Nhọc nhằn bảo tồn biệt thự cổ Đà Lạt

Những kiến trúc biệt thự đặc trưng của Pháp cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX cùng với cảnh quan thiên nhiên độc đáo với rừng thông, thác, hồ của Đà Lạt lại đang bị xâm hại ngày càng nghiêm trọng.

Lâu nay, nói đến di sản kiến trúc đô thị, giới chuyên môn đều thừa nhận ở Việt Nam chỉ có 2 đô thị di sản kiến trúc được công nhận, đó là Huế với kiến trúc cung đình và Đà Lạt với kiến trúc biệt thự.

Dinh Tỉnh trưởng Tuyên Đức (cũ) ở Đà Lạt là công trình kiến trúc cần được bảo vệ

Phá vỡ cảnh quan kiến trúc độc đáo bậc nhất Đà Lạt

Hiếm có một đô thị nào lại có một hồ nước đẹp như hồ Xuân Hương, lại nằm cạnh một đồi thông xanh ngắt (đồi Cù) có diện tích hơn 63ha ngay trung tâm như TP Đà Lạt. Từ trước năm 1991, đồi Cù từng là một sân chơi công cộng khổng lồ dành cho người dân thành phố sương mù lẫn du khách thập phương. Nhiều người đã ví đồi Cù và hồ Xuân Hương là trái tim của Đà Lạt.

Tiếc thay, từ khi được đưa vào làm sân golf thì hầu hết rừng thông tự nhiên ở đây đã bị đốn bỏ để trồng loại thông 3 lá. Đến nay, sau hơn 30 năm, chiều cao của thông cũng chỉ tầm trên dưới 10m, không còn nữa rừng cây thông già một người ôm không xuể, cao vút nổi bật giữa không gian xung quanh. Đó là chưa kể hàng rào sân golf cũng đã khiến đồi Cù - vốn luôn được xem là đầy thi vị, lãng mạn - trở nên gò bó, bức bối ngay giữa lòng khu trung tâm TP Đà Lạt.

Năm 2023, dư luận “dậy sóng” khi xuất hiện một khối nhà to tướng án ngữ giữa sân golf đồi Cù. Báo chí và du khách yêu Đà Lạt không ngớt bàn tán xôn xao vì từ khi thành lập đô thị du lịch Đà Lạt (tháng 6-1893) đến thời điểm được cấp phép, xây dựng, khu vực này luôn được xem là lõi của cảnh quan kiến trúc, không được phép thay đổi hiện trạng vốn có, không được xây cất công trình kiên cố, cao tầng trên đó.

Thế nhưng, không dừng ở đó, khối nhà CLB Golf Đà Lạt còn xây dựng sai phép với diện tích 3.300m2 và tại khối công trình còn lại, chủ đầu tư đã xây dựng không phép 2 hạng mục (khu vực tiếp đón và khu dịch vụ golf 2) với tổng diện tích vi phạm hơn 20.400m2. Như vậy, tổng diện tích vi phạm tại công trình tòa nhà này đến 23.700m2.

Trong lúc việc xử lý những gì vi phạm vẫn chưa rõ ràng thì một điều thực tế là việc xuất hiện công trình này đã tác động rất nặng nề đến cảnh quan của đô thị di sản Đà Lạt. Một thành viên Hội Kiến trúc sư Lâm Đồng cho rằng, việc xây dựng khối tòa nhà trên đã che chắn mất tầm nhìn về phía núi thiêng Langbiang và phá vỡ nguyên tắc bất kiến tạo ở vùng trung tâm nội đô Đà Lạt, làm cho bản sắc kiến trúc ngày một nhạt nhòa.

Về đâu di sản biệt thự?

Không chỉ có câu chuyện về khối tòa nhà chắn tầm nhìn ở ngay khu trung tâm. Những người yêu Đà Lạt cũng đã phải thảng thốt với câu chuyện dinh Tỉnh trưởng Tuyên Đức (cũ) - một công trình kiến trúc biệt thự loại 1, nằm ngay khu trung tâm TP Đà Lạt bị hạ cấp, đưa ra khỏi danh sách bảo tồn kiến trúc và dự kiến sẽ thay vào đó là một khu phức hợp khách sạn - nhà hàng du lịch cao cấp.

Giới chuyên môn lo ngại bởi 2 lẽ. Thứ nhất, tòa nhà này luôn được xem là một trong những tuyệt tác tiêu biểu của di sản kiến trúc biệt thự Đà Lạt, nếu phá bỏ, sẽ là một sự lãng phí lớn; thứ hai, tòa nhà này nằm trên một quả đồi (cao 1.532m so với mực nước biển), nếu theo chủ trương của UBND tỉnh là sẽ cho nâng chiều cao kiến trúc thêm nữa thì rất bất hợp lý, mất cân đối cả về chiều cao công trình kiến trúc và không gian xây dựng ở xung quanh.

Rất may là sau đó, vì nhiều lý do, nhất là việc lên tiếng của giới chuyên môn, tòa nhà này được giữ nguyên cấp độ bảo tồn kiến trúc.

Thế nhưng, không phải ngôi biệt thự cổ nào tại Đà Lạt cũng may mắn như vậy. TP Đà Lạt hiện có hàng ngàn ngôi biệt thự đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Nguyên nhân chính là từ tình trạng sử dụng sai công năng như: một số biệt thự được chuyển thành nhà công vụ hay nhà ở tập thể, dẫn đến bị cơi nới vô tội vạ và xuống cấp nhanh chóng.

Một nguyên nhân khác đến từ việc làm đường thiếu khảo sát kỹ lượng dẫn đến nâng cốt nền lên quá cao, làm hàng loạt biệt thự cổ bị “lún xuống thành hang” so với mặt đường. Điển hình là dọc các con đường 3-4, Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, Quang Trung, Lê Hồng Phong, Hoàng Diệu…, rất nhiều biệt thự chỉ còn nhìn thấy phần trên vì sau nhiều lần nâng cấp đường đã cao lên gần 2m so với ban đầu.

Sau rất nhiều cố gắng, đến nay tỉnh Lâm Đồng đã hoàn thành việc phục hồi, tôn tạo 2 khu biệt thự cổ trên đường Lê Lai và Trần Hưng Đạo. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí nên vẫn còn rất nhiều biệt thự cổ trên đường Hoàng Diệu đang rơi vào tình trạng nhếch nhác, xuống cấp trầm trọng.

Ngay cả khu biệt thự cổ Trần Hưng Đạo từng một thời là biểu tượng nét đẹp kiến trúc của Đà Lạt thì nay toàn bộ diện tích đất phía sau khu biệt thự đã bị xà xẻo, hình thành nên một con phố mới. Các biệt thự cổ giờ chỉ còn giữ được mặt tiền phía trước, còn phía sau mất hẳn không gian rừng thông xanh kéo dài tít xuống các thung lũng phía dưới.

VĂN PHONG

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/nhoc-nhan-bao-ton-biet-thu-co-da-lat-post118765.html
Zalo