Những bản sáng vùng biên: 'Chọn việc dễ làm trước, khó làm sau, làm đến đâu chắc đến đó'

Hành trình xây dựng bản sáng là một hành trình dài. Từ việc lựa chọn bản nào cho đúng, cho trúng đến triển khai thực hiện, hơn hết vẫn nhằm nâng cao nhận thức, khơi dậy tính chủ động, sáng tạo trong Nhân dân.

Huyện ủy Quan Sơn tổ chức hội nghị triển khai xây dựng mô hình điểm “Bản sáng vùng biên”.

Huyện ủy Quan Sơn tổ chức hội nghị triển khai xây dựng mô hình điểm “Bản sáng vùng biên”.

“Chọn việc dễ làm trước, khó làm sau”

Theo chân những người lính của Đồn Biên phòng (BP) Tam Thanh và Chủ tịch UBND xã Tam Thanh Hà Văn Tựng, chúng tôi vào bản Pa. Vừa đi đường, Thiếu tá Tống Thanh Hưng, Chính trị viên phó Đồn BP Tam Thanh chia sẻ: Tôi vẫn còn nhớ buổi họp với bà con Nhân dân bản Pa (xã Tam Thanh) để lấy ý kiến người dân về xây dựng mô hình điểm “Bản sáng vùng biên”. Khi kết thúc buổi họp, cán bộ BP hỏi bà con: Bà con có đồng ý xây dựng bản sáng vùng biên không ạ. Có quyết tâm không ạ? Những cánh tay giơ cao, cả hội trường nhà văn hóa bản Pa vang lên “Có”.

Để xây dựng được “Bản sáng vùng biên”, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn BP Tam Thanh phối hợp với địa phương, chi ủy, ban quản lý bản Pa tập trung vào công tác tuyên truyền, để nâng cao nhận thức, khơi dậy tính chủ động, sáng tạo trong Nhân dân. Tuyên truyền bao giờ cũng là khâu đầu tiên, vì ít tốn kém, nhưng không dễ đạt hiệu quả nếu làm theo cách cũ, làm hành chính, kiểu trong hội nghị đọc văn bản cho Nhân dân nghe mà phải tuyên truyền đi đôi với “cùng làm”, “cầm tay chỉ việc”, để lấy kết quả minh chứng cụ thể.

Bản Pa có 108 hộ, 540 nhân khẩu, chủ yếu làm nông nghiệp, khai thác lâm sản phụ... nên đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn. Việc đẩy mạnh tuyên truyền cho bà con tìm hướng làm ăn hiệu quả, xây dựng bản văn hóa, ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội là góp phần xây dựng bản Pa trở thành “Bản sáng vùng biên”. Hiện nay, Đồn BP Tam Thanh phối hợp với xã Tam Thanh vừa tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho Nhân dân, vừa thực hiện các đề án, chương trình, phong trào, mô hình giúp dân phát triển kinh tế - xã hội của bộ đội biên phòng (BĐBP); Huy động, vận động các nguồn lực hỗ trợ Nhân dân phát triển kinh tế hộ gia đình, giúp bản Pa xây dựng, củng cố các công trình cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa, xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp...

Nếu như ở các đơn vị khác có những thuận lợi hơn trong quá trình triển khai thực hiện mô hình điểm “Bản sáng vùng biên” thì ở Đồn BP Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo do ảnh hưởng của cơn bão số 3, số 4 vừa qua, việc triển khai các nội dung mô hình điểm tại bản Cha Khót gặp không ít khó khăn. Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn BP Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo xác định “không nóng vội” xây dựng mô hình điểm, với phương châm “làm đến đâu chắc đến đó”, hơn hết đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân. Hiện nay, bản Cha Khót có 55 hộ, 222 nhân khẩu, chủ yếu là đồng báo Thái sinh sống, trong đó là 35 hộ nghèo, 20 hộ cận nghèo. Do ảnh hưởng cơn bão số 3, số 4, bản có 14 hộ nằm trong khu vực sạt lở có nguy cao, 2 hộ di dời khẩn cấp.

Chúng tôi đi dọc bản Cha Khót, vẫn còn những điểm sạt từ quả đồi phía sau những ngôi nhà sàn. Mỗi khi mưa bão, BĐBP, ban quản lý bản thông báo di dời bà con đến điểm lán trại đã xây dựng tạm để tránh trú. Nơi xây dựng lán tạm thời cho bà con trong bản là mảnh đất của già làng - người có uy tín - người bảo vệ cột mốc Vi Văn Hợi.

Ở điểm Trường Tiểu học Cha Khót (Trường Tiểu học Na Mèo) mới xây dựng xong còn thơm mùi sơn; một vài ngôi nhà trong bản vừa mới khánh thành nhưng về lâu dài sẽ phải di dời bản đến nơi mới. Tiếc lắm...nhưng là cần thiết. Dẫu “chậm hơn một nhịp” so với tiến độ, kế hoạch đề ra trong thực hiện mô hình điểm “Bản sáng vùng biên”, nhưng đó là giải pháp an toàn. Tin rằng, sự chung tay của cả hệ thống chính trị, vai trò của BĐBP sẽ là “ngọn đuốc” soi đường để bản Cha Khót tươi sáng, bình yên trong tương lai.

