Nhớ những 'cánh đồng 5 tấn' thắng Mỹ

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, phong trào xây dựng 'cánh đồng 5 tấn' ở Hải Dương diễn ra sôi nổi, góp phần cùng quân và dân cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Cụ Vũ Thị Chanh ở thôn Quan Lộc, xã Tiên Động (Tứ Kỳ) cùng phóng viên Báo Hải Dương ra thăm lại "cánh đồng 5 tấn" một thời

Cụ Vũ Thị Chanh ở thôn Quan Lộc, xã Tiên Động (Tứ Kỳ) cùng phóng viên Báo Hải Dương ra thăm lại "cánh đồng 5 tấn" một thời

Vừa chiến đấu, vừa sản xuất

Cụ Vũ Thị Chanh ở thôn Quan Lộc, xã Tiên Động (Tứ Kỳ) năm nay đã 92 tuổi nhưng vẫn nhớ khá chi tiết về bối cảnh sản xuất ở địa phương thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Ngày ấy, dù phải đối diện với nhiều nguy hiểm, gian khổ nhưng ai cũng kiên cường bám ruộng, vừa chiến đấu, vừa hăng hái sản xuất để kịp thời có lương thực chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Lực lượng dân quân Hải Dương trực chiến đánh chặn máy bay của Mỹ xâm lược ngay tại cánh đồng (ảnh tư liệu)

Lực lượng dân quân Hải Dương trực chiến đánh chặn máy bay của Mỹ xâm lược ngay tại cánh đồng (ảnh tư liệu)

Khoảng năm 1965 -1966, giặc Mỹ điên cuồng đánh phá miền Bắc, trong đó có tỉnh Hải Dương nhằm phá hoại sản xuất, cơ sở hạ tầng giao thông, công sự, làm gián đoạn các hoạt động chi viện cho chiến trường miền Nam. Chiến đấu cơ của địch gần như này nào cũng gầm rú trên bầu trời xã Tiên Động.

Thực hiện chủ trương của Trung ương và tỉnh, nhân dân xã Tiên Động chuyển hướng sản xuất phù hợp với tình hình thời chiến. Một loạt các phong trào thi đua, khẩu hiệu hưởng ứng chủ trương này được nhân dân trong xã hưởng ứng tích cực như: "Vừa sản xuất vừa chiến đấu", "Tay cày tay cấy", "Địch đến là đánh. Địch đi lại tiếp tục sản xuất", "Cánh đồng 5 tấn"...

Giống như bao phụ nữ ở địa phương thời bấy giờ, cụ Chanh động viên chồng xung phong ra trận. Ở hậu phương, cụ gửi các con vào nhà trẻ, cùng chị em phụ nữ phát huy hết tinh thần "Ba đảm đang". Để xây dựng phong trào "Cánh đồng 5 tấn", nghĩa là năng suất lúa đạt 5 tấn/ha, cụ và các xã viên bám sát đồng ruộng, hăng hái cấy cày. Là phụ nữ, nhưng cụ Chanh và nhiều chị em đảm nhận cả cày, bừa... Mỗi lần ra đồng, trên lưng cụ Chanh và nhiều chị em đều đeo khẩu súng được phát, sẵn sàng cùng Tiểu đội dân quân xã nã đạn vào đám máy bay Mỹ bay qua.

Cụ Vũ Thị Chanh vẫn nhớ khá chi tiết về thời kỳ vừa sản xuất, vừa chiến đấu chống Mỹ

Cụ Vũ Thị Chanh vẫn nhớ khá chi tiết về thời kỳ vừa sản xuất, vừa chiến đấu chống Mỹ

Bấy giờ, phân đạm còn ít, để lúa đạt năng suất, cụ Chanh và các xã viên đi bộ sang tỉnh Thái Bình xin bèo hoa dâu về thả vào ruộng lúa. Bèo phát triển sẽ hạn chế cỏ dại, bèo chết trở thành phân bón lúa. Cụ và mọi người còn đi chặt chuối, vớt bèo về ủ làm phân bón cho lúa thêm xanh tốt. Ngày mùa đến, lúa thu hoạch được đưa về sân kho hợp tác xã để đến tối tranh thủ trục thóc ra thóc, rơm ra rơm. Sản xuất vất vả vì mọi công đoạn đều làm thủ công nhưng tinh thần làm việc của người dân lúc bấy giờ rất hăng say. Hợp tác xã phát động thi đua, người nào làm việc xuất sắc sẽ được tặng nón.

"Chỉ ăn cơm độn khoai sắn với muối trắng, cáy kho nhưng mọi người ai cũng vui vẻ, làm việc hăng say với quyết tâm 1 người làm việc bằng 2. Làm ban ngày không đủ, tranh thủ làm đêm để có đủ lương thực cung cấp cho bộ đội ta ở chiến trường có sức khỏe đánh Mỹ. Năng suất lúa tăng đều theo từng vụ, đến khoảng năm 1967 - 1968 đạt 5 tấn/ha", cụ Chanh nhớ lại.

