Nhóm sinh viên chinh phục thị trường với dự án 'sữa dừa sáp'
Lấy cảm hứng từ sữa dừa thông thường đã có trên thị trường, nhóm sinh viên trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ đã tạo ra 'sữa dừa sáp', nhằm nâng tầm giá trị cho đặc sản dừa sáp Cầu Kè (Trà Vinh).
Từ giảng đường đến thị trường
Sau khi đoạt giải Nhì cuộc thi ‘Ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo’ trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ năm 2024, nhóm 6 sinh viên gồm: Lâm Chí Trường, Huỳnh Văn Mến, Nguyễn Thúy Ngân, Nguyễn Huỳnh Bảo Trân, Lê Thanh Tiến và Triệu Thị Hoàng Nhung đã đặt tên thương hiệu sản phẩm là Cocovimilk và quyết định đưa sản phẩm ra thị trường.
Chia sẻ về ý tưởng khởi nghiệp, Lâm Chí Trường (trưởng nhóm) cho biết: “Đối với dừa sáp hiện nay đã được mở rộng trồng thử nghiệm ở các tỉnh lân cận khác của Trà Vinh tuy nhiên thì các sản phẩm từ dừa sáp vẫn còn hạn chế. Chính vì thế mà mình mong muốn đem hương vị tự nhiên của dừa sáp gói gọn vào sản phẩm sữa dừa sáp đóng chai và sữa dừa sáp hòa tan đóng gói để nhiều người biết đến đặc sản Cầu Kè - Trà Vinh hơn”. Sau khi qua chế biến và thương mại hóa đối với Cocovimilk thì dừa sáp được tăng giá trị lên khoảng 20% so với giá trị ban đầu.
Sản phẩm được sử dụng công nghệ sản xuất như thanh trùng, đồng hóa sữa để giữ được hương vị tự nhiên của dừa sáp. Không dùng phụ gia thực phẩm chất điều vị để làm mất đi giá trị dinh dưỡng cũng như hương vị tự nhiên của dừa sáp. Đặc biệt, dừa sáp có đặc tính đặc, sệt, càng xay nhuyễn qua nhiều giai đoạn thì ra thành phẩm sữa dừa càng mịn càng ngon.
Dự án không chỉ dừng lại ở việc tận dụng nguyên liệu địa phương, mà còn áp dụng các công nghệ sản xuất hiện đại như thanh trùng, đồng hóa và sấy thăng hoa để giữ trọn vẹn hương vị tự nhiên và giá trị dinh dưỡng của dừa sáp. Bên cạnh đó, sản phẩm kết hợp cùng với bao bì bắt mắt đã thu hút người sử dụng. Sản phẩm còn được đựng trong chai thủy tinh cao cấp phù hợp với những thị trường khó tính. Sản phẩm hiện đang được giới thiệu thông qua các kênh trực tuyến như fanpage, website và các gian hàng khởi nghiệp tại TP. Cần Thơ.
“Chúng mình gặp không ít khó khăn trong quá trình nghiên cứu, đặc biệt là bảo quản sữa dừa sáp ở dạng lỏng do hàm lượng chất béo cao và dinh dưỡng không đồng đều giữa các trái dừa”, Thúy Ngân, thành viên nhóm chia sẻ.
Tầm nhìn xa và khát vọng vươn tầm
Nhờ sự nỗ lực sản phẩm ‘sữa dừa sáp’ đã công bố 12 chỉ tiêu theo quy chuẩn kỹ thuật chất lượng Quốc gia và sẵn sàng thương mại hóa vào năm 2025. Nhóm cũng đang xây dựng những chiến lược marketing để đưa sản phẩm ra thị trường trong thời gian tới.
Nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu chất lượng cao cho sản xuất, nhóm đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các vườn dừa sáp quy mô vừa và nhỏ tại Trà Vinh. Sự hợp tác này không chỉ giúp đầu ra của nông dân được ổn định mà còn tạo động lực gia tăng giá trị cho sản phẩm. “Chúng mình hiểu rằng, để phát triển bền vững, việc gắn bó với người nông dân và đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định là yếu tố tiên quyết. Trong tương lai, nhóm sẽ tiến tới ký kết các hợp đồng thu mua dài hạn, xây dựng nền tảng cho việc sản xuất đại trà”, Huỳnh Văn Mến nói.
Không chỉ dừng lại ở sản phẩm sữa dừa sáp, Cocovimilk đang hướng đến việc mở rộng danh mục sản phẩm từ dừa thông thường, tận dụng tiềm năng của vùng nguyên liệu rộng lớn tại miền Tây Nam Bộ. Đồng thời, nhóm đặt mục tiêu đạt được chứng nhận OCOP – một minh chứng cho chất lượng và giá trị của sản phẩm nông nghiệp đặc trưng địa phương.
Sáu thành viên Cocovimilk đang chứng minh khả năng hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp của mình. Các thành viên đến từ nhiều chuyên ngành khác nhau như Quản trị Kinh doanh, Tài chính Ngân hàng, Công nghệ Thực phẩm, nhưng đều chung khát vọng lập thân lập nghiệp, đưa đặc sản quê hương ra thị trường.