Như một bài ca tôn vinh tinh thần và ý chí người phụ nữ Việt Nam

Để nói về Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam, trước hết tôi dành 2 chữ: Trân trọng! Kể từ khi bắt đầu được tổ chức lần đầu tiên năm 1995, sắp tròn 30 năm, sự kiện do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức đã thực sự trở thành một lễ trao giải uy tín, trở thành danh hiệu cá nhân cao quý nhất của bóng đá Việt Nam, trở thành điều mà tất cả các cầu thủ bóng đá Việt đều khát khao và mơ ước.

Tôi dành sự trân trọng cho giải thưởng này, cho ý nghĩa và tầm ảnh hưởng đối với bóng đá Việt Nam. Tôi dành sự trân trọng cho ban tổ chức giải, cho Báo Sài Gòn Giải Phóng, cho những người đồng nghiệp thân thương đang công tác tại đây. Cũng là một người làm báo, tôi hiểu về những khó khăn khi tổ chức những giải thưởng thế này, những sự kiện như thế này, duy trì được sức sống của giải thưởng qua bao nhiêu năm. Ở đây là công sức, là nhiệt huyết, là tinh thần chiến đấu, tinh thần thể thao, tinh thần tôn vinh những điều cao đẹp trong thể thao của tập thể những người làm báo.

 Cầu thủ Đào Thị Miện nhận danh hiệu Quả bóng bạc nữ Việt Nam năm 2008. Ảnh: THANH QUỐC

Cầu thủ Đào Thị Miện nhận danh hiệu Quả bóng bạc nữ Việt Nam năm 2008. Ảnh: THANH QUỐC

Bản thân tôi luôn dành nhiều sự quan tâm hơn đến thể thao nữ, đến bóng đá nữ, các VĐV, các cầu thủ nữ. Tôi xin được kể lại một câu chuyện: Nữ cầu thủ Đào Thị Miện vốn là đồng hương của tôi, trưởng thành từ bóng đá phong trào nữ của tỉnh Hà Tây (cũ). Trước kia nhà chị ngay gần nhà tôi và chị học cùng trường cấp 2 với tôi. Cái sân bóng đầu tiên mà chị chơi cũng là sân bóng mà tôi hay đá lúc nhỏ, một bãi đất trống đầy sỏi đá, thời ấy đi chân đất và sang lắm thì có đôi bata vải. Chỉ có vài bạn nữ tập đá bóng và đôi khi chị Miện xin sang đá với đám con trai. Có người đi qua bảo: “Con này cứ như thằng đàn ông. Đàn bà con gái mà đá bóng, chả ra làm sao cả”.

Vậy đó, thời ấy phụ nữ mà đá bóng thì người ta coi là “chả ra làm sao cả”.

Những năm sau, Hà Tây (cũ) có phong trào bóng đá nữ. Tôi đi xem một trận đấu của các nữ cầu thủ trong một ngày hè, mặt sân rất xấu, trụi hết cỏ, bụi mù mịt. Hết trận đấu, tôi móc trong mũi mình ra đầy bụi cát. Các nữ cầu thủ thì còn hơn nhiều, mặt mũi quần áo đều lấm lem đầy bụi, da xạm đen cháy nắng. Tôi nhìn xuống đôi chân họ, những đôi giày tất đã rất cũ, đế đã mòn, có nữ cầu thủ đầu gối rớm máu.

Năm 2006, nữ cầu thủ giành Quả bóng vàng chính là người từng bị nói: “Con gái mà đá bóng, chả ra làm sao cả” Đào Thị Miện.

Năm ấy và những năm tiếp theo, khán giả bắt đầu xem, cổ vũ bóng đá nữ nhiều hơn, gọi những nữ cầu thủ là “những cô gái Vàng Việt Nam” và tự hào vì những gì mà các nữ cầu thủ làm được. Không ai còn nói việc một người phụ nữ chơi đá bóng là “chả ra làm sao cả” nữa.

Là một phóng viên, đứng sát đường piste, tôi nhiều lần nghe thấy những cầu thủ nữ nhắc nhau rằng “cố gắng lên chị em ơi!”. Tôi nhiều lần nhìn rõ được những giọt mồ hôi của những nữ cầu thủ rơi xuống mặt cỏ xanh.

Tôi kể lại câu chuyện về nữ cầu thủ Đào Thị Miện để thấy rằng, từ năm 2001 đã có danh hiệu Quả bóng vàng dành cho cầu thủ nữ. Và một danh hiệu như vậy, từ ngày ấy cho đến ngày hôm nay, với bóng đá nữ, với sự phát triển bóng đá nữ, là ý nghĩa đến như thế nào. Mỗi quả bóng Vàng, Bạc, Đồng được trao lên tay các nữ cầu thủ, là sự ghi nhận, sự trân trọng đóng góp của họ cho bóng đá, cho thể thao, cho vinh quang Việt Nam. Đó như một bài ca tôn vinh tinh thần và ý chí người phụ nữ Việt Nam.

TRẦN QUANG THÁI (Báo Phụ nữ Việt Nam)

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhu-mot-bai-ca-ton-vinh-tinh-than-va-y-chi-nguoi-phu-nu-viet-nam-post781641.html
Zalo