Nhóm lĩnh vực, doanh nghiệp hưởng lợi nhất trong 2025
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng phân tích cổ phiếu MBS nhìn nhận, năm 2025 hứa hẹn nhiều biến động cho nền kinh tế Việt Nam, với nhiều yếu tố sẽ định hình tương lai doanh nghiệp.
Báo cáo chiến lược của MBS năm 2025 đưa ra sáu chủ đề kinh tế chính khi đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam. Ông có thể chia sẻ ý tưởng đằng sau việc lựa chọn những động lực này?
Ông Nguyễn Tiến Dũng: Báo cáo của chúng tôi tập trung vào sáu chủ đề then chốt, không chỉ đơn thuần là tổng hợp những chỉ số kinh tế vĩ mô mà còn xem xét tác động tương hỗ giữa các yếu tố trong nước và quốc tế.
Sáu khía cạnh này gồm sản xuất, đầu tư công, chuyển đổi số 4.0, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, ảnh hưởng của Trung Quốc và tác động của chính sách kinh tế dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Việc chọn lựa những chủ đề này nhằm mang đến một bức tranh toàn cảnh, giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn những yếu tố then chốt ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam.
Thông qua đó, nhà đầu tư cũng xác định được nhóm ngành, doanh nghiệp nào được hưởng lợi cũng như gặp khó khăn trong năm 2025.
Doanh nghiệp sản xuất, công nghệ tích cực
Hãy cùng nói về chủ đề đầu tiên, MBS đánh giá khá tích cực về triển vọng ngành sản xuất Việt Nam năm 2025. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về những cơ sở cho nhận định này?
Ông Nguyễn Tiến Dũng: Nhận định tích cực về ngành sản xuất năm 2025 dựa trên ba trụ cột chính.
Thứ nhất, xu hướng tăng trưởng xuất khẩu khả quan. Điều này được hỗ trợ bởi thị trường thương mại toàn cầu dự báo sẽ phục hồi và tăng trưởng tốt hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa Việt Nam.
Thêm vào đó, Việt Nam đang tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và RCEP, mở ra nhiều cơ hội tiếp cận thị trường mới và tăng cường khả năng cạnh tranh.
Việt Nam đang ngày càng tích cực tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp công nghệ cao. Đây là một xu hướng tích cực, giúp Việt Nam nâng cao giá trị gia tăng và thu hút đầu tư nước ngoài.
Tiếp đó, vốn đầu tư tư nhân đang có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ sau một thời gian gặp khó khăn. Sự gia tăng đầu tư tư nhân vào các ngành sản xuất là một tín hiệu rất tích cực, cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư vào triển vọng của ngành sản xuất trong thời gian tới.
Vậy còn vốn FDI thì sao? Dòng vốn này có còn mạnh mẽ trong năm 2025?
Ông Nguyễn Tiến Dũng: Thực tế, tình hình giải ngân vốn FDI trong năm 2024 chỉ đi ngang so với năm 2023, tức là chúng ta chưa thực sự khởi sắc trong cái việc giải ngân đầu tư FDI.
Mặt khác, vốn FDI chủ yếu đến từ những dự án hiện tại mở rộng thay vì dòng vốn FDI mới.
Điều này có nguyên nhân chủ yếu do trong năm 2024, Việt Nam đã áp thuế tối thiểu toàn cầu và chúng ta chưa có cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp FDI về vấn đề này.
Trong khi đó, các quốc gia trong khu vực như Malaysia, Indonesia hay Philippines khi áp thuế tối thiểu toàn cầu đã ban hành thêm những chính sách giúp doanh nghiệp được hoàn thuế thông qua việc hỗ trợ chi phí sản xuất kinh doanh.
Điều này khiến năng lực cạnh tranh thu hút vốn FDI mới của các quốc gia trong khu vực tốt hơn Việt Nam trong năm 2024.
Mặc dù vậy, sang năm 2025, lượng vốn FDI mới sẽ tích cực hơn. Vừa qua Chính phủ đã ban hành dự thảo liên quan đến việc hoàn thuế rồi, điều này có thể thúc đẩy dòng vốn quay trở lại ngay trong nửa đầu năm nay.
Ông dự báo những nhóm ngành sản xuất nào sẽ có triển vọng phát triển mạnh mẽ nhất trong năm 2025?
Ông Nguyễn Tiến Dũng: Dựa trên phân tích của chúng tôi, một số ngành sản xuất có triển vọng phát triển mạnh mẽ trong năm 2025 là công nghệ cao như ngành bán dẫn, điện tử.
Hồi tháng 8/2024, Thủ tướng đã thành lập Ủy ban chỉ đạo về phát triển bán dẫn và đã mở ra chương mới cho cái sự phát triển của ngành bán dẫn của Việt Nam.
