Nhớ vị tướng văn võ song toàn
Thiếu tướng Phạm Văn Kha, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng đã ra đi về cõi người hiền. Dẫu biết ông tuổi cao, sức yếu và sinh - tử là quy luật của đời người mà sao nhận được tin ông ra đi, lòng tôi thấy tiếc thương vô hạn. Hình bóng và những ký ức về vị tướng 'văn võ song toàn' bỗng ùa về trong tâm trí, rung lên những cung bậc cảm xúc khâm phục, tự hào, nhớ thương.
Thiếu tướng Phạm Văn Kha sinh năm 1923, quê làng Nhuộng, xã Yên Trung, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Hồi nhỏ, ông học tại Trường Tiểu học FulesFerry. Năm 1942, ông được vào làm việc tại Cơ quan Phòng thủ thuộc Lực lượng bảo an của chính phủ Pháp. Công việc chính là trực điện thoại, nhận thư tín và làm thư ký cho một hợp tác xã chuyên cấp phát lương thực của chính quyền Pháp.
Nhờ được lực lượng cách mạng giác ngộ, ông đã đi theo Việt Minh, tham gia tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám tại Nam Định. Từng tham gia hằng trăm trận đánh, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong hệ thống chỉ huy của quân đội, Thiếu tướng Phạm Văn Kha luôn gây ấn tượng với người đối diện bởi kiến văn sâu rộng, tác phong nho nhã và tài thao lược trong chỉ huy, chiến đấu.
Sinh thời, Thiếu tướng Phạm Văn Kha đã để lại nhiều dấu ấn bước ngoặt, từ một người làm cho chính quyền thực dân, ông đã đi theo cách mạng và tham gia hoặc chỉ huy các trận chiến đấu
Thiếu tướng Phạm Văn Kha từng chia sẻ: Sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp ngày 9/3/1945, nạn đói ở miền Bắc càng trở nên trầm trọng. Tại Nam Định, mỗi ngày có hàng nghìn người lê lết từ nông thôn ra thành phố xin ăn. Người dân thành Nam mỗi sáng thức dậy đều thấy xác người chết trước cửa nhà. Người chết đói nhiều tới mức chính quyền phải thuê xe bò chở ra rồi đổ thành đống dưới hồ La-ket. Đói khát và khổ cực khiến sự căm phẫn của Nhân dân đối với bọn Nhật - Pháp lên tới đỉnh điểm.
Thời gian này, chàng trai Phạm Văn Kha được một cán bộ Việt Minh có tên là Đỗ Nguyên Tân tuyên truyền, giác ngộ. Cuối tháng 3/1945, ông bí mật gia nhập lực lượng Việt Minh, xây dựng dựng cơ sở cách mạng, chờ chỉ thị cấp trên.
Sáng 19/8/1945, tin về cuộc tổng khởi nghĩa tại Hà Nội nhanh chóng lan về Nam Định. Ông tìm cách liên lạc với đồng chí Đỗ Nguyên Tân nhưng không thành công. Chiều tối hôm ấy, ông nhận lệnh đi gác Dinh tỉnh trưởng. Lúc này, tại vườn hoa trung tâm thành phố xuất hiện một chiếc xe ô tô con, trên nóc cắm cờ đỏ sao vàng, xung quanh là đám đông vô cùng náo nhiệt. Dinh tỉnh trưởng vẫn cửa đóng then cài.
Sau vài phút đắn đo, ông quyết định mở cửa đi lên phòng khách. Tỉnh trưởng Nam Định Trần Văn Sương đang chắp tay sau lưng, liên tục đi lại trong phòng, vẻ mặt vô cùng căng thẳng. Ông tiến đến cạnh Tỉnh trưởng, cất giọng:
- Thưa cụ lớn, xe của Việt Minh vừa đi qua đây. Họ nói chốc nữa sẽ sang gặp cụ, ý cụ thế nào?
- Tôi chưa có tin tức gì từ Phòng bảo an. Trước mắt các anh hãy đóng chặt các cửa, không cho bất cứ ai vào - Tỉnh trưởng đáp.
- Thưa cụ, cuộc Tổng khởi nghĩa của Việt Minh ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác đã giành thắng lợi. Người dân ở Nam Định cũng đã đi theo Việt Minh.
Tỉnh trưởng không nói gì.