Huy động các nguồn lực thực hiện

Đồng chí Hà Xuân Thành, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quan Sơn cho biết: Những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao vai trò của lực lượng BP nói chung, các đồn BP tuyến Quan Sơn nói riêng trong nhiệm vụ giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, cùng địa phương chung tay phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, đời sống Nhân dân vùng biên dần nâng lên. Mô hình điểm “Bản sáng vùng biên” là mô hình mới được Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh triển khai thực hiện nhưng được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân Quan Sơn đánh giá là mô hình cụ thể, thiết thực với đồng bào. Huyện Quan Sơn đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch xây dựng mô hình điểm ở khu vực biên giới huyện theo tinh thần chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy và kế hoạch của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh. Thường trực Huyện ủy Quan Sơn chỉ đạo các ngành, các xã trong huyện, 3 xã: Mường Mìn, Tam Thanh, Na Mèo phối hợp với các đồn BP thực hiện mô hình điểm “Bản sáng vùng biên”. Quan tâm, ưu tiên hướng nguồn lực về 3 bản khó khăn nhất mà huyện đã lựa chọn xây dựng mô hình điểm; lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, chung tay đồng hành hỗ trợ Nhân dân vượt qua khó khăn vươn lên thành “bản sáng”.

Cán bộ Đồn BP Tam Thanh, lãnh đạo xã Tam Thanh (Quan Sơn) thăm bà con bản Pa.

Cán bộ Đồn BP Tam Thanh, lãnh đạo xã Tam Thanh (Quan Sơn) thăm bà con bản Pa.

Đại tá Hoàng Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: Từ tháng 8/2024 các đơn vị BP tuyến biên giới đất liền tiến hành triển khai thực hiện mô hình điểm “Bản sáng vùng biên” với phương châm “Chọn việc dễ làm trước, khó làm sau, làm đến đâu chắc đến đó, có kết quả, có sản phẩm, có thay đổi để Nhân dân trực tiếp nhận thấy hiệu quả”. Hiện nay, 100% các đơn vị đã tổ chức quán triệt đầy đủ nghị quyết, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của bộ chỉ huy về xây dựng mô hình điểm đến cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị nhằm thống nhất nhận thức và xác định quyết tâm hành động. Các đơn vị đã phối hợp với địa phương khảo sát thực tế, đánh giá thực trạng, cụ thể hóa các nội dung xây dựng các văn bản thực hiện của đồn, thành lập tổ giúp việc; tổ chức họp dân trong thôn, bản được lựa chọn xây dựng mô hình điểm “Bản sáng vùng biên” để tuyên truyền, tạo sự đồng thuận và tích cực trong triển khai thực hiện kế hoạch. Một số đơn vị đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện các công việc theo kế hoạch và tiến trình biểu đề ra, bước đầu có kết quả như các đồn BP: Quang Chiểu, Pù Nhi, Tam Chung, Trung Lý, Hiền Kiệt, Yên Khương...

BĐBP tỉnh xác định việc thực hiện mô hình điểm “Bản sáng vùng biên” sẽ ưu tiên huy động nhân lực (trí tuệ, công sức lao động, công sức đi vận động tuyên truyền); vận động các nguồn lực bằng vật chất (cây con giống), để tạo mô hình sinh kế vững chắc cho đồng bào; các trang thiết bị vật chất phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình dân sinh và xây dựng các thiết chế văn hóa (đường hoa, cổng chào, nhà văn hóa, tủ sách)... Xây dựng “Bản sáng vùng biên” sẽ là công việc khó, nhưng với quyết tâm chính trị cao, có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự phối hợp hỗ trợ của các cấp, các ngành trong tỉnh; của Huyện ủy, UBND các huyện biên giới, các địa phương và sự chung tay đồng hành của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nhà hảo tâm thì mô hình sẽ thành công. Với tinh thần “Vì Nhân dân phục vụ”, tất cả hướng về biên cương Tổ quốc; cùng với truyền thống gắn bó máu thịt của quân dân biên giới, với trách nhiệm trước đồng bào các dân tộc, cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh sẽ đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm nỗ lực với trách nhiệm cao nhất để góp công, góp sức đồng hành cùng với Nhân dân xây dựng các bản làng biên giới sớm trở thành những “bản sáng” thực sự ở xứ Thanh.

Bài và ảnh: Bùi Huấn

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nhung-ban-sang-vung-bien-nbsp-chon-viec-de-lam-truoc-kho-lam-sau-lam-den-dau-chac-den-do-34045.htm
Zalo