Như thế nào thì bị coi là vận chuyển trái phép kim loại và đá quý?

Theo Bộ Công an, trường hợp một người đi du lịch rồi mua kim cương hoặc các loại đá quý khác bỏ vào hành lý mang về, nếu vượt định mức hành lý miễn thuế qua khu vực kiểm tra hải quan mà không khai hải quan đều coi là hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bất hợp pháp và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Hình ảnh kim cương trong hành lý xách tay mà lực lượng chức năng soi thấy. Ảnh: CACC

Hình ảnh kim cương trong hành lý xách tay mà lực lượng chức năng soi thấy. Ảnh: CACC

Vận chuyển trái phép hơn 700 viên kim cương

Cuối tháng 10/2024, qua công tác nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát kinh tế - CATP Hồ Chí Minh phát hiện thông tin về hoạt động vận chuyển trái phép hàng hóa là kim cương qua Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Sau khi vận chuyển trót lọt, số kim cương trên sẽ được đối tượng bán lại cho các chủ hàng người Việt Nam trên địa bàn TP nhằm thu lợi bất chính.

Theo đó, lúc 9h ngày 23/10/2024, Phòng Cảnh sát Kinh tế - CATP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và CA quận Tân Bình kiểm tra và phát hiện P.S.H (quốc tịch Ấn Độ) nhập cảnh từ Ấn Độ vào Việt Nam qua Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất có hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa là kim cương. Qua làm việc, đối tượng đã thừa nhận toàn bộ hành vi như trên. Kết quả kiểm tra ban đầu, Cơ quan chức năng xác định số hàng hóa do P.S.H vận chuyển trái phép gồm hơn 700 viên kim cương tự nhiên và nhân tạo, trị giá ước tính hàng chục tỷ đồng.

Căn cứ kết quả xác minh, làm việc ban đầu và tài liệu chứng cứ thu thập, Cơ quan Cảnh sát điều tra CATP Hồ Chí Minh nhận thấy hành vi của P.S.H có dấu hiệu của tội “Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới” được quy định tại Điều 189 Bộ luật Hình sự. Vậy như thế nào thì bị coi là vận chuyển trái phép kim loại và đá quý? Trường hợp một người đi du lịch rồi mua kim cương hoặc các loại đá quý khác bỏ̉ vào hành lý mang về̀, nếu bị lực lượng chức năng phát hiện thì có bị coi là vận chuyển đá quý trái phép không? Nếu là trái phép thì sẽ̃ bị xử lý như thế nào?

Vượt định mức hành lý miễn thuế không khai báo là bất hợp pháp

Trả lời những câu hỏi này, theo Bộ Công an, căn cứ quy định theo từng thời điểm để xác định tiêu chuẩn hành lý, định mức hành lý được miễn thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Trường hợp, người xuất cảnh, nhập cảnh mang hàng hóa vượt định mức hành lý miễn thuế qua khu vực kiểm tra hải quan mà không khai hải quan đều coi là hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bất hợp pháp và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Như vậy, trường hợp một người đi du lịch rồi mua kim cương hoặc các loại đá quý khác bỏ vào hành lý mang về, nếu vượt định mức hành lý miễn thuế qua khu vực kiểm tra hải quan mà không khai hải quan đều coi là hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bất hợp pháp và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Việc xử lý phải căn cứ vào hành vi ý thức của người thực hiện theo từng trường hợp cụ thể.

Về hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh, khoản 7 Điều 4 Luật Hải quan 2014 quy định: hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh là vật dụng cần thiết cho nhu cầu sinh hoạt hoặc mục đích chuyến đi của người xuất cảnh, nhập cảnh, bao gồm hành lý mang theo người, hành lý gửi trước hoặc gửi sau chuyến đi.

Điều 54 Luật Hải quan 2014 quy định: hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh phải chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan tại cửa khẩu; hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh vượt định mức miễn thuế phải làm thủ tục hải quan như đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Người xuất cảnh, nhập cảnh có thể gửi hành lý vào kho tại cửa khẩu và được nhận lại khi nhập cảnh, xuất cảnh; tiêu chuẩn hành lý, định mức hành lý được miễn thuế thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế.

Khoản 30 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 quy định: người xuất cảnh, nhập cảnh không phải khai hải quan nếu không có hành lý vượt định mức miễn thuế theo quy định của pháp luật về thuế, không có hành lý gửi trước hoặc gửi sau chuyến đi. Người xuất cảnh, nhập cảnh mang hàng hóa vượt định mức hành lý miễn thuế qua khu vực kiểm tra hải quan mà không khai hải quan đều coi là hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bất hợp pháp và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Khi khai hải quan, người khai hải quan không gộp chung định mức miễn thuế của nhiều người nhập cảnh để khai báo miễn thuế cho một người nhập cảnh, trừ hành lý của các cá nhân trong một gia đình mang theo trong cùng chuyến đi. Việc khai báo định mức miễn thuế tính theo từng lần nhập cảnh.

Miễn thuế đối với hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh được quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Cụ thể, người nhập cảnh bằng hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu (trừ giấy thông hành dùng cho việc xuất cảnh, nhập cảnh), do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam hoặc của nước ngoài cấp, có hành lý mang theo người, hành lý gửi trước hoặc gửi sau chuyến đi được miễn thuế nhập khẩu cho từng lần nhập cảnh theo định mức như sau: rượu từ 20 độ trở lên: 1,5 lít hoặc rượu dưới 20 độ: 2,0 lít hoặc đồ uống có cồn, bia: 3,0 lít. Đối với rượu, nếu người nhập cảnh mang nguyên chai, bình, lọ, can… có dung tích lớn hơn dung tích quy định nhưng không vượt quá 1 lít thì được miễn thuế cả chai. Trường hợp vượt quá 1 lít thì phần vượt định mức phải nộp thuế theo quy định của pháp luật. Thuốc lá điếu: 200 điếu hoặc thuốc lá sợi: 250 gam hoặc xì gà: 20 điếu.

Đồ dùng cá nhân với số lượng, chủng loại phù hợp với mục đích chuyến đi. Các vật phẩm khác ngoài hàng hóa quy định tại các điểm a, b, và c khoản này (không nằm trong Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hoặc nhập khẩu có điều kiện) có tổng trị giá hải quan không quá 10.000.000 đồng. Trường hợp vượt định mức phải nộp thuế, người nhập cảnh được chọn vật phẩm để miễn thuế trong trường hợp hành lý mang theo gồm nhiều vật phẩm.

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nhu-the-nao-thi-bi-coi-la-van-chuyen-trai-phep-kim-loai-va-da-quy-407341.html
Zalo