Hỗ trợ kịp thời nạn nhân của bạo lực gia đình
Bạo lực gia đình (BLGĐ) không chỉ gây hậu quả nghiêm trọng về thể chất, tâm lý cho các thành viên trong gia đình mà còn là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quyền con người.
Các nạn nhân cần sự hỗ trợ
Em H. M. B, thôn Tru Chaih, xã Đông Sơn, huyện A Lưới năm nay vừa tròn 16 tuổi. B. phổng phao, xinh gái nên có nhiều thanh niên trong xã để ý và muốn cưới làm vợ. Ba B. đã gật đầu đồng ý một mối, nhưng B. thì không. Ước mơ của B. là được đi học. Không những bị vứt hết sách vở, B. nhiều lần bị ba đánh đòn vì tội không nghe lời người lớn. Biết được sự việc, Tổ truyền thông cộng đồng thôn đã thường xuyên đến nhà khuyên bảo, phân tích đúng sai cho ba B. và những người lớn trong nhà thấu hiểu. Biết việc mình làm là sai, ba của B. đã cam kết không bao giờ đánh đập, chửi bới B. nữa và sẽ cho B. tiếp tục đi học.
Chị L. T. Y. (50 tuổi) quê Thủy Thanh, TX. Hương Thủy làm dâu ở xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, cũng từng là nạn nhân của bạo lực gia đình. Số lần chị bị chồng bạo hành có lẽ nhiều đến mức chị không thể nhớ nổi. Bị bạo hành trong thời gian dài như vậy bởi vì chị Y. luôn cam chịu, không dám nói với ai sợ xấu hổ. Nhưng khi được tuyên truyền, được hiểu về quyền và lợi ích hợp pháp của người vợ trong Luật Hôn nhân gia đình; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bình đẳng giới... chị Y. đã vượt lên nỗi sợ của bản thân để tìm đến sự giúp đỡ của các cơ quan, ban ngành địa phương.
“Để bị bạo hành thường xuyên trong một thời gian dài cũng một phần do tôi thiếu hiểu biết, không dám phản kháng lại đòi quyền lợi cho bản thân. Giờ thì tôi biết mình không đơn độc, bởi chỉ cần mình mở lòng thì còn có các cơ quan, đoàn thể luôn sẵn sàng giúp đỡ”, chị Y. bộc bạch.
Các cơ quan, ban ngành cùng phối hợp
Thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các ban ngành, đoàn thể chủ động phối hợp và có nhiều đổi mới, sáng tạo trong các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về phòng, chống BLGĐ. Nhiều hội thi, diễn đàn ý nghĩa với hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú được tổ chức nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, giáo dục tiền hôn nhân, nuôi dạy con, tuyên truyền chính sách dân số… Các cơ quan, ban ngành cũng phối hợp tuyên truyền Bộ luật Dân sự; Luật Bình đẳng giới; Luật Hôn nhân gia đình; Luật Phòng, chống BLGĐ kết hợp với trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật... với các hình thức tuyên truyền đa dạng.
Những nỗ lực của các cơ quan, ban ngành góp phần giảm đáng kể các vụ việc BLGĐ. Số vụ BLGĐ có thay đổi và giảm qua các năm; trong đó, năm 2021 có 76 vụ, 2022 có 49 vụ, 2023 có 34... Với các biện pháp xử lý chủ yếu là góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư đã dần thay đổi nhận thức của những người gây ra BLGĐ... Các nạn nhân ngoài việc được tư vấn về tâm lý và pháp luật còn được chăm sóc hỗ trợ sau khi bị bạo lực sẽ giúp nạn nhân lấy lại được tự tin, tinh thần.
Với các biện pháp phòng, chống BLGĐ thông qua các mô hình, câu lạc bộ đã được các cấp, chính quyền địa phương quan tâm, thực hiện và có tín hiệu tốt khi số lượng các mô hình tăng lên theo từng năm. Phải kể đến là các mô hình phòng, chống BLGĐ theo chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; mô hình câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững năm 2022 có 153 câu lạc bộ, 2023 có 179 câu lạc bộ; địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, năm 2022 có 573 địa chỉ, 2023 có 680 địa chỉ... thành lập các nhóm phòng, chống BLGĐ; các đường dây nóng. Bên cạnh đó, các trung tâm hỗ trợ cho phụ nữ, trẻ em bị BLGĐ cũng hoạt động hiệu quả, thiết thực, thực sự là chỗ dựa cho các nạn nhân bị BLGĐ.
Bà Phan Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, thành viên Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh cho biết: Các vụ việc BLGĐ có xu hướng giảm hơn, các biện pháp hỗ trợ, mô hình, câu lạc bộ phòng, chống BLGĐ, trung tâm, cơ sở hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị BLGĐ ngày càng tăng. Tuy nhiên, trên thực tế phần lớn các vụ việc BLGĐ chỉ được báo cáo hoặc nạn nhân tìm đến sự hỗ trợ của cơ quan chức năng khi vụ việc nghiêm trọng, hành vi bạo lực xảy ra trong thời gian dài hoặc có thể dẫn đến chấm dứt hôn nhân. Điều này gây khó khăn cho việc thống kê số liệu chính xác, đồng thời ít nhiều ảnh hưởng đến việc triển khai các giải pháp can thiệp và ứng phó kịp thời.
Bên cạnh đó, công tác thống kê, thông tin, báo cáo về BLGĐ còn gặp khó khăn do thiếu các công cụ theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thi hành pháp luật, chiến lược, chương trình, kế hoạch. Một số chỉ tiêu liên quan thông qua các cuộc tổng điều tra, khảo sát được thực hiện định kỳ với kỳ hạn còn dài nên khó khăn trong việc thu thập số liệu đánh giá hàng năm. Do đó, số nạn nhân và vụ việc BLGĐ trên thực tế chắc chắn còn nhiều hơn số liệu được thống kê.
Vấn đề BLGĐ hiện vẫn còn tồn tại, dai dẳng bởi những hạn chế, bất cập khác, như: Tình trạng BLGĐ còn diễn ra ở nhiều nơi với các đối tượng khác nhau; tính chất của các BLGĐ ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường; sự cam chịu từ phía nạn nhân do nhiều người bị bạo lực có tâm lý cam chịu, sợ bị kỳ thị nên không đi báo cáo, vì cho rằng đó là chuyện bình thường, thậm chí cảm thấy xấu hổ.
Đó cũng là những vấn đề đang đặt ra đối thực trạng phòng, chống BLGĐ và hỗ trợ cho nạn nhân hiện nay. Thời gian tới, để hạn chế nạn BLGĐ điều quan trọng là cần tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ, vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cơ quan, ban ngành liên quan; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, trang bị kiến thức cho phụ nữ, trẻ em để họ tự tin, dám đứng lên tố giác, lên án BLGĐ, đấu tranh vì quyền và lợi ích hợp pháp cho bản thân.