Nhộn nhịp Đồng Xoài khi tách tỉnh

Báo Bình Phước phát hành số đầu tiên, ngày 1-1-1997, ghi nhận về Đồng Xoài trước thời khắc trở thành trung tâm tỉnh lỵ

NHỘN NHỊP ĐỒNG XOÀI KHI TÁCH TỈNH

(Đăng Báo Bình Phước, ngày 1-1-1997)

CAO ANH KHUYẾN

Sự kiện tách tỉnh Sông Bé thành hai tỉnh: Bình Dương và Bình Phước, thị trấn Đồng Xoài trở thành tỉnh lỵ Bình Phước đã làm nức lòng người dân Đồng Xoài.

Đồng Xoài, mảnh đất đã được thử thách suốt 30 năm máu lửa của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và đánh Mỹ, đã đi vào lịch sử của dân tộc ta như một dấu son chói sáng. Hai mươi mốt năm hàn gắn vết thương chiến tranh vừa củng cố, xây dựng và phát triển, Đảng bộ, quân dân Đồng Xoài đã từng bước làm cho Đồng Xoài hồng hào tươi tắn lại, phác thảo những nét chấm phá đầu tiên trong bức tranh toàn cảnh của Đồng Xoài trong thời kỳ đổi mới.

Năm 1996 đã kết thúc, người dân Đồng Xoài nói riêng, huyện Đồng Phú nói chung vui mừng trước những thành tựu về kinh tế - xã hội - văn hóa của huyện nhà không ngừng tăng trưởng, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 230 USD năm 1993 lên 275 USD năm 1995. Giá trị tổng sản lượng thực hiện năm 1996 là 78,25 tỷ đồng, thu ngân sách hơn 12 tỷ đồng. Là một huyện trung du, miền núi, Đồng Phú có nhiều nỗ lực đưa được tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng cơ bản chiếm 16,8% trong cơ cấu kinh tế. Đó là những con số biết nói, thuyết phục, chứng minh sự lao động cần cù, thông minh, sáng tạo và chỉ đạo sâu sát, năng động, sáng tạo của Ban Chấp hành Huyện Đảng bộ Đồng Phú.

Trong niềm vui chung đó, người dân Đồng Xoài có thêm niềm vui khi đón nhận là tỉnh lỵ của tỉnh mới Bình Phước. Giờ đây đi đến đâu, ở bất cứ nơi nào tôi cũng đều nghe người dân Đồng Xoài bàn luận xôn xao, trăn trở, dự kiến cho tương lai trong suy nghĩ của mỗi người. Có thể nói “vui buồn lẫn lộn”. Họ lo âu suy tư nhiều lắm. Nào là quy hoạch mặt bằng, đường sá giao thông, lo buôn bán, tìm đối tác thương trường v.v… Rồi “cơn sốt đất” cũng từ đây được “bùng lên” với mức độ chóng mặt. Người nghèo thì đứng nhìn ngẩn ngơ; người thừa tiền, lắm bạc “đua” nhau mua đất, làm cho tình hình quản lý đất đai trên địa bàn thị trấn Đồng Xoài vốn đã phức tạp lại càng khó khăn phức tạp hơn.

Dẫu gì, tất cả những điều đó vẫn là chuyện “bên lề”. Những khó khăn vướng mắc ấy khi quy hoạch đô thị sẽ được giải quyết theo chính sách, pháp luật của Nhà nước. Điều người dân ở Đồng Xoài vui mừng, hy vọng và chờ đợi về một thị xã Đồng Xoài trong tương lai phải thật sự là nơi trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội xứng đáng là thủ phủ Bình Phước. Họ vui mừng khi nghĩ về tương lai của con cháu họ được thừa hưởng những thành quả của một cuộc sống văn minh giàu đẹp và hạnh phúc, mà hôm nay thế hệ cha, anh đang đặt những viên đá đầu tiên xây dựng nền móng tỉnh lỵ Đồng Xoài.

Tách tỉnh là một việc làm rất cần thiết để đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước. Dẫu còn nhiều bề bộn lo toan nhưng các cấp lãnh đạo huyện, tỉnh đang gấp rút chuẩn bị cho các công việc cần làm. Người dân Đồng Xoài hôm nay cũng thật sự hào hứng, khẩn trương tiếp tục thực hiện tốt Nghị định 36/CP, làm tốt công tác vệ sinh môi trường và ở mỗi người đều nâng cao tinh thần trách nhiệm để cùng với huyện nhà, tỉnh nhà lo toan cho tỉnh mới sớm đi vào ổn định.

Cố nhân đã dạy “Thiên thời - địa lợi - nhân hòa” ba yếu tố ấy hội đủ, trọn vẹn thì không có một khó khăn nào có thể cản lối chúng ta đi.

Tách tỉnh, thủ phủ Bình Phước đặt tại Đồng Xoài là hoàn toàn hợp với ý Đảng - lòng dân. Khi ý Đảng lòng dân là một thì sẽ là sức mạnh tổng hợp, như nước trăm sông lại đổ về một mối, tạo thành biển lớn mênh mông.

1-1997

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/548/167474/nhon-nhip-dong-xoai-khi-tach-tinh
Zalo