Ông Nguyễn Trọng Lượng

Ông Nguyễn Trọng Lượng

Cùng xã Tiên Động, chúng tôi gặp ông Nguyễn Trọng Lượng (72 tuổi, người thôn Hòa Nhuệ). Ông từng tham gia Tiểu đội dân quân xã, bắn rơi máy bay Mỹ vào tháng 8/1972. Ông Lượng cho biết thời ấy máy bay địch ngày nào cũng bay thành từng tốp, gầm rú trên bầu trời nhưng bà con không sợ. Máy bay địch đến, nông dân nhanh chóng xuống hố đào tạm cạnh bờ ruộng trú ẩn. Bà con nào được trang bị súng thì cùng dân quân bắn máy bay địch bay tầm thấp. "Hôm chúng tôi bắn rơi máy bay, bà con ai nấy đều vui mừng, phấn khởi, càng hăng say lao động", ông Lượng nhớ lại.

Giữa những năm giặc Mỹ điên cuồng bắn phá Hải Dương, các "Cánh đồng 5 tấn" ở xã Ngọc Châu, huyện Nam Sách (nay thuộc TP Hải Dương) vẫn xanh ngát màu của lúa, ngô, khoai.

Cụ Lê Thị Tiến (90 tuổi, hiện trú tại số nhà 74, đường Lê Viết Quang, phường Ngọc Châu, TP Hải Dương) từng là Xã đội phó xã Ngọc Châu kể: "Ngày nào cũng 8 giờ sáng, hàng đàn máy bay địch kéo đến đánh phá. Chúng không thả bom vào làng hay cánh đồng mà chỉ nhắm vào cầu Phú Lương, đường bộ, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng hòng cắt đứt tuyến tiếp viện của quân ta nên người dân vẫn duy trì sản xuất bình thường".

Ban ngày, cụ Tiến cùng các xã viên hợp tác xã nông nghiệp (chủ yếu là phụ nữ vì hầu hết nam giới đã đi bộ đội) tay cày, tay súng xuống đồng với khí thế sục sôi. Máy bay địch tới, mọi người đi trú ẩn, một bộ phận nông dân tham gia chiến đấu, cứu thương. Ban ngày, cụ Tiến tham gia làm cỏ lúa, đào đắp kênh mương, vớt bèo, rong rêu ủ phân bón ruộng, tát nước chăm bón lúa, ngô, khoai.

Các xã viên Hợp tác xã Nông nghiệp Ngọc Châu tranh thủ tối đa những buổi tối có trăng để đi cấy, đi gặt. Công việc vất vả nhưng ai cũng quyết tâm xây dựng "Cánh đồng 5 tấn" để chi viện cho tiền tuyến. "Mấy năm đầu năng suất lúa thấp, mỗi sào chỉ được 2 thúng thóc. Từ khi có phong trào cánh đồng 5 tấn, năng suất cứ dần tăng lên. Năm 1974, năng suất lúa bình quân ở xã Ngọc Châu đạt hơn 2 tạ/sào, tương đương trên 5 tấn/ha", cụ Tiến kể.

Đóng góp lớn cho tiền tuyến

Phong trào xây dựng "cánh đồng 5 tấn" phát triển mạnh ở Hải Dương từ những năm 1966 trở đi. Để nâng cao sản lượng lương thực chi viện cho tiền tuyến, cùng với chăn nuôi gia súc, các hợp tác xã nông nghiệp trong tỉnh chú trọng cải tiến nội dung kế hoạch, phương pháp sản xuất.

Các đội sản xuất ở thôn, xóm được kiện toàn, thực hiện 3 khoán: khoán diện tích, khoán sản lượng, khoán công điểm và chi phí sản xuất. Việc quản lý công điểm, chống tham nhũng, lãng phí được thực hiện chặt chẽ.

Vừa chiến đấu, vừa sản xuất, nhân dân Hải Dương vẫn đóng góp lớn cho tiền tuyến (ảnh minh họa)

Vừa chiến đấu, vừa sản xuất, nhân dân Hải Dương vẫn đóng góp lớn cho tiền tuyến (ảnh minh họa)

Các hợp tác xã cũng tích cực cải tiến tư liệu sản xuất, giảm sức lao động như trang bị cho xã viên cày 5A, cào cỏ Nghệ An, cào cỏ 64A, xe ba gác... Vận động xã viên cấy hết diện tích. Những giống lúa mới, năng suất bắt đầu được mở rộng. Các hợp tác xã hướng dẫn xã viên cấy thẳng hàng, cấy con nhỏ từ 3 - 5 dảnh, 45 - 50 khóm/ m2. Công tác thủy lợi được quan tâm, phân bón được tăng cường, bèo hoa dâu được nhiều hợp tác nhân giống, phủ kín từ 60 - 65% diện tích trong vụ đông xuân. Diện tích trồng ngô, khoai, rau xanh dần mở rộng.

Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mỗi năm Hải Dương huy động từ 7 - 10 vạn tấn thóc, 10.000 tấn thịt lợn cho Nhà nước. Riêng năm 1974, toàn tỉnh huy động được 13 vạn tấn thóc. Hải Dương là một trong những tỉnh đóng góp thóc và thịt lợn nhiều nhất cho tiền tuyến.

Những "cánh đồng 5 tấn" ở Hải Dương một thời đã trở thành biểu tượng của tinh thần yêu nước, góp phần quan trọng cùng quân và dân cả nước làm nên Đại thắng mùa xuân 1975 vĩ đại.

TIẾN MẠNH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nho-nhung-canh-dong-5-tan-thang-my-409398.html
Zalo