Những ai đứng đằng sau vụ rò rỉ Hồ sơ Pandora chấn động?

Vụ rò rỉ thông tin về tài sản của giới lãnh đạo và nhà giàu ở các thiên đường thuế hải ngoại có thể khiến một số nhân vật 'nóng mặt' vì bị nhắc tên, nhưng có thể không khiến ai phải ngồi tù.

Mục tiêu sâu xa của Hồ sơ Pandora là gì?

Vậy tại sao Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) lại quyết định công bố Hồ sơ Pandora – đợt rò rỉ thông tin mới nhất, lớn nhất từ trước tới nay?

Theo đài Sputnik (Nga), “Cơ sở dữ liệu rò rỉ hải ngoại” trực tuyến của ICIJ được công bố cùng lời miễn trừ trách nhiệm, thừa nhận rằng giữ tiền và tài sản ở thiên đường thuế hải ngoại không phải là hành vi phạm tội. Lời miễn trừ trách nhiệm này có đoạn: “Có những cách sử dụng ủy thác và công ty hải ngoại hợp pháp. Chúng tôi không có ý định ám chỉ bất kỳ ai, công ty hay thực thể nào trong Cơ sở dữ liệu rò rỉ hải ngoại ICIJ vi phạm luật hay có hành vi sai trái”.

Để có lượng dữ liệu 2,94 terabyte trong Hồ sơ Pandora, trang web của ICIJ đã mời gọi mọi người tiết lộ thông tin cho các nhà báo. Những người tiết lộ thông tin cho Hồ sơ Pandora tới từ 14 công ty hoạt động ở 13 khu vực. Trong khi đó, vụ Hồ sơ Panama năm 2016 chỉ dựa trên hồ sơ của một công ty luật duy nhất ở Panama là Mossack Fonseca.

Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều thông tin về tài sản hải ngoại đã sẵn có công khai. Ở Anh, Mỹ và Australia, trong chục năm qua, giới chức thuế yêu cầu bắt buộc cá nhân đăng ký tài sản ở nước ngoài, nếu không sẽ bị truy tố. Ba quốc gia này chia sẻ thông tin đó để hỗ trợ chống trốn thuế.

Đạo luật Trừng phạt và Chống rửa tiền của Anh năm 2018 yêu cầu thiết lập hệ thống đăng ký các lợi ích ở nước ngoài mà ai cũng có thể truy cập. Thực ra, dữ liệu từ cơ quan thuế của Anh cho thấy cứ 10 người Anh thì có một người có lợi ích tài chính ở nước ngoài. Tuy nhiên, ICIJ chỉ liệt kê các giao dịch tài chính, tài sản của các lãnh đạo thế giới hiện nay và trước kia để kích thích độc giả.

Một loạt cái tên bị nhắc tới trong Hồ sơ Pandora. Ảnh: Daily Sabah

Một loạt cái tên bị nhắc tới trong Hồ sơ Pandora. Ảnh: Daily Sabah

Trong những cái tên bị nhắc đến có những quan chức ở một loạt quốc gia đang phát triển cũng như những nhân vật gần đây bị “thất sủng” ở phương Tây. Một số người quen của Tổng thống Nga Vladimur Putin cũng bị điểm tên cùng với các cố vấn của cựu Tổng thống Donald Trump.

Thủ tướng Séc Andrej Babis là một mục tiêu nổi bật, nhất là trong bối cảnh Séc sắp diễn ra bầu cử. Gần đây, ông đã từ chối yêu cầu của Liên minh châu Âu rằng Séc phải chấp nhận hạn ngạch người nhập cư bất hợp pháp vượt Địa Trung Hải – làn sóng di cư do chính Mỹ tạo ra khi nỗ lực thay đổi chế độ ở Libya và Syria.

Hồ sơ Pandora cho thấy ông Babis dùng công ty đầu tư ở thiên đường thuế để mua một lâu đài 22 triệu USD ở miền nam nước Pháp. Ông Babis đã phản đối các thông tin rò rỉ về tài sản của mình và coi những thông tin này là nỗ lực nhằm làm ảnh hưởng tới cuộc bầu cử tháng này. Ông nói trên Twitter: “Tôi chưa từng làm gì phi pháp hay sai trái, nhưng điều đó không ngăn cản họ tìm cách bôi nhọ tôi lần nữa và tác động tới bầu cử quốc hội Séc”.

Một gương mặt khác là Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, trên danh nghĩa là đồng minh phương Tây nhưng đã không còn được "sủng ái" ở Washington sau vụ ông Trump đề nghị ông Zelensky điều tra các phi vụ đáng ngờ tại Ukraine của đương kim Tổng thống Joe Biden.

Những người chống lưng

Có nhiều quỹ tài trợ hỗ trợ tài chính cho ICIJ. Ảnh minh họa: ICIJ

Có nhiều quỹ tài trợ hỗ trợ tài chính cho ICIJ. Ảnh minh họa: ICIJ

Vậy ai là người trả tiền cho 240 nhà báo của ICIJ để rà soát, phân tích hồ sơ tài sản của các cá nhân ở nước ngoài?

Những người hỗ trợ tài chính của ICIJ gồm Quỹ tài trợ Adessium, Quỹ tài trợ Xã hội mở (OSF), Quỹ tín thác Sigrid Rausing, Quỹ tài trợ Ford, Quỹ tài trợ Fritt Ord và Trung tâm Báo cáo Khủng hoảng Pulitzer và ông trùm truyền thông Australia Graeme Wood.

OSF là phương tiện để tỷ phú George Soros tài trợ cho các tổ chức phi chính phủ khắp thế giới, trong đó nhiều tổ chức bị cáo buộc hỗ trợ thay đổi chế độ ở một số quốc gia.

Quỹ Adessium ở Hà Lan đã hỗ trợ tài chính cho Bellingcat, một tổ chức thường xuyên phát các tuyên bố cáo buộc Chính phủ Syria và đồng minh phạm tội ác chiến tranh, trong khi không đả động tới các nước như Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ - hai nước tiếp tục hỗ trợ các nhóm phiến quân vũ trang.

Quỹ tài trợ Ford do ông trùm ngành ô tô Henry Ford và con trai sáng lập năm 1936, chín năm sau khi ông Ford ngừng xuất bản tờ báo chống Do Thái The Dearborn Independent do vướng các vụ kiện. Một trong những hoạt động ở nước ngoài của quỹ này do Nhóm đấu tranh chống tình trạng vô nhân đạo ở Tây Berlin đảm nhiệm. Đây là một mặt trận của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ chuyên thực hiện các chiến dịch gián điệp và phá hoại ở Đông Đức.

Quỹ tài trợ Fritt Ord thường trao các giải thưởng tự do ngôn luận hàng năm. Quỹ cũng tài trợ cho Tổ chức Nhân quyền (HRF) mà người sáng lập là Thor Halvorssen Mendoza – em họ của thủ lĩnh đảng đối lập Venezuela Leopoldo Lopez Mendoza. Lopez bị bỏ tù năm 2015 vì kích động bạo lực gây chết người năm 2014. Chủ tịch của HRF cũng là một nhân vật đối lập ở Nga.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/nhung-ai-dung-dang-sau-vu-ro-ri-ho-so-pandora-chan-dong-20211005105117936.htm
Zalo