Tăng hiệu quả việc đổi mới, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị
Sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị là phát huy nguồn nhân lực, khai thác tối đa tiềm lực của các cơ quan, ban ngành trong hệ thống chính trị ở Việt Nam là xu thế tất yếu, đồng thời là chủ trương lớn được Ðảng, Nhà nước chỉ đạo tập trung thực hiện tạo ra bước đột phá mới, hiệu lực, hiệu quả cao đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Trong những năm qua, Đảng ta ban hành nhiều nghị quyết trong đó có Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng về tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị, trên cơ sở nhìn thẳng, đánh giá đúng thực trạng, quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng ta với tinh thần phát huy dân chủ, quyền làm chủ của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong trong tham gia đóng góp ý kiến, chất vấn, tranh luận những vấn đề chưa sáng tỏ. Cán bộ, công chức, người đứng đầu cơ quan, đơn vị lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tiếp thu, giải trình theo hai chiều những vấn đề theo yêu cầu giám sát, khảo sát ý kiến cử tri, phản biện của xã hội.
Quá trình phát huy dân chủ đã tạo không khí thẳng thắn nhằm tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn để đạt hiệu quả trong xây dựng, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức trong hệ thống chính trị, kịp thời khắc phục hạn chế, bất cập trong thực hiện nhiệm vụ.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì các thành tố bộ phận, cơ chế vận hành, phương thức hoạt động của hệ thống chính trị đã và đang bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, cần có các giải pháp tiếp tục đổi mới. Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ: “Tổ chức bộ máy hệ thống chính trị nước ta tuy đã được đổi mới ở một số bộ phận, nhưng cơ bản vẫn theo mô hình được thiết kế từ hàng chục năm trước, nhiều vấn đề không còn phù hợp với điều kiện mới là trái với quy luật phát triển; tạo ra tâm lý nói không đi đôi với làm”. Hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay vẫn còn quá cồng kềnh, nhiều tầng, nấc, nhiều đầu mối. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, quan hệ công tác giữa nhiều cơ quan, bộ phận chưa thật rõ ràng, còn trùng lắp, chồng chéo, có cấp không rõ địa vị pháp lý; đơn vị trực thuộc có tư cách pháp nhân tăng.
Với tinh thần dân chủ, cầu thị, lắng nghe, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cần có các giải pháp đồng bộ.
Thứ nhất, đổi mới, sáp nhập và sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đều hướng tới sự tinh gọn của tổ chức, giảm số lượng cán bộ, công chức, giảm số lượng người quản lý, nhất là người quản lý trung gian ở các tầng, nấc khác nhau;sự tinh gọn của nguồn nhân lực sau khi sáp nhập, sắp xếp lại đạt được tiêu chí quan trọng: Giảm quy mô, số lượng cán bộ, công chức; trình độ kiến thức, chất lượng phục vụ nhân dân, thái độ của cán bộ, công chức được nâng lên và chuyên nghiệp hơn thông qua ý kiến đánh giá của nhân dân; cơ chế phối hợp, hợp tác giữa các tổ chức của hệ thống chính trị để thực hiện công việc chung là cung cấp tốt nhất dịch vụ công.
Thứ hai, hoạt động hiệu lực của hệ thống chính trị sau khi sáp nhập và sắp xếp lại, bao gồm: Tính hiệu lực của văn bản pháp luật được ban hành bởi các cơ quan của hệ thống chính trị; mục tiêu, nội dung, phương thức, nguồn lực, điều kiện thực hiện, được quy định trong các văn bản pháp quy và các văn bản pháp quy đã ban hành bởi các cơ quan được thực hiện đúng, đầy đủ nội dung và kịp thời.
Thứ ba, hoạt động hiệu quả của hệ thống chính trị được thể hiện: Hiệu quả chi công và tiết kiệm chi công nhằm giảm ngân sách nhà nước; hiệu quả và chất lượng dịch vụ công nói chung và dịch vụ hành chính công nói riêng; sự đồng tình, ủng hộ và niềm tin của người dân đối với hệ thống chính trị thể hiện ở mức độ hài lòng khi sử dụng dịch vụ công nói chung, dịch vụ hành chính công nói riêng; cải thiện khối lượng, năng suất và chất lượng lao động của cán bộ, công chức; cải thiện thu nhập cho cán bộ, công chức, hướng tới việc cán bộ, công chức sống được bằng lương để làm việc một cách chuyên nghiệp; gia tăng đầu tư phát triển, như đào tạo cán bộ, công chức phù hợp với bối cảnh mới của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Hiện nay, cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị sẽ là một trong những động lực quan trọng nhất đưa đất nước ta tiến nhanh, tiến mạnh vào kỷ nguyên mới.