…
- Tất cả chính quyền các nơi đã về tay Việt Minh. Nếu cụ không hợp tác thì các bà, các cô, các cậu và bản thân cụ sẽ không an toàn.
- Thôi! Bây giờ anh ra ngoài mời một đại diện của họ vào đây để tôi nói chuyện.
Ông Kha lao xuống sân mở toang cánh cổng, chạy ù đi. Tìm một lúc mới thấy chiếc xe cắm cờ đỏ sao vàng nhưng Việt Minh nói đang có việc gấp. Ông bèn quay lại nói với Tỉnh trưởng:
- Đêm đã khuya, đại diện Việt Minh không muốn làm phiền cụ, họ hẹn sáng mai họ sẽ tới.
Xong việc ở nhà Tỉnh trưởng, Phạm Văn Kha chạy sang nhà tên trung úy quan hai Phạm Văn Cảm, chỉ huy trưởng lực lượng bảo an. Vừa thấy ông Kha, tên Cảm đã nói.
- Tôi rất sốt ruột vì từ sáng tới giờ chưa nhận được chỉ thị gì từ “cụ lớn”.
- Thưa quan lớn, tôi vừa ở nhà cụ lớn chạy sang đây. Cụ lớn đã đồng ý bàn giao chính quyền cho Việt Minh, cụ lệnh tôi nhắn với quan lớn truyền lệnh cho các binh sĩ không được động thủ mà nên hợp tác với Việt Minh…
Đêm 19/8, sau cuộc mít tinh của quần chúng nhân dân, TP Nam Định trở nên tĩnh lặng. Trong thời khắc trọng đại của lịch sử, với trí thông minh và sự quyết đoán, ông đã khiến cho hai “quan đầu tỉnh” Nam Định tin rằng mọi thứ đã an bài và không quyết định bàn giao chính quyền thì có thể gây đổ máu.
Sáng 20/8, đồng chí Hà Kế Tấn, Trưởng ban Công vận Xứ ủy Bắc Kỳ tới gặp ông Trần Văn Sương và Phạm Văn Cảm, việc bàn giao chính quyền diễn ra êm đẹp.
Sau ngày 19/8, Phạm Văn Kha được cử đi học trường quân chính Việt Nam khóa 6, tại Sơn Tây, sau đó tham gia đoàn quân Nam tiến vào chiến đấu ở chiến trường Nam Trung Bộ. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông là Đại đội trưởng Đại đội 9, Tiểu đoàn 53, Trung đoàn 120, Khu 5, đóng tại Phù Mỹ, Bình Định.
Tháng 3/1947, đơn vị ông tham gia đánh trận đầu tiên ở Chuông Dầu, xã Cửu An (nay thuộc thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai). Nhờ nắm chắc quy luật hoạt động của địch, bảo đảm yếu tố bất ngờ và tinh thần chiến đấu dũng cảm, Tiểu đoàn 45, Trung đoàn 120 do ông phụ trách với hơn 150 cán bộ, chiến sĩ đã tiêu diệt gọn 1 đại đội của địch khi chúng thực hiện đợt càn dọc tuyến đường 19.
Trong trận đánh ấy, đơn vị đã tiêu diệt 85 tên địch, trong đó có 1 tên quan ba Pháp; làm bị thương 25 tên, thu nhiều vũ khí, chiến lợi phẩm. Đây là một trong những chiến thắng đầu tiên của Lực lượng vũ trang Khu 5. Sau trận đánh này, ông được tặng Huân chương Chiến công Hạng 2.
Trong thời gian công tác trong quân đội, Phạm Văn Kha từng giữ nhiều chức vụ chỉ huy như Đại đội trưởng, Tiểu đoàn Trưởng, Trung đoàn Trưởng, Phó chỉ huy trưởng Quân khu 6 cũ, trước khi về hưu ông là Thiếu tướng, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng.
Với những chiến công và đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Thiếu tướng Phạm Văn Kha đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Quân công hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì; Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhì, Ba; Huân chương Chiến thắng hạng Nhì, Ba; Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhì, Ba; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Lao động hạng Ba; Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng.
Giờ đây, dù đã đi xa nhưng với trong tâm tưởng của những người ở lại, Thiếu tướng Phạm Văn Kha luôn là vị tướng “văn võ song toàn”, một tấm gương sáng cho cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Lâm Đồng học tập, noi theo.