Như có Bác trong ngày thống nhất
Những ngày tháng Tư rất đông đồng bào, chiến sĩ về thăm thành phố mang tên Bác, đặc biệt các di tích về Bác Hồ là điểm hội tụ của bốn phương.
Lưu giữ “nhà Bác Hồ”
Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại số 5 Châu Văn Liêm (Quận 5) là di tích sống động về Bác. Trong 9 tháng (9/1910 - 6/1911), chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã ở tại đây để tìm hiểu tình hình đấu tranh của các tầng lớp lao động Nam Kỳ.

Chiếc áo trấn thủ Bác Hồ tặng bộ đội trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, bến Nhà Rồng
Chị Loan, hướng dẫn viên tại di tích cho biết: “Ngôi nhà một trệt một lầu lợp ngói này vốn là trụ sở của công ty nước mắm Liên Thành, trải qua mấy cuộc chiến tranh nhưng ngôi nhà vẫn được giữ nguyên cho đến ngày nay. Bác Hồ đã sống tại đây một thời gian trước khi bôn ba tìm đường cứu nước”.
Để tránh tai mắt của thực dân, Bác đã sống trên gác, trong khi tầng trệt trụ sở của công ty (gồm ba căn nhà nằm kề nhau) vẫn làm việc bình thường.
Một số người lớn tuổi tại khu vực này chia sẻ: “Nguyên trước trụ sở Liên Thành là dòng kênh nối với sông Sài Gòn, thuyền bè qua lại và nước mắm cũng vận chuyển bằng đường thủy. Rất có thể tháng 6/1911, Bác Hồ đã rời ngôi nhà này ra bến Nhà Rồng bằng thuyền buôn để tránh sự theo dõi của thực dân”.
Năm 1915, dòng kênh đã được lấp đi làm thành một con phố như ngày nay.
Tài liệu nghiên cứu của Thành ủy TPHCM cho biết: “Trong thời gian ở Sài Gòn, Người vừa dạy học vừa đi làm ở trường thợ máy (Eécole des Mécaniciens), vừa đi bán báo ở khu vực thương cảng để kiếm sống và tìm hiểu đời sống công nhân, nhân dân lao động cũng như các tàu ra vào cảng Sài Gòn. Ngày 4/6/1911 Nguyễn Tất Thành lấy tên là Văn Ba rời phân cuộc Liên Thành thương quán xuống tàu của Pháp mang tên Amiral Latouche Tréville. Ngày 5/6/1911 con tàu rời bến cảng Nhà Rồng đưa người thanh niên Việt Nam yêu nước ra đi tìm con đường giành độc lập, tự do cho dân tộc”.
Trong ngôi nhà nhỏ hơn 100 năm vẫn vẹn nguyên, chị Loan giới thiệu cho chúng tôi tấm bằng Công nhận di tích lịch sử - Văn hóa ghi: “Nơi đồng chí Nguyễn Tất Thành ở trước khi ra đi tìm đường cứu nước”. Chị Loan nói: “Di tích đón khách quanh năm, đặc biệt trong dịp 30/4 năm nay có rất nhiều đoàn cựu chiến binh từ khắp cả nước về thăm nơi ở của bác Hồ tại TPHCM”.
Miền Nam nhớ Bác
Bến Nhà Rồng sau hơn 100 năm vẫn còn đó trụ sở của Tổng Công ty Vận tải Hoàng đế (Messageries Impériales) - một trong những công trình đầu tiên do thực dân Pháp xây dựng. Sở dĩ có tên bến Nhà Rồng vì tòa công sở này trên nóc có gắn 2 con rồng kiểu Á Đông.

