Nhức nhối vấn nạn thuốc giả bán trên mạng xã hội

Trong những năm gần đây, tình trạng thuốc giả, kém chất lượng được rao bán tràn lan trên mạng xã hội đã trở thành một vấn nạn đáng báo động tại Việt Nam.

Thuốc giả xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng

Theo cơ quan chức năng, một số loại thuốc giả phổ biến trên mạng xã hội gồm thuốc giảm cân, thuốc hỗ trợ điều trị ung thư, thuốc tăng cường sinh lý và các loại thực phẩm chức năng... Các sản phẩm thuốc giả thường không rõ nguồn gốc, không được kiểm định chất lượng và dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng thông qua các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, TikTok, hoặc Instagram.

Trên mạng xã hội, các loại thuốc giả đôi khi núp bóng trong những quảng cáo kiểu như “chữa khỏi bệnh 100%”, “giá rẻ hơn thị trường” hoặc “cam kết an toàn”. Tuy nhiên, thực tế nhiều người mua phải thuốc giả đã gặp hậu quả nghiêm trọng như bệnh tình không thuyên giảm, ngộ độc hoặc thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Trên thực tế, qua công tác kiểm tra, giám sát, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện nhiều vụ việc sản xuất, kinh doanh thuốc giả qua mạng xã hội. Điển hình như vào ngày 7/1/2025, Công an tỉnh Nam Định cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nam Trực đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Vũ (SN 1995, trú ở xóm Nam Giao Cù Thượng, xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Quá trình điều tra xác định Nguyễn Văn Vũ thông qua mạng xã hội đặt mua các sản phẩm thuốc nhỏ mắt nhãn hiệu Trung Quốc với giá rẻ và đặt kèm theo vỏ hộp, tem, nhãn thương hiệu thuốc nhỏ mắt của Nhật Bản. Vũ đăng tải các bài viết, quảng cáo các sản phẩm thuốc nhỏ mắt nhãn hiệu Nhật Bản trên mạng xã hội.

Khi các bị hại tin tưởng nội dung quảng cáo, giới thiệu, đặt mua, Vũ trực tiếp đóng hàng và gửi dịch vụ COD (nhận hàng, trả tiền) cho bị hại.

Đối tượng Nguyễn Văn Vũ và tang vật vụ án. Ảnh: Công an tỉnh Nam Định

Đối tượng Nguyễn Văn Vũ và tang vật vụ án. Ảnh: Công an tỉnh Nam Định

Trước đó, vào ngày 9/7/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hà Nội cũng đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 3 đối tượng là Chu Văn Diễn (sinh năm 1996, thường trú tại phường Thịnh Lang, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình); Trần Thị Phương Thảo (sinh năm 1996, thường trú tại phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội) và Nguyễn Đắc Dũng (sinh năm 1981, thường trú tại xã Cao Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh.

Theo điều tra, nhóm này đã mua thuốc nam nhãn hiệu Kháu Vài Lèng, Đại tràng HG giả sau đó lập fangpage giả mạo và sử dụng số điện thoại gần giống số điện thoại của Hợp tác xã dược liệu nam dược Mạc Minh (đơn vị sản xuất, phân phối thuốc nam Kháu Vài Lèng, Đại tràng HG) để đăng bán thuốc chữa bệnh giả đánh lừa khách hàng.

Đây chỉ là hai trong số nhiều vụ việc thuốc giả bán qua mạng xã hội được lực lượng chức năng phát hiện trong thời gian qua. Điều này tạo nên sự lo lắng cho không chỉ các cơ quan quản lý mà cả những người tiêu dùng. Vậy từ đâu mà tình trạng buôn bán thuốc giả xuất hiện nhiều trên mạng xã hội?

Theo nhận định của một chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng bán thuốc giả qua mạng xã hội diễn biến phức tạp. Đầu tiên là việc sản xuất và bán thuốc giả mang lại nguồn lợi nhuận cao vì chi phí sản xuất thấp, trong khi giá bán có thể ngang ngửa với thuốc thật. Điều này khiến các đối tượng xấu nảy sinh tâm lý hám lợi, bất chấp vì tiền mà kinh doanh trái đạo đức.

