Hướng dẫn biện pháp phòng ngừa với tội phạm trộm cắp, lừa đảo

Dự đoán được tình hình, diễn biến phức tạp của tội phạm nên năm nào cũng vậy, cứ vào thời điểm cuối năm là Bộ Công an, Công an TPHCM (CATP) luôn triển khai cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo vệ trật tự an toàn xã hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Cơ quan chức năng đã dốc sức bảo vệ bình yên nhưng về phía người dân cũng cần nâng cao cảnh giác, đề phòng với các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm lợi dụng sự vội vã, hớ hênh, chủ quan trong bảo vệ tài sản của khổ chủ vào dịp năm hết, Tết đến mà ra tay chớp nhoáng. Để người dân nâng cao cảnh giác, CATP vừa có thông báo tuyên truyền về thủ đoạn và biện pháp phòng ngừa tội phạm dịp Tết đến.

Cảnh giác với trộm cắp cơ hội

Nhằm bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để người dân TPHCM vui xuân, đón Tết an toàn, lành mạnh và tiết kiệm, cũng như thực hiện có hiệu quả cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm, song song với việc triển khai nhiều kế hoạch để các đơn vị nghiệp vụ tấn công, trấn áp tội phạm trực diện, CATP còn xây dựng tài liệu tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội để người dân nâng cao cảnh giác, đề phòng.

Các pha khống chế bắt tội phạm của Công an

Các pha khống chế bắt tội phạm của Công an

Về trộm cắp, căn cứ kết quả điều tra của các năm, cũng như các vụ việc xảy ra trong năm 2024, cơ quan CA đã hệ thống phương thức, thủ đoạn của nhóm tội phạm trộm cắp tài sản như sau: Các đối tượng nhắm vào các hộ gia đình thường xuyên vắng nhà, không có người trông coi hoặc ở khu dân cư thưa thớt, nhất là trong giai đoạn trước, trong vào sau Tết, người dân thường đi chúc Tết, du lịch, về thăm quê... kẻ gian sẽ nhân cơ hội đột nhập vào nhà vơ vét tài sản. Biện pháp phòng ngừa cho các hộ gia đình là nên gia cố lại các loại cửa, sử dụng những loại khóa có chức năng chống trộm, chống axít để chống cắt, phá khóa. Khi đi ngủ cần kiểm tra các cửa ra vào, cửa sổ, cửa trên tầng, cửa ra ban công, sân thượng... Khi đi chơi Tết, du lịch vắng nhà nhiều ngày phải nhờ người đến trông coi. Đối với các vila, hộ dân sát mặt đường nên làm tường rào ngăn chặn việc leo trèo từ cây xanh, trụ điện sát gần để đột nhập vào trong nhà. Còn nhớ, cách nay vài năm, một nhóm tội phạm Hàn Quốc sau khi điều nghiên kỹ địa hình, quy luật sinh hoạt của gia chủ đã leo cây xanh, vượt tường rào đột nhập vào một biệt thự ở khu vực Q7 trộm cắp tài sản. Với sự vào cuộc quyết liệt, CAQ7 phối hợp với Phòng CSHS CATP nhanh chóng bắt được nhóm tội phạm này.

Dẫu nằm trong khu dân cư cao cấp hay là các hộ dân nhỏ lẻ bên ngoài thì tốt nhất các gia chủ cũng nên trang bị thêm camera giám sát hoặc chuông báo chống trộm để xử lý từ xa. Mặt khác, mỗi hộ gia đình nên tạo mối quan hệ gắn bó với hàng xóm xung quanh, trao đổi số điện thoại để hỗ trợ, cùng nhau bảo vệ tài sản khi cần thiết theo kiểu "tắt lửa tối đèn có nhau".

Trộm cắp còn thường xuất hiện trong các trường hợp người dân lơ là trong quản lý tài sản như để xe máy nơi vắng vẻ, ít người qua lại; để xe ngoài đường, trước cửa nhà, trước các cửa hàng, khuất tầm qua sát nhưng không sử dụng khóa chống trộm, không khóa cổ hoặc quên rút chìa khóa xe. Ngày lễ, Tết tại các điểm vui chơi, lễ hội, công cộng, chợ, siêu thị, bến tàu, bến xe thường tập trung đông người, đây là cơ hội tốt cho tội phạm trộm cắp, móc túi trà trộn hoạt động. Tất nhiên, CA địa phương, trinh sát hình sự luôn tuần tra công khai, kết hợp với mật phục bảo vệ nhưng người dân vẫn phải chủ động đề phòng bởi tội phạm có vô vàn mánh lưới. Theo đó, nhóm tội phạm trà trộn trộm cắp thường hoạt động từ 2 tên trở lên, ăn mặc lịch sự, chọn đứng ở chỗ đông người để "săn mồi". Khi phát hiện người dân có tài sản như đeo dây chuyền vàng, điện thoại, ví tiền để trong túi áo, túi quần, giỏ xách, bao lô... đối tượng sẽ tiếp cận tạo ra cảnh chen lấn, xô đẩy để thực hiện hành vi trộm cắp và chuyền cho đồng bọn tẩu tán. Ngay trong cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo vệ bình yên Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Phòng CSHS CATP đã triệt phá một băng trộm cắp với 10 đối tượng chuyên gây án tại các công viên trên địa bàn TP. Phương thức của nhóm này là trà trộn như người đi chơi công viên, đi tập thể dục rồi lợi dụng trộm ĐTDĐ, bóp tiền của các nạn nhân. Tính đến khi bị bắt, chúng đã thực hiện tổng cộng 15 vụ.