Cuối tháng 12 vừa qua, Tổng Bí thư cũng đã ký ban hành Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học công nghệ và cũng đích thân Tổng Bí thư làm Trưởng ban chỉ đạo phát triển khoa học công nghệ.
Điều này là cho thấy Chính phủ Việt Nam đang có quyết tâm rất là lớn để có thể phát triển những ngành công nghệ mới này để đón đầu xu hướng phát triển của thế giới.
Ngoài công nghệ, nhóm ngành năng lượng tái tạo, ngành công nghiệp hỗ trợ, và một số ngành sản xuất hàng tiêu dùng cũng được kỳ vọng bứt phá trong năm tới.
Doanh nghiệp công nghệ, bán dẫn, công nghiệp hỗ trợ và tiêu dùng kỳ vọng bứt phá trong năm 2025
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng phân tích cổ phiếu, Khối nghiên cứu MBS
Đầu tư công, vật liệu xây dựng tăng tốc
Năm 2025 được xem là năm then chốt đối với đầu tư công tại Việt Nam. Nhiều công ty phân tích và chuyên gia cũng nhìn nhận đầu tư công năm nay sẽ là động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế. MBS dự báo thế nào về triển vọng của lĩnh vực này?
Ông Nguyễn Tiến Dũng: Năm 2025 đánh dấu sự kết thúc của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Đây là thời điểm quan trọng để đánh giá hiệu quả thực hiện và chuẩn bị cho kế hoạch giai đoạn tiếp theo 2026-2030.
Để dự báo cho năm 2025, chúng ta hãy nhìn về quá khứ năm 2020. Đây cũng là năm cuối trong chu kỳ đầu tư công giai đoạn 2016 – 2020. Dữ liệu cho thấy, năm 2020 đầu tư công cũng tăng trưởng rất cao và tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư trên kế hoạch lên tới trên 90%.
Do đó, MBS dự báo vốn giải ngân đầu tư công năm 2025 sẽ tăng mạnh, có thể đạt mức tăng trưởng từ 24% đến 31%, và tỷ lệ giải ngân trên kế hoạch đạt từ 85 đến 90%, tương tự như năm 2020.
Một số dự án trọng điểm sẽ tiếp tục được ưu tiên thực hiện, bao gồm các dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc – Nam, dự án sân bay Long Thành, và các dự án về vành đai 3.5 và 4 tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Quyết tâm của Chính phủ và một số thay đổi mới về chính sách, như Luật Đất đai mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc giải phóng mặt bằng, nhưng những thách thức vẫn còn đó.
Thách thức lớn nhất vẫn là việc giải ngân vốn. Việc chậm trễ giải phóng mặt bằng, thiếu vốn, hay thiếu năng lực thi công vẫn là những rủi ro tiềm tàng, có thể làm chậm tiến độ hoặc gây lãng phí nguồn lực.
Ông Nguyễn Tiến Dũng: Doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến cung cấp nguyên vật liệu xây dựng, dịch vụ xây dựng, vận tải, và các dịch vụ hỗ trợ khác cho các dự án đầu tư công sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.
Đặc biệt là các doanh nghiệp có năng lực thi công lớn, có kinh nghiệm thực hiện các dự án lớn, và có khả năng tiếp cận nguồn vốn hiệu quả.
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản tại các khu vực có dự án đầu tư công lớn cũng sẽ được hưởng lợi gián tiếp. Tuy nhiên, việc hưởng lợi trực tiếp hay gián tiếp còn phụ thuộc vào khả năng cạnh tranh và năng lực của từng doanh nghiệp.
Ngành vật liệu xây dựng, vận tải, đầu tư công sẽ hưởng lợi từ sóng đầu tư công.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng phân tích cổ phiếu, Khối nghiên cứu MBS
Bài toán của Trung Quốc
Trung Quốc là một trong những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam. Dự báo cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2025. Anh đánh giá thế nào về câu chuyện Trung Quốc?
Ông Nguyễn Tiến Dũng: MBS dự báo kinh tế Trung Quốc năm 2025 sẽ tăng trưởng khoảng 4,8%, giảm nhẹ so với năm 2024. Mặc dù mức tăng trưởng này vẫn ở mức khá, nhưng sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc vẫn còn nhiều bất ổn, do tiêu dùng nội địa yếu và những vấn đề liên quan đến thị trường bất động sản.
Tác động đến Việt Nam sẽ là sự kết hợp của cả cơ hội và thách thức. Nếu Trung Quốc thực hiện các chính sách kích thích kinh tế và nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ để vực dậy nền kinh tế, Việt Nam sẽ có cơ hội hưởng lợi.
