Nhóm Gelex chính thức hiện diện tại Eximbank
Động thái tham gia vào Eximbank của nhóm Gelex cũng được giới đầu tư đánh giá sẽ giúp hoàn thiện 'hệ sinh thái' các công ty sản xuất – tài chính của tập đoàn.
Mới đây, Eximbank đã mới công bố danh sách năm cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên tại ngày 1/7/2024.
Đáng chú ý, về phía các cổ đông tổ chức, Công ty CP Tập đoàn Gelex lần đầu chính thức xuất hiện khi đang là cổ đông lớn nhất khi sở hữu 4,9% vốn điều lệ và Công ty CP Chứng khoán VIX sở hữu 3,58% vốn, đứng ở vị trí thứ hai.
Được biết, cả hai công ty này đều năm trong “hệ sinh thái” của tài chính của ông Nguyễn Văn Tuấn - người hiện giữ nhiều chức vụ lãnh đạo cấp cao tại nhiều doanh nghiệp lớn như Công ty CP Dây cáp Điện Việt Nam, Tập đoàn Gelex, Tổng công ty Viglacera, Công ty CP thiết bị điện Gelex và Công ty CP Hạ tầng Gelex.
Động thái tham gia vào Eximbank của nhóm Gelex cũng được giới đầu tư đánh giá sẽ giúp hoàn thiện “hệ sinh thái” các công ty sản xuất – tài chính của tập đoàn.
Theo đó, ngoài các doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực bất động sản, bất động sản khu công nghiệp, thiết bị điện và vật liệu xây dựng, Gelex sẽ có bổ sung thêm một ngân hàng lớn trong hệ thống là Eximbank cùng với Chứng khoán VIX.
VIX sẽ trở thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ dẫn đầu hệ thống nếu sắp tới tăng vốn thành công.
Ngoài nhóm "Gelex", các cổ đông khác nắm giữ trên 1% vốn của ngân hàng này bao gồm Công ty CP Thắng Phương sở hữu 3,07% vốn, bà Lê Thị Mai Loan sở hữu 1,03% vốn và bà Lương Thị Cẩm Tú sở hữu 1,12% vốn.
Trong đó, bà Lương Thị Cẩm Tú hiện đang là Phó chủ tịch HĐQT Eximbank còn bà Lê Thị Mai Loan là cựu Thành viên HĐQT Eximbank và từng là nhân sự chủ chốt của Tập đoàn Bamboo Capital
Trước đó, công ty Thắng Phương và bà Mai Loan từng chung nhóm cổ đông đề cử Phó chủ tịch Bamboo Capital vào Hội đồng quản trị Eximbank. Nhóm này gồm công ty Thắng Phương, bà Mai Loan, Công ty Đầu tư và dịch vụ Helios và ông Nguyễn Hồ Nam - cựu Chủ tịch HĐQT Bamboo Capital.
Như vậy, năm cổ đông này hiện đang nắm giữ tổng cộng 13,7% vốn của Eximbank.
Trong các năm qua, Eximbank là ngân hàng liên tục ghi nhận biến động về cơ cấu cổ đông và nhân sự cấp cao khi một loạt những cổ đông lâu năm như Vietcombank, VinaCapital, Tập đoàn Thành Công, Âu Lạc và mới đây nhất là SMBC cũng đã thoái vốn khỏi Eximbank.
Cuối tháng 4 vừa qua, Eximbank đã bổ nhiệm ông Nguyễn Cảnh Anh là Chủ tịch HĐQT, còn cựu Chủ tịch HĐQT Bamboo Capital - ông Nguyễn Hồ Nam làm Phó chủ tịch HĐQT Eximbank.
Sau nhiều năm biến động trong bộ máy lãnh đạo do sự không thống nhất trong các nhóm cổ đông tham gia cùng và dàn nhân sự thượng tầng, năm 2022 mới là lần đầu tiên nhà băng này tổ chức đại hội cổ đông thành công và dàn xếp được bộ máy hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới. Qua đó kỳ vọng đem lại sự phát triển mới bền vững hơn cho nhà băng này.
Về hoạt động kinh doanh, năm 2024, Eximbank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng lên 223.500 tỷ đồng, huy động vốn thêm 10,5%, lên 175.000 tỷ. Nhà băng dự kiến dư nợ tín dụng tăng trưởng 14,6%, lên 161.000 tỷ đồng, trong khi tỷ lệ nợ xấu giảm về 1,8%.
Theo báo cáo mới nhất của Chứng khoán MB, trong năm tháng đầu năm nay, Eximbank ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng lên tới 5,3% so với hồi đầu năm, cao hơn nhiều so với mức trung bình cả ngành là 2,4%.
Tổ chức này dự báo tăng trưởng tín dụng của Eximbank sẽ đạt gần 10% trong 2024 - 2025 nhờ mảng cho vay bán buôn, bán lẻ.
Thêm nữa, tín dụng bất động sản hồi phục khi thị trường bất động sản “ấm dần” và mảng cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ kỳ vọng tăng trưởng trở lại nhờ cung cấp các gói tín dụng với lãi suất hấp dẫn.