Nhộn nhịp ngày mùa
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân các địa phương trong tỉnh đã tranh thủ gặt lúa, phơi phóng, không khí lao động của người nông dân diễn ra khẩn trương trên khắp cánh đồng.
Với thời tiết khá lý tưởng, lúa phần lớn trên các cánh đồng đến thời điểm này cơ bản đã thu hoạch xong, hiện bà con huy động nhân lực, máy móc để chở thóc về nhà. Hiện còn một số diện tích cấy muộn bà con đang thu hoạch.
Bà Lý Thị Khang ở thôn Nà Pái, xã Vi Hương, huyện Bạch Thông hồ hởi: “Gia đình tôi cấy 1.400m2 chủ yếu là lúa nếp. Thân lúa nếp thường cao, mềm, bông nặng nên rất dễ đổ, hơn thế lúa nếp phải gặt tay nên sẽ chậm hơn máy. Vụ này tuy chịu sự ảnh hưởng của thiên tai song năng suất vẫn đạt khá".
Bà Khang cho biết thêm toàn bộ số thóc thu về, chỉ dành một phần để ăn, số còn lại đem bán, thóc nếp có giá khoảng 15.000 đồng/kg.
Tại các cánh đồng, tốc độ gặt diễn ra khá nhanh do phần lớn người dân sử dụng cơ giới hóa vào quá trình thu hoạch. nhờ áp dụng cơ giới hóa bà con tiết kiệm thời gian, chi phí lao động, lượng thóc lúa cũng ít bị hỏng. Bỏ ra khoảng 500.000 đồng thuê máy gặt liên hợp gặt 1.000m2 lúa chỉ trong vòng 30 phút.
Bà Hoàng Thị Liệu ở thôn Bản Lài, xã Côn Minh, huyện Na Rì cho biết: “Năm nào tôi cũng thuê máy gặt vì nhà ít lao động. Máy tự động đập, tách hạt, người thuê đóng thành bao, mình chỉ việc chở về nhà. Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, vụ này gia đình tôi chỉ thu về 11 bao thóc, giảm khoảng 4 bao so với vụ trước, tương đương khoảng hơn 1 tạ”.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, vụ mùa năm nay, toàn tỉnh gieo cấy 14.047ha lúa. Đến ngày 09/11, bà con thu hoạch khoảng 99% diện tích, sản lượng lúa giảm do ảnh hưởng của thiên tai. Toàn tỉnh có 842ha lúa bị thiệt hại, trong đó hơn 600ha bị mất trắng, tập trung ở các xã Khang Ninh, Nam Mẫu, Quảng Khê (Ba Bể), Nam Cường (Chợ Đồn), ...
Mặc dù sản lượng lúa mùa giảm nhưng tại các vùng ít chịu ảnh hưởng thiên tai như Ngân Sơn, Bạch Thông, Pác Nặm…năng suất duy trì ổn định. Qua ghi nhận, nhiều hộ vẫn được mùa vì giai đoạn gần thu hái nắng ráo, lúa trỗ bông đều, cây lúa được tích tụ dinh dưỡng đầy đủ.
Sau khi kết thúc thời vụ, ngành chuyên môn khuyến cáo không đốt rơm rạ để tránh ô nhiễm môi trường và lãng phí nguồn dinh dưỡng, chất hữu cơ. Có thể xử lý bằng cách sau: Thu gom rơm, sử dụng chế phẩm vi sinh để ủ rơm rạ thành phân bón hữu cơ. Cắt ngắn gốc rạ, rắc hoặc tưới chế phẩm vi sinh đều trên mặt ruộng sau đó cày lật đất để vùi gốc rơm rạ và rơm xuống dưới./.