Những 'bể bơi thiên nhiên' một thời
Hà Nội từng được gọi là thành phố của sông hồ. Bao quanh có sông Hồng, chảy qua nội đô có sông Thiên Phù, Tô Lịch, Kim Ngưu. Ngoài ra, còn có rất nhiều hồ ao.
Vào mùa hè nóng nực, các hồ Mã Cảnh (hay Cổ Ngựa, tương ứng với Hàng Đậu, Hòe Nhai, Hàng Than ngày nay), phía dưới là hồ Thái Cực (tương ứng với Hàng Bè, Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến hiện nay); hồ Vọng, Bảy Mẫu, Ba Mẫu, Trung Tự, Giảng Võ, Thủ Lệ, Thành Công... đều là “bể bơi”. Các ao lớn nhỏ ở làng Kim Liên, Phương Liệt, Trung Tự, Tương Mai, Hoàng Mai, Khương Thượng... cũng là nơi để tắm và bơi. Rất nhiều người thích tắm ao hồ hơn nước giếng. Chiều chiều, đàn ông thì bơi lặn, đàn bà mặc nguyên áo quần vùng vẫy, còn con trẻ vung chân đập tay tập bơi.
Trong cuốn “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ” (“Une campagne au Tonkin”), tác giả Hocquard viết về hồ Hoàn Kiếm năm 1883 như sau: “Những đứa trẻ cả trai lẫn gái trần truồng bơi trong hồ Gươm”. Cũng trong năm này, lính Pháp đóng quân trong chùa Báo Ân không chịu nổi cái nóng oi ả của miền Bắc đã cởi quần áo tắm ở hồ bên cạnh chùa (nay là phố Lê Thạch). Dân chúng coi đó là hành vi bất kính với đạo Phật nên đã phản đối.
Không chỉ tục dân tắm ao hồ mà vua chúa cũng khoái. Nơi được vua chúa yêu thích chính là hồ Tây vì nước trong, cảnh đẹp. Sử chép, nửa đầu thế kỷ XVIII, quanh làng Nghi Tàm trồng giống trúc thân vàng óng. Vào những ngày nắng, từ xa trông như bức tường dát vàng. Ở khu vực sát bờ hồ Tây có bến tắm dành riêng cho các chúa, vì quanh bến tắm trúc trồng rất dày nên dân quanh vùng gọi bến tắm này là bến Trúc. Mùa hè, chúa Trịnh Giang rời phủ lên bến Trúc nghỉ ngơi và tắm hồ cùng các cung nữ.
Năm 1930, Toàn quyền Đông Dương Pierre Pasquier cho xây khu nghỉ dưỡng và bến tắm dành cho sĩ quan, công chức Pháp cấp cao ở khu vực nay là phố Vệ Hồ. Năm 1936, chính quyền bán khu nghỉ ngơi và bến tắm này cho Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu. Sau năm 1954, khu nghỉ và bến tắm bị phá bỏ.
Cũng đầu những năm 1930, Cao ủy Thể thao Đông Dương đưa ra phong trào “Vui vẻ trẻ trung” làm dấy lên tinh thần thể thao ở các đô thị. Những người Pháp sống ở Hà Nội thành lập câu lạc bộ bơi lội ở đầu đường Cổ Ngư (nay là đường Thanh Niên), có bơi thuyền và bơi trên mặt nước. Câu lạc bộ chỉ dành cho người Pháp, cấm người Việt Nam vào. Bất bình trước sự phân biệt đối xử, một người Việt làm đơn xin phép Đốc lý thành phố mở bên hồ Trúc Bạch một mô hình tương tự như của người Pháp và đặt tên là “Tiểu Đồ Sơn”. Tuy nhiên, do hồ nông, lại bị nước nóng thải ra từ Nhà máy Điện Yên Phụ nên mùa hè, nước hồ đã nóng lại nóng thêm nên không thu hút được người đến bơi. Thêm chuyện cô Nghĩa (nhà ở phố Trúc Lạc), một trong những người tham gia “Nhóm tiểu thư đi bộ Hà Nội - chùa Trầm” bị chết đuối ở đây nên câu lạc bộ đã thưa lại càng thêm vắng, buộc chủ đầu tư phải đóng cửa.
Năm 1932, một người Việt khác làm đơn xin chính quyền thành phố mở bể bơi ở hồ Quảng Bá. Được chấp thuận, ông cho đổ cát, làm nhà thay quần áo và nhà tắm. Thời gian đầu, bơi ở đây chỉ có nam thanh niên, con gái không dám vì mặc quần áo bơi hở hang sợ bị thiên hạ móc máy, chê cười. Được các báo phụ nữ cổ xúy, nhiều chị em đã mạnh dạn lên đây bơi, trong đó có cô Tân (mẹ ca sĩ Khánh Ly).
Với người dân các làng quanh hồ, hồ Tây như ao làng nên họ tự do bơi lội. Năm 1938, ở đây từng có cuộc “thi bơi” của các văn sĩ. Nhà của nhà văn Thạch Lam trong nhóm “Tự Lực văn đoàn” ở đầu làng Yên Phụ soi bóng xuống hồ Tây. Về ngôi nhà của tác giả “Hà Nội băm sáu phố phường”, nhà thơ Huyền Kiêu viết: “Tây Hồ có danh sĩ/ Nhà thì ở nhà tranh/ Cửa trúc cài phên gió/ Trước thềm bóng liễu xanh...”.
Căn nhà “cửa trúc cài phên gió” luôn có các cuộc rượu của các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ: Nhất Linh, Khái Hưng, Trần Tiêu, Thế Lữ (cùng vợ là kịch sĩ Song Kim), Huyền Kiêu, Nguyễn Tường Bách, Đỗ Đức Thu, Đoàn Phú Tứ. Đôi khi có Nguyễn Xuân Sanh, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Lương Ngọc. Một lần có Nguyễn Tuân, lần khác có Nguyễn Đỗ Cung... Trong một cuộc rượu thâu đêm, bốn ông gồm nhà văn Thạch Lam, Nhất Linh, thi sĩ Huyền Kiêu, Đinh Hùng uống hết 15 chai Văn Điển (khoảng 7,5 lít). Trong cơn say, họ đã thách đố thi bơi ở hồ Tây trước nhà Thạch Lam. Và thật may mắn, tất cả dù đuối sức vẫn cố vào được bờ.
Cho đến cuối thế kỷ XX, nhiều ao hồ vẫn là bể bơi thiên nhiên vào mùa hè. Nhưng ao hồ dần bị lấp, những hồ ao còn lại thì nước ô nhiễm rất nặng. Một số hồ cắm biển “Cấm bơi”, vì vậy, thú bơi ao hồ không còn. Tuy nhiên, “cái khó ló cái khôn”, những người thích bơi ao hồ đã ra sông Hồng. Không chỉ mùa hè, mùa đông lạnh buốt họ vẫn vùng vẫy vì bơi với họ là cái thú.