Các ngành hàng xuất khẩu sang Trung Quốc như cao su, kim loại, và hóa chất có thể tăng trưởng mạnh.
Ngành du lịch và hàng không cũng sẽ được hưởng lợi nếu Trung Quốc mở cửa trở lại và khách du lịch Trung Quốc quay trở lại Việt Nam với số lượng lớn như trước đây.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc nới lỏng tiền tệ cũng có thể gây ra áp lực giảm giá đồng Nhân dân tệ, từ đó gây áp lực lên tỷ giá của Việt Nam.
Mặt khác, việc này cũng làm sự cạnh tranh về giá cả và chất lượng sản phẩm giữa doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc cũng sẽ ngày càng gay gắt hơn.
Ngoài ra, cũng nên nhớ Trung Quốc là nước láng giềng lớn của Việt Nam, nên ảnh hưởng của Trung Quốc không chỉ giới hạn ở kinh tế. Quan hệ chính trị giữa hai nước sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và kinh doanh.
Làn sóng các doanh nghiệp dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc có tạo ra cơ hội lớn cho Việt Nam?
Ông Nguyễn Tiến Dũng: Tôi nghĩ là có. Việc Trung Quốc dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi nước này là một cơ hội lớn cho Việt Nam. Việt Nam có nhiều lợi thế để thu hút đầu tư, như vị trí địa lý thuận lợi, chi phí lao động tương đối thấp, và môi trường chính trị tương đối ổn định.
Làn sóng này sẽ thúc đẩy một số lĩnh vực, như bất động sản khu công nghiệp hay logistics tăng trưởng.
Mặc dù vậy, chúng ta cũng cần phải chuẩn bị tốt các điều kiện để đón nhận làn sóng đầu tư này, bao gồm cải thiện hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, và hoàn thiện khung pháp lý.
Cạnh tranh giữa các quốc gia trong việc thu hút đầu tư cũng rất gay gắt, Việt Nam cần phải có những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn và hiệu quả để giành được lợi thế.
Một số doanh nghiệp xuất khẩu, ngành du lịch và khu công nghiệp sẽ hưởng lợi từ những chính sách của Trung Quốc.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng phân tích cổ phiếu, Khối nghiên cứu MBS
Tác động kép từ Trump 2.0
Kinh tế toàn cầu dự báo có biến động lớn trong thời gian tới với sự trở lại của ông Trump và khả năng áp dụng chính sách thuế mới thường được gọi với cái tên "Trump 2.0". Ông đánh giá thế nào về tác động của chính sách này lên kinh tế Việt Nam năm 2025?
Ông Nguyễn Tiến Dũng: Việc dự đoán tác động chính xác của "Trump 2.0" lên kinh tế Việt Nam rất khó khăn, vì còn thiếu nhiều dữ liệu.
Câu chuyện phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm chính sách cụ thể mà ông Trump thực hiện, phản ứng của các nước khác, và tình hình kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, dựa trên các chính sách trong nhiệm kỳ trước của ông Trump, tôi cho rằng "Trump 2.0" mang lại cả cơ hội và thách thức cho Việt Nam.
Về cơ hội, nếu ông Trump tiếp tục chính sách bảo hộ thương mại, có thể dẫn đến việc các doanh nghiệp dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, tạo điều kiện cho Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài.
Đặc biệt là các ngành sản xuất công nghiệp, logistics và công nghệ thông tin có thể được hưởng lợi. Việc giảm thuế ở Mỹ cũng có thể thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ.
Ở chiều ngược lại, chính sách bảo hộ thương mại của ông Trump cũng có thể gây ra những thách thức.
Việt Nam có thể phải đối mặt với việc bị áp thuế quan đối với một số mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ. Việc điều tra thương mại cũng có thể tăng lên, gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Từ tác động kép này, ông đánh giá các ngành chủ lực nào của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng?
Ông Nguyễn Tiến Dũng: Các ngành như công nghiệp chế biến, chế tạo, đặc biệt là linh kiện điện tử, dệt may, giày dép, logistics, và công nghệ thông tin có thể được hưởng lợi từ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc và tăng trưởng xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên, các ngành xuất khẩu có giá trị gia tăng thấp và các ngành phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực do nguy cơ áp thuế quan cao hơn và sự biến động chính sách.
Để đối phó, Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh, hoàn thiện khung pháp lý, đầu tư hạ tầng, và theo dõi sát sao chính sách của Mỹ.
Những ngành công nghiệp giá trị gia tăng cao sẽ được hưởng lợi từ Trump 2.0, trong khi những ngành tập trung vào nhân công giá rẻ như dệt may, da giày sẽ gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng phân tích cổ phiếu, Khối nghiên cứu MBS
Xin cảm ơn ông!