Nhộn nhịp làng cá Mỹ Hà vào vụ Tết
Những ngày cuối năm, làng cá Mỹ Hà (thành phố Nam Định) nhộn nhịp, tấp nập từ sáng sớm đến tối muộn, khắp các con đường, xóm làng, đâu đâu cũng vang lên tiếng máy bơm tát ao, tiếng xe tải chờ “bốc” cá và tiếng cười nói râm ran của người mua bán. Trên tuyến đường chính nối xã Mỹ Thắng - Mỹ Hà với Quốc lộ 21, từng đoàn xe chở nặng cá trắm đen.
Tất bật tát ao, kéo lưới, vận chuyển cá lên tráng, anh Trần Văn Quyên ở xóm Nội An tranh thủ cho biết: “Cá trắm đen có ưu điểm thịt chắc ngọt, có giá trị dinh dưỡng cao hơn các loại cá khác. Vì vậy, cá trắm đen rất được ưa chuộng trên thị trường. Gia đình tôi hiện có 9 ao nuôi cá trắm đen xen lẫn với cá Koi cảnh. Bình quân, mỗi ao trắm đen thu hoạch khoảng 3 tấn, dự kiến sẽ đánh bắt tỉa bán dần dịp Tết năm nay, ước lợi nhuận từ 200-500 triệu đồng”. Anh Quyên chỉ cho chúng tôi từng con cá trắm đen to chắc nịch được nuôi từ 4-5 năm, bình quân mỗi con nặng từ 12-15kg, phải 1 người ôm. Ai cũng hồ hởi, phấn khởi, tiếng cười đùa vang cả 1 vùng bởi một mùa cá bội thu - kết tinh của cả năm chăm sóc, vất vả của gia đình đã được đền đáp.
Xã Mỹ Hà có tổng diện tích nuôi thủy sản đạt 87,9ha, trong đó có 10 trang trại nuôi cá trắm đen và cá Koi, còn lại các hộ nuôi cá truyền thống như trắm, trôi, chép, cá rô đồng… chủ yếu tập trung ở các thôn Rõ, Chợ Giữa, Nội An, Cửa Đông; sản lượng hàng năm ước đạt hơn 2.200 tấn. Bắt đầu từ tháng 2, các hộ nuôi cá sẽ đồng loạt xuống giống cho đến tháng 10 bắt đầu cho thu hoạch rải rác đến hết tháng 1 năm sau là kết thúc vụ nuôi. Cá trắm đen Mỹ Hà được tiêu thụ rộng rãi ở cả trong và ngoài tỉnh… Đặc biệt, vào dịp giáp Tết còn cung ứng số lượng lớn cho làng cá kho truyền thống Nhân Hậu, huyện Lý Nhân (Hà Nam). Do có thị trường tiêu thụ và giá cả ổn định nên các hộ nuôi luôn yên tâm đầu tư sản xuất. Qua các vụ nuôi, nông dân Mỹ Hà đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm, hiện hầu hết các hộ tổ chức nuôi cá trắm đen theo hình thức bán thâm canh, thâm canh năng suất cao. Theo hạch toán của các hộ nuôi cá trắm, mỗi ha nuôi có thể cho năng suất cá đạt từ 10-12 tấn, doanh thu đạt trên 1-1,2 tỷ đồng và cho thu lãi 150-200 triệu đồng/ha. Nghề nuôi cá trắm đen đang góp phần giúp nhiều hộ dân nơi đây ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu chính đáng. Với mục đích để nuôi chuyên canh cá trắm đen ngày càng hiệu quả hơn, các hộ nuôi cá trắm đen trong toàn xã đã liên kết lập Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản Tiền Phong để tương trợ lẫn nhau ứng dụng công nghệ nuôi cá trắm đen công nghiệp, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, cung ứng con giống, thức ăn, thuốc thú y và xử lý dịch bệnh, tìm kiếm thị trường tiêu thụ… Các hộ nuôi thường xuyên tổ chức sinh hoạt để nhận xét, đánh giá, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn và rút kinh nghiệm nuôi thả trong hợp tác sản xuất. Hiện đã có 16/30 hộ tại vùng nuôi tập trung tham gia Tổ hợp tác.
Không chỉ nổi tiếng với đặc sản cá trắm đen, nhiều hộ dân xã Mỹ Hà còn chuyển đổi sang nuôi các loài cá đặc sản khác để tránh phụ thuộc vào biến động giá cả thị trường từng năm, phát triển kinh tế bền vững. Tại cơ sở mua bán thủy hải sản Quang Mai của Trần Văn Quang ở xóm 1, ba chiếc xe tải lớn với hơn chục người đang nhịp nhàng cân cá từ bể tráng trong nhà, nhấc đổ vào các xe theo các thương lái tiêu thụ trong tỉnh và ngoại tỉnh như: Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Hải Phòng, Bắc Ninh... Anh Quang vui vẻ cho biết: “Hơn 1 năm trở lại đây, tôi chuyển đổi từ mô hình nuôi cá trắm đen sang nuôi 3 ao cá lóc bông. Cá lóc bông hiện được thị trường ưa chuộng hơn bởi dễ chế biến, xương mềm, thịt chắc, giá cả lại hợp với túi tiền người dân. Cá dễ nuôi, phàm ăn, ít bệnh, chịu được môi trường nước tù nên các hộ nuôi chăm cá cũng nhàn”. Theo anh Quang, cá lóc bông được gọi là “siêu sạch” bởi cá được bắt từ dưới ao lớn lên trước Tết gần 2 tháng, sau đó đem nuôi trong bể. Khoảng thời gian nuôi trong bể cá không được cho ăn mà chỉ sống bằng lượng thức ăn và chất dinh dưỡng có sẵn trong người. Vì thế các loại độc tố trong cơ thể cá được đào thải ra bên ngoài, đến Tết thu hoạch bán thịt cá thơm ngon, sạch nên rất bổ dưỡng. Bình quân mỗi con cá lóc bông nuôi trong vòng 15-16 tháng chỉ nặng từ 1,5-2kg, trọng lượng cho chất lượng thịt ăn ngon nhất của loại cá đặc sản này vì thịt cá có đủ độ săn chắc, ngọt nước, xương cá cũng mềm, nên thường “cháy hàng” từ trước Tết. Ngày thường mỗi kg cá được bán với giá từ 50-55 nghìn đồng; dịp Tết mỗi kg cá có giá 60-70 nghìn đồng. Dự kiến gia đình anh cung ứng ra thị trường Tết từ 45-47 tấn cá lóc bông, thu về hơn 200 triệu đồng.
Không khí rộn ràng tại Mỹ Hà những ngày cuối năm mang theo bao niềm vui và hy vọng trước thềm xuân mới. Với truyền thống nuôi trồng thủy sản lâu đời, kết hợp với kinh nghiệm và sự đổi mới trong cách làm, xã Mỹ Hà tiếp tục giữ vững danh hiệu “vựa cá lớn nhất” phía Bắc tỉnh Nam Định, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế nông thôn bền vững.