Các cựu chiến binh tỉnh Phú Thọ thăm bến Nhà Rồng tháng 4/2025 Ảnh: Nguyên Anh
Từ năm 1979, tòa nhà đã được sử dụng làm di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau chuyển thành “Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM”.
Theo nhà nghiên cứu Trần Thị Thanh Hằng, dựa vào tài liệu của bảo tàng, tàu Amiral Latouche Tréville đi nhiều nước và tháng 10/1911 đã quay lại Sài Gòn. Trong sổ lĩnh lương của tàu Amiral Latouche Tréville (bản chụp lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh) ghi rõ anh Văn Ba đã nhận lương tại Sài Gòn, ngày 16/10/1911, có chữ ký. Ngày 31/10/1911, từ Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành gửi thư cho Khâm sứ Trung Kỳ nhờ chuyển số tiền 15 đồng cho cha là Nguyễn Sinh Huy. Số tiền trên đã được ông Nguyễn Sinh Huy ký nhận ngày 9/11/1911. Như vậy các tài liệu cho thấy dù con tàu đã trở lại Sài Gòn một thời gian, nhưng Nguyễn Tất Thành vẫn quyết tâm tiếp tục hành trình đi tìm đường cứu nước trên con tàu lịch sử.
Hiện Bảo tàng Hồ Chí Minh tại bến Nhà Rồng đang lưu trữ khoảng 20.000 hiện vật liên quan đến Bác Hồ, trong đó phần lớn là hiện vật gốc rất có giá trị về lịch sử, văn hóa.
Rất nhiều quà tặng của Bác dành cho đồng bào chiến sĩ miền Nam được lưu giữ như chiếc áo trấn thủ Bác tặng thương binh Lê Thống Nhất năm 1955, chiếc bút máy Bác tặng Anh hùng lao động Lê Minh Đức năm 1958, chiếc rido Bác tặng chị Trần Thị Lý năm 1963…
Tôi ấn tượng nhất là cái kẹo Bác Hồ tặng chị Thiện Vân (cán bộ miền Nam) trước khi chị trở về Nam chiến đấu. Chị mang theo nó bên mình trải qua bao nhiêu bom đạn mà quyết không ăn, giữ mãi làm kỷ niệm.
Hội ngộ ở bến Nhà Rồng
Chị Hoài Ánh, hướng dẫn viên của Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Bến Nhà Rồng nói: “Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, mỗi ngày di tích bến Nhà Rồng đón tiếp hàng trăm đoàn khách tham quan là đồng bào chiến sĩ cả nước. Đoàn ít thì vài chục người, đoàn nhiều tới hàng trăm người. Cá nhân tôi có ngày hướng dẫn khoảng 10 đoàn khách tham quan trong dịp này”.

Chị Phụng, một nhân viên lâu năm tại Bảo tàng Hồ Chí Minh tại bến Nhà Rồng tự hào: “Chúng tôi có hàng vạn hiện vật, tài liệu gốc và độc đáo về cuộc đời hoạt động của Bác, tình cảm của Bác với miền Nam và tình cảm của đồng bào miền Nam với Bác. Đồng bào chiến sĩ cả nước khi thăm bến Nhà Rồng đều xúc động khi nhìn thấy và cảm nhận được tình cảm của Bác với miền Nam và với đồng bào chiến sĩ cả nước”.
Hòa mình vào hàng ngàn cựu chiến binh thăm bến Nhà Rồng, cựu chiến binh Nguyễn Văn Doanh quê ở Phú Thọ kể: “Tôi là lái xe vượt Trường Sơn, chiến đấu rất gian khổ. Đoàn xe chúng tôi xuất phát 400 chiếc mà khi trở về chỉ còn lại 100 chiếc trong tình trạng hư hỏng, dính đầy vết đạn. Khi bom thả, pháo bắn, tôi nằm dưới gầm xe mà bom pháo thổi bay chiếc xe của tôi. Trong tim tôi luôn vang lên lời Bác dạy: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước!”.
Cuối tháng 4/1975, bác Doanh lái xe chở đơn vị công binh đầu tiên đi tiền trạm mở đường đến tận Hố Nai, giáp Sài Gòn để hôm sau đại quân tiến thẳng vào Dinh Độc Lập. Sau đó, bác Doanh vinh dự cùng đồng đội công binh ra Bắc tôn tạo Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác Doanh luôn mang theo hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chiếc điện thoại của mình với niềm tin rằng đất nước sẽ ngày càng phát triển, ấm no, hạnh phúc như điều Bác Hồ mong ước.
Một bác nữ cựu chiến binh TP Việt Trì (Phú Thọ) rơi nước mắt khi thăm bảo tàng Hồ Chí Minh tại bến Nhà Rồng, chia sẻ: “Chúng tôi đi chiến đấu gian khổ hy sinh nhưng so với những hy sinh của Bác Hồ trên con đường cứu nước, cứu dân thì chưa thấm vào đâu! Hôm nay, đứng ở bến Nhà Rồng lòng tôi vô cùng xúc động như thấy Bác vẫn có mặt nơi đây và Bác vui khi thấy đất nước đang phát triển cùng bạn bè năm châu”.