Thêm vào đó, việc giám sát, xử lý hành vi buôn bán thuốc giả trên mạng xã hội còn gặp nhiều khó khăn do các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để qua mắt cơ quan chức năng như nhận giao hàng qua bưu điện, tạo ra các thông tin địa chỉ xuất hàng giả mạo, đặt máy chủ ở nước ngoài...

Việc thuốc giả xuất hiện nhiều trên mạng còn có phần xuất phát từ việc người tiêu dùng chưa có đủ kiến thức để phân biệt thuốc thật và thuốc giả, dễ dàng bị lôi kéo bởi quảng cáo hấp dẫn trên mạng xã hội. Đặc biệt, những chiêu trò giảm giá, ưu đãi rất dễ đánh vào lòng tham của người mua....

Cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý các đối tượng bán thuôc giả trên mạng xã hội. Ảnh minh họa

Cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý các đối tượng bán thuôc giả trên mạng xã hội. Ảnh minh họa

Làm sao để xử lý tận gốc?

Để đối phó với vấn nạn thuốc giả trên mạng xã hội, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ với các nền tảng mạng xã hội để kiểm tra, phát hiện và gỡ bỏ các nội dung quảng cáo thuốc giả. Đồng thời, cần tăng cường các chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với các đối tượng vi phạm.

Bên cạnh đó, thực hiện các chiến dịch tuyên truyền để giúp người dân hiểu rõ về nguy cơ khi mua thuốc trên mạng xã hội, cách nhận biết thuốc thật và địa chỉ mua thuốc uy tín.

Cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ thị trường dược phẩm, thường xuyên kiểm tram giám sát thị trường và nắm bắt thông tin về các hành vi vi phạm. Các nhà sản xuất và nhà phân phối thuốc cần có biện pháp quản lý chặt chẽ nguồn cung và phân phối thuốc, ứng dụng công nghệ như mã QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời, xây dựng các kênh bán hàng trực tuyến chính thức và được chứng nhận, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận sản phẩm an toàn.

Về phía người tiêu dùng, cần chắt lọc thông tin quảng cáo sản phẩm, nhất là thuốc trên mạng xã hội, chỉ nên mua thuốc ở những website uy tín, được chứng nhận và nói không với các loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Thuốc giả trên mạng xã hội không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn là mối nguy hại lớn đối với sức khỏe và tính mạng của người dân. Việc ngăn chặn tình trạng này đòi hỏi sự chung tay của cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng. Chỉ khi có sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt, chúng ta mới có thể loại bỏ được vấn nạn này và xây dựng một môi trường mua sắm trực tuyến an toàn, lành mạnh.

Bộ Y tế cần có đơn vị chuyên trách chống thuốc giả mạo trên các mạng xã hội

Phát biểu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV diễn ra sáng 22/10/2024, Đại biểu quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Bình Định) nêu, tình trạng bán thuốc tràn lan trên môi trường mạng với một số sản phẩm không phải là thuốc, gây nguy hại cho sức khỏe, bức xúc trong dư luận. Vì vậy, đại biểu tán thành việc quy định chặt chẽ về kinh doanh thuốc qua thương mại điện tử.

Đại biểu nêu quan điểm, các thuốc bán online phải là loại thuốc được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các thuốc bán qua thương mại điện tử phải bao gồm thuốc không kê đơn và thuốc theo đơn được cơ sở y tế kê trên hệ thống đơn thuốc điện tử, sổ khám bệnh điện tử, bệnh án điện tử. Nhà thuốc được bán online cần đảm bảo tiêu chuẩn mà Bộ Y tế ban hành, thẩm định, cấp phép.

Theo đại biểu, dự thảo luật cũng cần có điều, khoản cụ thể quy định rằng Bộ Y tế cần có bộ phận chuyên trách chống thuốc giả mạo trên các mạng xã hội, tiếp nhận thông tin, kiểm tra tính chính xác của thông tin thuốc quảng cáo để đẩy lùi tình trạng quảng cáo thuốc kém chất lượng bừa bãi, tràn lan trên mạng xã hội.

Phong Lâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhuc-nhoi-van-nan-thuoc-gia-ban-tren-mang-xa-hoi-368985.html
Zalo