Sẵn sàng đón 'gió ngược'
Trong một thế giới nhiều biến động, không có điều gì là chắc chắn ngoại trừ năng lực tự thân. Đây cũng là cách có thể giúp doanh nghiệp Hải Dương vượt qua những khó khăn từ chính sách thuế mà Mỹ mới ban hành được ví như cơn 'gió ngược'.

Đa dạng hóa thị trường là cách doanh nghiệp Hải Dương ứng phó với những khó khăn, ngay cả khi Mỹ áp thuế cao với các sản phẩm dệt may
Chính quyền Hoa Kỳ vừa tuyên bố áp mức thuế nhập khẩu lên tới 46% đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam. Quyết định đột ngột này không chỉ khiến thị trường tài chính biến động mà còn đặt ra hàng loạt lo ngại cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Một doanh nghiệp dệt may chuyên xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ vừa chia sẻ rằng, việc áp thuế cao sẽ ngay lập tức tác động tới các ngành hàng chủ lực như dệt may, đồ gỗ, da giày, điện tử, thủy sản... và từ đó lan rộng tới toàn nền kinh tế. Doanh nghiệp Hải Dương cũng không nằm ngoài sức ảnh hưởng này. Đơn hàng may mặc của công ty anh cũng bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, anh lại lạc quan cho rằng không phải không có cách để trụ vững trong giai đoạn khó khăn này. Anh cho biết dịch Covid-19 được coi là "vaccine" hữu hiệu giúp doanh nghiệp của anh bình tĩnh ứng phó mọi tình huống như việc áp thuế của Mỹ hiện nay. Nhờ chủ động đa dạng thị trường từ trước đó nên đối diện với khó khăn anh tìm hướng mở rộng thị phần xuất khẩu sang EU, Australia...
Rõ ràng, không phải đến bây giờ các doanh nghiệp mới nghĩ đến việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế sau đại dịch đã khiến các doanh nghiệp của tỉnh nhận thấy cần phải tự lực cánh sinh, chủ động tìm cách vượt qua những cơn "gió ngược", không nên phụ thuộc vào một thị trường xuất khẩu duy nhất.
Doanh nghiệp Hải Dương đã từng chủ động tái cấu trúc chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường thì nay đối diện với khó khăn từ chính sách thuế quan của Mỹ có thể nhắm tới các thị trường khác như châu Âu, Đông Bắc Á và cả các thị trường mới nổi ở Trung Đông, châu Phi.
Hải Dương đang ngày càng hội nhập sâu với kinh tế quốc tế, nhưng không có nghĩa chỉ phụ thuộc vào một thị trường lớn Hoa Kỳ. Bằng chứng là giá trị hàng hóa xuất khẩu quý I/2025 của Hải Dương ước đạt 2 tỷ 359 triệu USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2024. Một số mặt hàng giá trị xuất khẩu tăng cao như dây điện và cáp điện lại chủ yếu xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) chứ không phải Mỹ. Doanh nghiệp Hải Dương hoàn toàn có thể tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại như: CPTPP, EVFTA, RCEP để mở ra những con đường mới cho hàng hóa của mình.
Việc đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào một đối tác giúp doanh nghiệp chủ động xây dựng thương hiệu sản phẩm riêng, tăng cường hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu. Khi gặp khó khăn như lần này có lẽ sẽ phát huy hiệu quả.
Chủ động hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó lúc này không chỉ là trách nhiệm mà còn là điều kiện để giữ đà phát triển. Cuộc họp giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với các bộ, ngành về thuế đối ứng của Mỹ ngay sáng 3/4 đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm và mong ngóng một chính sách điều hành linh hoạt và hiệu quả từ Chính phủ.
Có thể thấy, trong một thế giới nhiều biến động và dễ tổn thương, không có điều gì là chắc chắn ngoại trừ năng lực tự thân. Không thị trường nào ưu ái cho ta mãi mãi. Điều quan trọng là doanh nghiệp Hải Dương biết thích nghi, tự vươn lên từ chính những biến cố được coi là làn "gió ngược" như chính sách thuế của Mỹ vừa ban hành. "Gió ngược" có khi là sự tiếp sức, để bứt phá.