Nhóm doanh nghiệp nào sẽ bị ảnh hưởng nặng khi Mỹ áp thuế đối ứng 46% với Việt Nam?
Khi Việt Nam bị áp thuế, những ngành công nghiệp chính sẽ bị ảnh hưởng và dễ bị tổn thương nhất là đồ điện tử, thiết bị máy móc, dệt may, giày dép, đồ gỗ...
Rạng sáng 3.4 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố mức thuế đối ứng sẽ áp dụng với hàng chục nền kinh tế, trong đó Việt Nam không phải nước chịu mức thuế đối ứng cao nhất.
Theo thông tin từ chính quyền Mỹ, lý do Việt Nam bị áp mức thuế đối ứng cao chủ yếu đến từ việc Mỹ đánh giá Việt Nam hưởng lợi từ chính sách thương mại không công bằng, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu bằng các biện pháp trợ cấp. Ngoài ra, Việt Nam cũng được xem là một trong những quốc gia có mức thặng dư thương mại cao với Mỹ, tương tự Trung Quốc trong những năm trước.
Theo giới chuyên gia, Mỹ hiện là thị trường nhập khẩu lớn nhất của hàng Việt Nam, chiếm hơn 25% tổng kim ngạch xuất khẩu quốc gia. Việc Mỹ đưa ra quyết định áp đặt mức thuế mới 46% lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam có thể gây ra những tác động nghiêm trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Bị đánh thuế cao sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng Việt Nam, dẫn đến nguy cơ sụt giảm đơn hàng và doanh thu cho doanh nghiệp.
Với thị trường chứng khoán, VN-Index đã mất hơn 79 điểm, tương ứng 6% bởi áp lực bán chưa có dấu hiệu suy yếu. Thị trường chỉ còn 8 cổ phiếu tăng giá, trong khi số lượng giảm lên đến 496 mã. Cổ phiếu mất hết biên độ là 175 mã, trong đó có 8 đại diện của rổ vốn hóa lớn gồm MSN, MWG, BCM, BVH, GVR, VRE, SHB và TPB.

Mỹ áp thuế với hàng hóa Việt Nam lên tới 46%
Sáng nay, nhà đầu tư nước ngoài nối dài chuỗi xả hàng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Họ giải ngân hơn 830 tỉ đồng, trong khi bán ra xấp xỉ 2.700 tỉ đồng. Giá trị rút ròng theo đó lên đến 1.900 tỉ đồng, cao nhất trong gần 3 tháng trở lại đây.
Theo báo cáo của VISRatings, Việt Nam nổi bật là một trong những quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ mà chính phủ Mỹ đã tuyên bố sẽ áp dụng thuế đối ứng dựa trên chính sách "Nước Mỹ trên hết". Cho đến nay, Mỹ đã đưa Canada, Trung Quốc và Mexico, cũng như một số ngành như ô tô, nhôm và thép vào diện đối tượng bị áp thuế nhập khẩu cao hơn.
Theo đó, nếu Việt Nam bị tăng thuế, những ngành công nghiệp chính sẽ bị ảnh hưởng và dễ bị tổn thương nhất là đồ điện tử, thiết bị máy móc, dệt may, giày dép và đồ gỗ. Các ngành này chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ, và nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ doanh thu xuất khẩu phụ thuộc cao vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng tác động sẽ phân hóa giữa các ngành và từng công ty.
Các công ty đa quốc gia sản xuất điện tử và thiết bị máy móc tại Việt Nam có khả năng phản ứng với thuế quan tốt hơn bằng cách chuyển một phần hoạt động sản xuất hoặc hàng hóa hoàn thiện sang các quốc gia khác. Nhưng các nhà sản xuất nội địa về dệt may, giày dép và đồ gỗ có thể có ít lựa chọn để chuyển hướng và tìm thị trường tiêu thụ thay thế. Những doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào doanh số xuất khẩu sẽ phải đối mặt với chi phí cao hơn, số lượng đơn hàng giảm sút và dòng tiền hoạt động kém hơn.
Trong số các nhà sản xuất dệt may nội địa, Công ty May Sông Hồng (MSH) có 80% doanh thu xuất khẩu từ thị trường Mỹ, TNG (TNG) 46%, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (VGT) 35%, Dệt May Thành Công (TCM) 25%. Savimex (SAV), một nhà sản xuất đồ gỗ lớn, có 50% doanh thu từ xuất khẩu là sang thị trường Mỹ.
Thống kê theo từng lĩnh vực, VIS Rating cho rằng các doanh nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng như sau:
Máy vi tính, sản phẩm điện tử: Intel, HP, Dell, Amkor, Samsung, Victory Giant, Saigon Fabrication.
Máy móc, thiết bị, dụng cụ: Rockwell Automation, Techtronic, First Solar, Trina Solar, JA Solar.
Hàng dệt may: Crystal Group, Vinatex, May Sông Hồng, Dệt May Thành Công.
Điện thoại các loại và linh kiện: Samsung, Foxconn, Luxshare, Goertek, SMP Holdings.
Gỗ và sản phẩm gỗ: Phú Tài, Savimex, Kiến trúc AA, An Việt Phát, Eastwood, Tập đoàn Kim Tín.
Giày dép: PouYuen, Vina giày, Tập đoàn TBS, Biti's, Thượng Đình.
Phương tiện vận tải: Thaco, Honda, Vinfast, Ford.
Hàng thủy sản: Minh Phú, Vĩnh Hoàn, Hùng Vương, An Giang, Stapimex, Thực phẩm Sao Ta.
Các mặt hàng khác: Long Sơn, Olam Vietnam, Intimex, Trung Nguyên, Tôn Đông Á, Nam Kim.
Trong vài tuần qua, đại diện chính phủ Việt Nam và Mỹ đã nhiều lần gặp nhau để đàm phán các biện pháp thương mại mới và điều chỉnh chính sách nhằm đối phó với các rủi ro thuế quan tiềm ẩn. Ngoài việc giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Mỹ, chính phủ Việt Nam đã phê duyệt các thỏa thuận mới cho phép các tập đoàn Mỹ hoạt động tại Việt Nam. Ví dụ, SpaceX của Mỹ đã nhận được sự chấp thuận để triển khai thử nghiệm dịch vụ internet vệ tinh Starlink tại Việt Nam.
Các biện pháp này, về lý thuyết, sẽ giúp thúc đẩy nhập khẩu hàng hóa Mỹ và giảm thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ theo thời gian. Nhưng VIS cho rằng chính các cuộc đàm phán đang và sắp diễn ra giữa hai chính phủ mới quyết định mức độ chính sách thuế quan mới của Mỹ cũng như việc sẽ áp dụng nó trong bao lâu.
Ngoài ra, các hạn chế thương mại gia tăng cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng thu hút dòng vốn đầu tư trong tương lai của Việt Nam và làm giảm triển vọng đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 8% vào năm 2025 của Việt Nam.
Sáng nay 3.4 tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với các bộ ngành sau khi Mỹ tuyên bố mức áp thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.