Những bộ cần bổ sung, hoàn thiện phương án sắp xếp
Theo đề nghị của Bộ Nội vụ (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo của Chính phủ về việc bổ sung, hoàn thiện báo cáo tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ - gọi tắt là Ban Chỉ đạo), một số bộ, cơ quan ngang bộ phải bổ sung, hoàn thiện phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trong thời gian sớm nhất.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký công văn gửi các bộ trưởng các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Ngoại giao, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, đề nghị bổ sung, hoàn thiện phương án sắp xếp.
Theo đó, người đứng đầu các bộ, cơ quan ngang bộ trên có báo cáo, giải trình làm rõ và hoàn thiện phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải trình, làm rõ nội dung hợp nhất Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân và Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ thành một đầu mối cấp vụ tham mưu chung về kinh tế.
Bộ Xây dựng báo cáo về nội dung sáp nhập Vụ Quy hoạch - Kiến trúc vào Cục Phát triển đô thị để tinh gọn, do có liên thông nhiệm vụ tham mưu về quy hoạch - kiến trúc với phát triển đô thị, bảo đảm tính tổng thể của quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn theo Luật Quy hoạch.
Bộ Tài nguyên và Môi trường làm rõ về nội dung hợp nhất Cục Đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý Việt Nam và Cục Viễn thám quốc gia thành một đầu mối cấp cục để thực hiện nhiệm vụ về đo đạc, bản đồ và viễn thám. Tại bộ này, người đứng đầu bộ cũng cần làm rõ nội dung kết thúc hoạt động, chuyển chức năng, nhiệm vụ của Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học về Cục Biển và Hải đảo Việt Nam và Cục Lâm nghiệp để gắn kết nhiệm vụ bảo tồn, đa dạng sinh học với địa bàn quản lý cụ thể.
Bộ Y tế báo cáo, làm rõ về nội dung kết thúc hoạt động, chuyển chức năng, nhiệm vụ tham mưu của Cục Khoa học công nghệ và đào tạo về các tổ chức tham mưu chuyên ngành của Bộ Y tế cho phù hợp với phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý về ngành, lĩnh vực của Bộ Y tế.
Ban Chỉ đạo cũng đề nghị Bộ Y tế thực hiện phương án tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (nhiệm vụ quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy chuyển về Bộ Công an) và rà soát để sắp xếp thu gọn thêm đầu mối, bảo đảm giảm tối thiểu từ 15% đến 20% đầu mối.
Bộ Ngoại giao báo cáo, giải trình, làm rõ về nội dung hợp nhất Vụ Đông Bắc Á và Vụ Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương thành một đầu mối cấp vụ (Vụ Châu Á - Thái Bình Dương), để thống nhất đầu mối tham mưu công tác ngoại giao đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Cùng với đó, giải trình, làm rõ về nội dung hợp nhất Vụ ASEAN và Vụ các Tổ chức quốc tế thành một đầu mối cấp vụ (Vụ ASEAN và các tổ chức quốc tế), để thống nhất đầu mối tham mưu công tác ngoại giao đối với các tổ chức quốc tế nói chung, đồng thời có ưu tiên, nhấn mạnh tầm quan trọng của tổ chức cộng đồng ASEAN trong công tác ngoại giao của Việt Nam.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo, giải trình, làm rõ về nội dung rà soát chức năng nhiệm vụ của Vụ Đào tạo, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; trường hợp các nhiệm vụ này chỉ là nhiệm vụ nội bộ trong phạm vi cơ quan, đề nghị chuyển về Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng bộ thực hiện.
Ban chỉ đạo cũng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo, giải trình thêm về nội dung không sử dụng tên gọi Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quốc gia, vì cơ quan này hoạt động theo mô hình tổ chức hành chính, không theo cơ chế ủy ban; sử dụng tên gọi là Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quốc gia. Cùng với đó là nội dung hợp nhất 3 cục (Cục Chuyển đổi số quốc gia; Cục Công nghiệp công nghệ số; Cục Thông tin, thống kê và đánh giá khoa học) xuống còn 2 cục trực thuộc bộ.
Văn phòng Chính phủ báo cáo, giải trình về nội dung hợp nhất Vụ Công nghiệp và Vụ Nông nghiệp thành một đầu mối cấp vụ (Vụ kinh tế ngành hoặc vụ Nông nghiệp - Công nghiệp), bảo đảm tinh gọn, thống nhất, liên thông trong công tác tham mưu, tổng hợp về kinh tế ngành của Văn phòng Chính phủ.
Về nội dung rà soát mô hình hoạt động, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Ban Chỉ đạo cho hay, phải xác định rõ đây là đơn vị sự nghiệp tương đương cấp vụ thuộc Văn phòng Chính phủ, bảo đảm tương quan với các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và tinh gọn biên chế.