Nho Quan chuyển mình từ nông nghiệp sinh thái
Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản, bắt nhịp thị trường tiêu dùng hiện đại, từ đó xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho người dân, huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình) đang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sinh thái, an toàn, bền vững.
Những năm gần đây, thay vì canh tác nhỏ lẻ, manh mún, nhiều hộ nông dân ở Nho Quan đã bắt đầu tham gia vào các mô hình sản xuất theo chuỗi. Đặc biệt, các chuỗi liên kết với các HTX là cầu nối giữ vai trò hạt nhân trong sản xuất – tiêu thụ, nâng cao thu nhập cho người dân.
Từ đất dốc đến vườn quả tiền tỷ
Một trong những mô hình nổi bật là HTX Phú An (xã Văn Phong), thành lập năm 2013 với 8 thành viên, hoạt động trên diện tích 76 ha đồi dốc. Đến nay, HTX đã khẳng định được hiệu quả khi chuyển hướng sang trồng cây ăn quả, cây lâm nghiệp và chăn nuôi theo mô hình trang trại khép kín, đạt doanh thu trung bình hơn 5 tỷ đồng/năm.
Theo anh Lê Văn Chừng – đại diện HTX Phú An, ngay sau khi thành lập, HTX đã mạnh dạn cải tạo đất hoang hóa, trồng chuối tiêu hồng, thanh long ruột đỏ, dứa và một số cây lấy gỗ. Tuy nhiên, sau hai năm, trước biến động của thị trường, HTX linh hoạt chuyển hướng, mở rộng diện tích trồng thanh long ruột đỏ – loại cây có giá trị cao, phù hợp điều kiện canh tác và có thể nhân giống ngay tại chỗ.

Nông dân, HTX ở Nho Quan đang giàu lên nhờ sản xuất theo hướng hàng hóa.
“Chúng tôi không chỉ bán quả mà còn gây giống để cung cấp cho thành viên và các hộ liên kết, chủ động được nguồn giống chất lượng cao, tránh bị thương lái ép giá”, anh Chừng chia sẻ. Bên cạnh thanh long, HTX cũng mở rộng trồng cam, bưởi theo hướng hữu cơ, toàn bộ quy trình tuân thủ tiêu chuẩn VietGAP, thân thiện môi trường.
Đến nay, hơn 90% diện tích của HTX được canh tác hiệu quả, 100% diện tích cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP và được bao tiêu sản phẩm, không còn cảnh nông dân “được mùa mất giá”.
Tương tự, HTX sản xuất na trái vụ và tiêu thụ trái cây an toàn Phú Long (xã Phú Long), được thành lập năm 2020 với 19 thành viên. HTX đã áp dụng quy trình VietGAP vào sản xuất, loại bỏ hoàn toàn các loại hóa chất độc hại, ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học.
“Nhờ canh tác theo quy trình sạch, quả na của HTX giữ được độ ngọt tự nhiên, mẫu mã đẹp và được thị trường ưa chuộng, giá bán cao gấp 1,5 – 2 lần so với trước đây”, ông Nguyễn Văn Quân – Giám đốc HTX chia sẻ.
Cánh tay nối dài của chương trình giảm nghèo
Không chỉ dừng lại ở cây ăn quả, tại xã Đồng Phong, HTX Công Nông nghiệp sạch Ninh Bình đã xây dựng vùng trồng ớt xanh và ớt chỉ thiên rộng hơn 12 ha. Áp dụng mô hình canh tác khép kín từ giống, phân bón đến thu hoạch và sơ chế, HTX không chỉ nâng cao năng suất mà còn tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động tại địa phương.
Đáng chú ý, nhiều HTX ở Nho Quan không chỉ dừng lại ở khâu sản xuất mà đã chủ động xây dựng thương hiệu, kết nối với thị trường tiêu thụ. Sản phẩm na Phú Long và ổi Đồng Phong hiện đã đạt tiêu chuẩn OCOP, được gắn tem truy xuất nguồn gốc, qua đó tạo được niềm tin với người tiêu dùng và được thương lái thu mua tận vườn.
Không những thế, các HTX còn tích cực tham gia hội chợ, triển lãm, chương trình xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, giúp gia tăng giá trị và mở rộng đầu ra. Đây là bước chuyển quan trọng, giúp nông sản Nho Quan “bước ra khỏi lũy tre làng” để tiếp cận các thị trường tiềm năng trong và ngoài nước.

Quá trình chuyển đổi sản xuất ở Nho Quan đang cho thấy hiệu quả tích cực, mang lại giá trị cao hơn cho nông dân, HTX.
Song hành với chuyển đổi sản xuất, huyện Nho Quan triển khai hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022–2025. Các HTX không chỉ là đơn vị sản xuất mà còn trở thành “địa chỉ” hỗ trợ sinh kế, đào tạo nghề và tạo việc làm cho người dân, đặc biệt là các hộ nghèo và cận nghèo.
Trường hợp của bà Ngô Thị Tâm (thôn Đại Hòa, xã Xích Thổ) là một ví dụ tiêu biểu. Trước đây là hộ nghèo, năm 2022, bà Tâm được hỗ trợ một cặp bò sinh sản trị giá 30 triệu đồng từ dự án "Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo". Được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật, bà đã chăm sóc bò sinh sản thành công, cải thiện thu nhập và vươn lên ổn định cuộc sống.
Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn hơn 2%. Con số biết nói này thể hiện hiệu quả rõ rệt từ việc lồng ghép các chính sách, trong đó có vai trò quan trọng của các HTX trong tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Sinh kế bền vững – nền tảng giảm nghèo
Một điểm nhấn trong quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân huyện Nho Quan là những đóng góp tích cực từ các HTX, tổ hợp tác, với vai trò đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình.
Trong những năm gần đây, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực nhằm thúc đẩy sự phát triển của các HTX trên địa bàn huyện Nho Quan, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Một trong những hoạt động nổi bật là việc hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị. Cụ thể, HTX sản xuất và chế biến nông sản Mai Anh tại xã Quỳnh Lưu đã được hỗ trợ phát triển mô hình sản xuất từ cây sen Nhật, bao gồm các sản phẩm như củ sen tươi hút chân không, trà củ sen, bột củ sen và trà lá sen. Sự hỗ trợ này đã giúp HTX nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho thành viên và tạo việc làm cho lao động địa phương.
Ngoài ra, để nâng cao năng lực công nghệ thông tin cho các xã thuộc huyện Nho Quan, Liên minh HTX tỉnh đã bàn giao máy vi tính cho UBND các xã trong khu vực. Đây là một phần trong chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, nhằm hỗ trợ các địa phương trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và điều hành.
Có thể nói, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng sinh thái ở Nho Quan đã tạo ra một làn sóng mới trong nền nông nghiệp của huyện. Việc kết hợp giữa phát triển sản xuất và bảo vệ môi trường không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ tài nguyên đất đai và nước, đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng.
Những mô hình nông nghiệp sinh thái tại Nho Quan đã và đang chứng minh rằng, việc thay đổi tư duy sản xuất là con đường không chỉ giúp nâng cao giá trị kinh tế mà còn xây dựng nền nông nghiệp bền vững, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới. Nếu tiếp tục duy trì và phát triển mạnh mẽ, Nho Quan sẽ trở thành một điểm sáng trong phát triển nông nghiệp sinh thái của Ninh Bình và cả nước.