Nhộn nhịp mùa kinh doanh hoa Tết
Những ngày này, nhiều nhà vườn tại TP Vinh (Nghệ An) đang cấp tập nhập hoa, cây cảnh để kinh doanh tháng Tết. Đây là mùa buôn bán lớn nhất năm nên mọi công tác được chuẩn bị kỹ càng. Thậm chí để có vị trí đắc địa bán hoa Tết, nhiều hộ phải đặt cọc từ hồi tháng 4, chấp nhận thuê 6 tháng nhưng chỉ sử dụng trong 1,5 tháng Tết.
Chấp nhận thuê mặt bằng nửa năm dùng trong 1,5 tháng
Để có được vị trí "đắc địa" trên tuyến đường trong mùa kinh doanh hoa, cây cảnh lớn nhất năm, nhiều nhà vườn đã chuẩn bị từ rất sớm. Đường Lênin thuộc phường Hưng Dũng, TP Vinh (Nghệ An) được xem là tuyến đường bán hoa Tết sầm uất nhất thành phố, các nhà vườn đã chuẩn bị đặt cọc mặt bằng từ nửa năm trước.
Ông Nguyễn Công Đường (trú xã Nghi Ân, TP Vinh) chia sẻ, do thời tiết vào dịp Tết thường khó lường, nên ông rất chú trọng việc rào chắn lán kinh doanh. Ngoài bảo quản tốt cho loại hoa đắt tiền này thì đây cũng là địa điểm ăn ở, làm việc của ông và những người làm trong suốt hơn 1 tháng cận Tết. Ngoài bán các loại hoa do nhà vườn trồng, ông Đường nhập thêm hoa lan bán làm điểm nhấn cho cửa hàng.
"Đây là địa điểm đẹp, đường rộng rãi, thông thoáng, chỗ để xe rộng thoải mái nên được nhiều người đặt cọc. Để giữ vị trí đẹp này, tôi phải chấp nhận bỏ tiền thuê nửa năm, trong khi thực tế sử dụng chỉ hơn 1 tháng Tết. Theo tính toán, chi phí vật liệu như tre, nứa, bạt che, dây điện, bóng chiếu sáng... hết khoảng 40 triệu đồng. Tôi thuê 5 người thợ, làm việc trong 4 ngày để hoàn thành việc dựng lán, ngoài ăn uống thì khoản tiền công là 10 triệu đồng" - ông Đường chia sẻ.
Cũng theo ông Đường, lán làm bằng tre, che bạt, thậm chí tận dụng nguyên liệu, bạt cũ nên kinh phí dao động ở mức đó. Riêng các nhà vườn đầu tư thuê hẳn giàn thép, dựng lán kiên cố thì chi phí lớn hơn nhiều.
Cạnh lán ông Đường, gia đình ông Nguyễn Viết Hiến (1966, trú xã Nghi Ân, TP Vinh) cũng đã hoàn tất việc làm mặt bằng và đang nhập hàng về bán. Chúng tôi làm lán trong 7 ngày bao gồm dựng lán trại, làm mái, lợp 2 lớp bạt, quây kín 3 phía. "Để có được vị trí này, tôi phải đặt cọc từ hồi tháng 4 để giữ chỗ. Dù là mối làm ăn lâu năm nhưng phải đặt cọc trước, kẻo người ta trả giá cao hơn là mình mất chỗ đẹp. Do làm lâu năm nên chúng tôi có kinh nghiệm hơn, nhiều vật liệu được mua, tái sử dụng nên cũng tiết kiệm được đáng kể, chi phí làm lán chỉ hơn 10 triệu đồng/lán. Vị trí tôi thuê rộng gần 500m2, giá gần 100 triệu đồng. Năm nay, gia đình tôi mở rộng kinh doanh, nên thuê thêm một phần đất nữa, cách vị trí này một lán. Chỉ tính riêng tiền thuê mặt bằng, tôi đã phải chi gần 200 triệu đồng", ông Hiến cho biết.
Thị trường tiêu thụ còn chậm
Dự kiến, thị trường hoa Tết sẽ bắt đầu sôi động vào cuối tháng 11 âm lịch. Nhiều người dân có quan niệm đi mua sắm sớm để chọn hoa đẹp, chưa bị tác động nhiều bởi giá cả thị trường và có nhiều thời gian để lựa chọn. Bởi vậy, ngoài 20-11 âm lịch, các nhà vườn đã bắt đầu tập kết hoa để phục vụ khách.
Theo các hộ kinh doanh hoa, cây cảnh nhận định, năm nay thị trường tiêu thụ còn chậm so với các năm trước. Hiện tại chỉ có một số hộ dân và cơ quan công sở, trường học mua hoa về chưng Tết hoặc tổ chức các chương trình chợ Xuân.
Cô Nguyễn Thị Lan, giáo viên một trường mầm non trên địa bàn phường Hưng Dũng cho biết, "cứ vào dịp này hàng năm, trường tổ chức mua các chậu hoa về trưng bày để tổ chức chương trình chợ Xuân. Chúng tôi chọn các loại hoa như đồng tiền, hoa hồng, hoa tỉ muội và một số loại hoa lá khác để tạo không gian đẹp, nhiều màu mắc cho trường. Đây cũng là dịp để cho các phụ huynh, các bé chụp ảnh lưu niệm.
Dự tính, trong vụ hoa Tết năm nay, ông Nguyễn Viết Hiến nhập hơn 2 tỷ đồng hoa ly về phục vụ khách chơi Tết. Hoa lan được bày bán ở địa điểm này nên việc chuẩn bị cơ sở vật chất cầu kỳ và tốn kém hơn. Ngoài bán lan thì chúng tôi còn bán các loại hoa khác với giá bình dân như hồng, cúc, đồng tiền, trà my... Trong đó, giá hoa trà my nhà vườn chúng tôi bán dao động khoảng 500 nghìn đồng - 1,2 triệu đồng, hoa cúc đồng tiền có giá khoảng 50-100 nghìn đồng. "Hiện tại vườn vẫn chưa áp dụng giá hoa Tết. Thị trường năm nay so với năm ngoái vẫn còn chậm. Khoảng sau ngày 10-12 (âm lịch) thì sức mua mới bắt đầu tăng và đây cũng là thời điểm áp dụng giá Tết", ông Hiến nói.
Cũng theo ông Hiến, 3 năm trở lại đây thị trường hoa Tết bị ảnh hưởng nhiều do kinh tế khó khăn sau dịch COVID-19 nhưng trên thực tế, nhu cầu của khách năm sau luôn cao hơn năm trước. Khó có thể dự đoán được mùa hoa Tết năm nay có sôi động hơn năm ngoái hay không nhưng là những nhà vườn lâu năm, công tác chuẩn bị vẫn phải tiến hành chu đáo, kỹ càng bởi đây là vụ buôn bán lớn nhất trong năm và đưa lại nguồn thu cho gia đình.