 2 bước trở lên).
Do đó cần xây dựng bổ sung định mức chi phí tư vấn lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đối với các trường hợp này.
"Từ các cơ sở pháp lý và thực tiễn nêu trên, việc tiếp tục rà soát, cập nhật hệ thống định mức xây dựng và ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số định mức xây dựng tại Thông tư số 12 là rất cần thiết", ông Hồ Ngọc Sơn cho hay.
Về những điểm mới của dự thảo Thông tư, theo nội dung tờ trình của Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng, dự thảo Thông tư đã sửa đổi, bổ sung 231 định mức cho 3 nhóm định mức gồm: 165 định mức dự toán xây dựng, 1 định mức sử dụng vật liệu xây dựng và 65 định mức chi phí lập báo cáo kinh tế kỹ thuật.
Trong đó chủ yếu tập trung xây dựng bổ sung các nhóm định mức xây dựng chủ yếu sau như công tác khai thác, vận chuyển cát; công tác thi công đường sắt; công tác thi công rọ đá bằng thủ công…
Cho ý kiến về dự thảo Thông tư, ông Nguyễn Trọng Hoàng, chuyên viên Cục Đường sắt Việt Nam chia sẻ, hiện một số định mức liên quan đến lĩnh vực đường sắt còn thiếu, kỳ vọng dự thảo Thông tư 12 sau khi sửa đổi sẽ giải quyết được những bất cập này.
Để đảm bảo nhu cầu thực tế, Ban QLDA Thăng Long cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến công tác thi công đường; công tác thi công kết cấu bê tông, trong đó, kiến nghị bổsung định mức gia công lắp dựng ván khuôn thép mái cống hộp, mái hầm chui dân sinh….
Cùng với đó là các định mức liên quan đến công tác vận chuyển, đắp nền đường bằng đá cấp 4 đào bằng máy thông thường; thi công lớp móng cấp phối đá dăm gia cố xi măng…