Nhóm đối tượng trộm cắp ở công viên vừa bị Phòng CSHS bắt

Nhóm đối tượng trộm cắp ở công viên vừa bị Phòng CSHS bắt

Đối với các cơ quan, công sở, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, tội phạm thường tấn công vào các nơi có lực lượng bảo vệ mỏng, hệ thống camera, chuông báo động bị hỏng hoặc thiếu, yếu. Giải pháp phòng ngừa là cần bố trí bảo vệ trực 24/24, thường xuyên theo dõi, cập nhật về tình hình ANTT trên địa bàn, nơi cơ quan trú đóng, tập huấn kiến thức pháp luật và cung cấp thông tin tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của tội phạm trộm cắp cho cán bộ, công chức nắm được để nâng cao ý thức cảnh giác và phòng ngừa.

Lừa đảo sử dụng công nghệ cao "tăng nhiệt"

Có thể nói, hình thái tội phạm hiện nay đã thay đổi khá nhiều so với những năm trước. Sau một thời gian dài CATP đẩy mạnh đấu tranh quyết liệt trên mọi phương diện chuyên môn, nghiệp vụ như lập chuyên án đấu tranh, tổ chức truy xét đến cùng, mật phục theo dõi, giám sát địa bàn trọng yếu, kể cả việc trang bị thêm hàng trăm "mắt thần" trên các khu dân cư, đường phố thì tội phạm cướp giật đường phố đã giảm rõ nét. Đây là một điểm sáng tích cực cần ghi nhận về nỗ lực của CATP. Tuy nhiên, diễn biến của tội phạm luôn phức tạp, nếu như cướp giật trên đường phố, trộm cắp nơi công cộng có giảm thì tội phạm lừa đảo, đặc biệt tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản (CĐTS) lại diễn biến vô cùng phức tạp, khó lường. Một trong những điểm khó khăn trong việc ngăn chặn loại tội phạm này là các máy chủ hoạt động thực hiện thủ đoạn lừa đảo phần lớn được đặt ở nước ngoài, nạn nhân tiếp nhận cuộc gọi, kết nối bạn bè qua các mạng xã hội (MXH) lại nằm trong thế bị động, khi sự việc vỡ lở mới trình báo CA để giải quyết phần ngọn của vấn đề. Theo ghi nhận, mỗi ngày tại TP có ít nhất 1 hoặc 2 vụ lừa đảo sử dụng công nghệ cao để CĐTS. Lừa đảo bằng công nghệ cao không chỉ nóng ở TPHCM mà còn ở các tỉnh, thành khác của Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Làm thế nào để nhận diện và phòng tránh? Qua hệ thống phương thức của tội phạm sử dụng công nghệ cao trong những năm gần đây, CATP chỉ ra thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao thường là giả danh CA, Viện KSND, TAND gọi điện lừa đảo. Chúng cũng giả danh giáo viên, nhân viên y tế gọi điện báo người thân, con em đang bị cấp cứu, tai nạn giao thông để lừa đảo. Tội phạm còn đánh cắp tài khoản MXH rồi điện thoại, nhắn tin lừa đảo mượn tiền.

Tội phạm cũng xây dựng các phương thức đánh vào lòng tham của nạn nhân như thông báo trúng thưởng tài sản giá trị cao, dẫn dụ cài App, phần mền lạ để hack, rút tiền trong tài khoản ngân hàng. Thực hiện lừa đảo cuộc gọi deepfake với giọng nói, hình ảnh của người thân, người quen khiến người nhận cuộc gọi rất khó phân biệt và sập bẫy. Đáng chú ý trong thời gian gần đây, các đối tượng đã sử dụng công nghệ cao, cắp ghép mặt nạn nhân vào những clip ảnh "nhạy cảm" nhằm mục đích đe dọa để lừa đảo, CĐTS. Đối tượng mà nhóm tội phạm lừa đảo này nhắm tới thường là những người có địa vị xã hội cao, có kinh tế khá giả, e ngại bị phiền phức tại nơi làm việc hoặc ảnh hưởng đến uy tín gia đình.

Phòng tránh lừa đảo sử dụng công nghệ cao bằng cách nào? Với các cuộc gọi qua điện thoại hoặc nhắn tin yêu cầu cung cấp thông tin, yêu cầu chuyển tiền không rõ ràng thì không làm theo. Thường xuyên quản lý thông tin cá nhân, không công khai chia sẻ CCCD, số điện thoại, tài khoản ngân hàng hoặc hình ảnh cá nhân lên MXH; định kỳ cập nhật mật khẩu các tài khoản email, ngân hàng và MXH.

Cảnh giác với các giao dịch tài chính trực tuyến, kiểm tra kỹ thông tin người nhận và lý do chuyển tiền, không tin tưởng vào các biên lai chuyển tiền giả mạo mà chưa kiểm tra số dư tài khoản. Tuyệt đối không nhấp vào các đường link, các trang MXH nghi ngờ lừa đảo; không bị cuốn vào tâm lý đám đông nếu có lời mời gọi đầu tư với lãi suất cao. Thường xuyên cập nhật, chia sẻ những thông tin hữu ích, những cảnh báo lừa đảo từ cơ quan CA. Khi nghi ngờ bị lừa đảo hãy đến cơ quan CA gần nhất để trình báo.

QUANG ĐĂNG - KIM NGỌC

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/vu-an/canh-giac/huong-dan-bien-phap-phong-ngua-voi-toi-pham-trom-cap-lua-dao_172969.html
Zalo